Từ xa xưa, trống đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Âm thanh vang động của tiếng trống không những tạo nên bầu không khí rộn ràng, náo nhiệt cho các lễ hội, nghi thức mà còn là biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực, tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa của dân tộc. Xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước, tiếng trống làng Đọi Tam (tỉnh Hà Nam) vẫn vang vọng tới tận bây giờ, như một dòng chảy văn hóa bền bỉ, âm thầm hiện hữu giữa đời sống hối hả hiện nay.
Gắn bó cả đời với niềm tự hào nghề làm trống truyền thống
Thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, làng trống Đọi Tam được biết đến là nơi lưu giữ thanh âm chốn hồn thiêng sông núi, là cái tên quen thuộc ngự trị trong tâm thức người Việt với danh xưng “làng nghề có độ tuổi hơn nghìn năm”. Điều này đã trở thành niềm tự hào đối với người dân làng nghề. Nơi đây cũng truyền tai nhau từ đời này sang đời khác câu chuyện thú vị về ông tổ nghề của ngôi làng.
Tương truyền rằng vào ngày mồng 7 tháng Giêng năm 987, hay tin vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm một cái trống to để ra nghênh tiếp nhà vua. Nhờ âm thanh vang xa và hùng tráng, tiếng trống cất lên liền được vua khen ngợi. Về sau hai ông được dân làng tôn lên làm Trạng Sấm và kể từ đó, nghề làm trống bắt đầu phát triển ở làng Đọi Tam.
Ông Phạm Chí Khang tự hào khi kể về những kỷ niệm gắn liền với làng trống Đọi Tam. |
Đến với mảnh đất này, tận mắt chứng kiến nhịp sống sôi động của làng nghề và sự tỉ mẩn trong từng công đoạn, ta mới thực sự hiểu được cái tâm, cái tài, sự trân trọng đối với nghề của các nghệ nhân làng trống Đọi Tam. Làng có tục cha truyền con nối, Con trai trong làng thường được dạy nghề từ lúc còn 12, 13 tuổi và khi lên 14, 15 tuổi sẽ theo cha đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để làm trống.
Tục lệ ấy cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, người dân trong làng vẫn một lòng gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống mà cha ông để lại. Bởi lẽ đây không chỉ là kế sinh nhai đem lại cho họ một nguồn thu nhập ổn định, khiến đời sống của họ không ngừng được cải thiện mà hơn tất cả, nó còn chính là phương thức để lưu truyền thanh âm trống làng độc bản, thanh âm hồn thiêng sông núi vọng mãi ngàn năm.
Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam bày tỏ niềm tự hào khi được sinh ra tại làng nghề truyền thống Đọi Tam và trưởng thành từ việc tiếp thu những tinh hoa của người đi trước để lại: “Tiếng trống Đọi Tam vang rền hơn 1000 năm nay rồi. Nơi đây đã có thời kỳ lên đến 600 người làm nghề. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong 50 năm theo nghề của tôi chắc chắn là năm gia đình tôi được giao trọng trách thiết kế hàng nghìn trống hội cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Chiếc trống cao 2m tại xưởng sản xuất của nghệ nhân Phạm Chí Khang. |
Nghệ nhân Phạm Chí Khang cũng không giấu nổi niềm tự hào khi chia sẻ thêm về những chiếc trống đại mà gia đình ông đã từng làm từ trước tới nay. Nếu được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc trống cao 2 mét ở xưởng của nghệ nhân, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ và thắc mắc phải mất bao nhiêu công sức mới có thể làm ra một sản phẩm “vĩ đại” thế này.
Và để đạt được điều đó, không thể không nhắc đến sự trân trọng và nhiệt huyết với nghề làm trống của ông Khang nói riêng và những người thợ làm trống nói chung. Nó như một phần trong đời sống của nghệ nhân. Chính vì vậy họ lại càng mang nặng trong mình nỗi niềm làm sao có thể bảo tồn, duy trì và phát triển cái nghề mà cha ông đã để lại cho tới tận mai sau.
Nói về kinh nghiệm để có được chiếc trống tốt, ông Khang chia sẻ khâu quan trọng nhất là bước lựa chọn nguyên liệu: “Từ trước tới nay mọi người vẫn truyền miệng với nhau là “Da trâu tang mít đánh ít kêu nhiều”. Khung trống phải làm bằng gỗ mít già lâu năm và căng mặt trống hai mặt phải chọn da trâu sống, cắt tiết lột tươi, phơi được nắng”. Nghệ nhân cũng nói thêm: “Ngoài ra, điều chỉnh âm thanh cho chuẩn cũng là một khâu không kém phần quan trọng. Việc này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và thật kiên trì trong công việc”.
Những chiếc trống được hoàn thiện từ chính tay gia đình nghệ nhân Phạm Chí Khang. |
Nhạy bén “chuyển mình” để thanh âm dân tộc mãi vang vọng trong thời đại mới
Bên cạnh những mặt sáng của nghề làm trống Đọi Tam, nghệ nhân Phạm Chí Khang cũng bộc bạch một số khó khăn: “Da trâu và gỗ mít vốn là hai nguyên liệu bắt buộc để làm nên một chiếc trống tốt. Tuy nhiên, trồng một cây mít phải 50 năm sau mới khai thác được vỏ cây. Còn da trâu già cũng ngày một ít đi do nguồn cung không đủ. Ngoài ra sự phát triển của làng nghề lớn bao nhiêu thì đòi hỏi nhà xưởng phải càng rộng bấy nhiêu”.
Ông Khang cũng bày tỏ mong muốn rằng các ban ngành trung ương địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho làng nghề truyền thống có một khu đất rộng rãi để làm khu tiểu thủ công nghiệp. Có được quỹ đất này, làng nghề Đọi Tam có thể tránh được sự ô nhiễm trong khu dân cư bởi hiện nay hầu như các cơ sở làm trống vẫn đang tận dụng nơi sinh hoạt để sản xuất.
Một góc nhỏ tại cơ sở sản xuất trống của ông Phạm Chí Khang. |
Không chỉ có vậy, hiện nay nhu cầu mua sắm các loại trống đang ngày một ít đi, các nghệ nhân làm trống xưa cũng dần muốn chuyển hướng sang những lĩnh vực, công việc khác. Khó khăn là thế nhưng để giữ chân khách hàng, giữ chân công nhân, nhìn chung làng nghề truyền thống Đọi Tam đã nhạy bén thay đổi, đa dạng hóa các sản phẩm như: thùng gỗ đựng rượu, bồn tắm, bồn ngâm chân… dựa trên những kỹ thuật hoàn toàn cơ bản từ nghề làm trống. Việc không ngừng cập nhật, nắm bắt nhu cầu xã hội và áp dụng vào từng sản phẩm đã giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, phát triển, góp phần quan trọng để thanh âm tiếng trống làng được vang vọng mãi theo tháng năm.
Sản phẩm thùng rượu gỗ tại một cơ sở sản xuất ở làng trống Đọi Tam . |
Nhìn lại xuyên suốt vòng quay của thời gian, tiếng trống đã có mặt ở tất cả lĩnh vực của đời sống, nó hiện hữu ngay khi con người sinh ra cất tiếng khóc chào đời cho tới lúc về với thế giới bên kia. Còn trong thời kỳ thế giới hội nhập, mở cửa như ngày nay thì việc đưa tiếng trống để giao lưu văn hóa với nước bạn là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Chính vì thế, quả không sai khi nói rằng trống làng Đọi Tam sớm đã trở thành một nét đẹp văn hoá lịch sử ngự trị trong trái tim của mỗi người.
Qua biết bao biến cố và thăng trầm lịch sử, ông Khang cũng như các nghệ nhân khác của làng trống Đọi Tam vẫn luôn lấy “cái tâm - cái tầm” làm tôn chỉ trong nghề, không ngừng nỗ lực giữ gìn và bảo tồn giá trị truyền thống để làm sao cho xứng đáng với danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Có như vậy, tiếng trống Đọi Tam của mảnh đất Hà Nam không chỉ ngân vang trong nước mà còn vang xa tới khắp bạn bè quốc tế.