Phát triển - Hội nhập

Lào Cai: Thúc đẩy chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Thanh 06/10/2023 - 15:19

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng phát triển của toàn xã hội. Tại tỉnh Lào Cai, việc chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh, trở thành nền tảng phát triển kinh tế-xã hội, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Đến nay, Lào Cai đã có hơn 70 doanh nghiệp, hợp tác xã với hơn 300 sản phẩm gắn tem truy xuất nguồn gốc QRCode; hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; sàn Thương mại điện tử tỉnh Lào Cai đã có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh mở gian hàng với tổng số trên 300 sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 99%. Đây là những con số ấn tượng cho thấy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đang từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh Lào Cai.

so_2.jpg
Nông dân vùng cao Mường Khương livestream bán quýt.

Những năm qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phối hợp Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh dành riêng cho địa phương qua các kênh website, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Đặc biệt hệ sinh thái du lịch thông minh còn có tính năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ, giúp cổng tiếp cận khách hàng người nước ngoài truy cập và khai thác.

Thị xã Sa Pa đang tích cực chuyển đổi số, từ cấp thị xã đến cấp xã, phường đều thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, nhằm thay đổi phương thức làm việc, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính và kinh doanh.

Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: "Công nghệ thông tin giúp phát triển, thúc đẩy việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiếp nhận khách đặt tour, đặt phòng qua mạng. Nhờ tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng, chúng tôi được hỗ trợ thay đổi và phát triển mô hình kinh doanh du lịch".

Bà Đỗ Thị Liên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Đào (thị xã Sa Pa) chia sẻ: Sau khi được hỗ trợ chuyển đổi số, các sản phẩm của các hợp tác xã được sử dụng mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với mã vạch này, người dùng có thể truy xuất được toàn bộ quy trình sản xuất của sản phẩm từ thu hái, sơ chế, thời điểm đóng gói, địa chỉ sản xuất…

Hợp tác xã cũng đã được hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đạt được một số kết quả như: Trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn như Postmart, Tiki, Shopee... giới thiệu các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của hợp tác xã được quảng bá rộng khắp, số lượng đơn hàng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.

Bắc Hà là một trong những huyện nghèo nhất ở tỉnh Lào Cai. Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình viễn thông công ích, thời gian qua chính quyền các cấp ở huyện Bắc Hà cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông đã triển khai hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích cho gần 3.000 hộ nghèo, trong tổng số trên 9.000 hộ nghèo ở huyện.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư huyện ủy huyện Bắc Hà cho biết, trong phát triển kinh tế, từ khi người dân kết nối được mạng internet, nhiều hộ gia đình đã biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, các địa điểm du lịch, như: Hoa mận Tả Van Chư, hoa lê, chè cổ thụ Hoàng Thu Phố... qua đó, thu hút khách đến tham quan, tăng thêm thu nhập. Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025 được xếp ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp huyện (DCI).

Nhiều giải pháp đưa thông tin đến vùng đồng bào DTTS

Là tỉnh miền núi, biên giới với trên 66% đồng bào dân tộc thiểu số, có 4/9 huyện nghèo, để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thời gian qua Lào Cai đã triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉn cho 170 điểm kết nối tại cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và cấu hình 6/12 dịch vụ truy cập qua mạng truyền số liệu chuyên dùng; đồng thời, nâng cấp hạ tầng Trung tâm mạng thông tin của tỉnh; nâng cấp hệ thống mạng WAN, LAN tại trụ sở các hợp khối cơ quan; triển khai mạng LAN cho 45 xã thuộc 4 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh.

1(2).jpg
Cán bộ hướng dẫn người dân các thôn bản vùng khó khăn khai thác thông tin từ thiết bị điện thoại thông minh

Bên cạnh đó, Lào Cai đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.

Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở để tuyên truyền đến đông đảo bà con, Nhân dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Một trong những sáng tạo trong hoạt động chuyển đổi số đó là tỉnh Lào Cai đã thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” từ tháng 5/2022 với mục tiêu mỗi thôn/tổ dân phố thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập với mục đích đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, giúp người dân sớm tiếp cận với môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, giúp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

Hiện, toàn tỉnh có gần 1.600 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 7.400 thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo về thông tin.

Với sự đầu tư thích đáng và vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương và người dân trong tỉnh, tính đến tháng 6/2023, việc thực hiện chỉ tiêu “chiều thiếu hụt về thông tin” trong các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt khoảng 96,7% (đạt 125,6% mục tiêu năm 2023) hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. Có 91,8% (đạt 98,7% mục tiêu năm 2023) các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo trong năm 2023, Lào Cai tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số cho khoảng 15 xã và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 300 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.

Thời gian tới, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO