Với nhiều tiện ích mang lại, chuyển đổi số đang được tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), qua đó giúp người dân tiếp cận các chính sách dân tộc nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời ứng dụng trong đời sống và sản xuất, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền. Đời sống đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện.
Dễ dàng tiếp cận tiện ích số
Khi chúng tôi đến thăm nhà, chị Sằn Sặp Múi (bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) đang tất bật với công việc tư vấn sản phẩm qua điện thoại cho khách mua hàng online. Người phụ nữ dân tộc Dao Thanh Y này được nhiều người trong bản nể phục bởi sự nhanh nhẹn, tháo vát, xây dựng đời sống khấm khá nhờ việc kinh doanh sản vật bản địa như mật ong, lá tắm thảo dược... Và nay, nhờ bắt kịp xu hướng công nghệ số, chị Múi ngày càng thuần thục với việc kinh doanh trên mạng xã hội, nền tảng internet. Nhiều khách hàng từ khắp trong và ngoài huyện liên hệ để được tư vấn và đặt mua hàng.
Chị Múi chia sẻ: “Trước đây thì chỉ có cách bán hàng duy nhất là đến các khu chợ truyền thống tại địa phương. Nhưng nay thì chỉ cần dùng điện thoại thông minh, tôi có thể bán hàng online nhờ mạng xã hội như Facebook. Khi mua đồ hoặc phải đi đóng tiền điện, nước sinh hoạt cũng chỉ cần chuyển khoản là xong. Tôi thấy quá tiện lợi”.
Quảng Sơn là xã vùng cao, có 95% người dân là đồng bào DTTS, trước đây điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi cùng với toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số, đời sống người dân ở đây được nâng lên rõ rệt. Người dân đã biết sử dụng mạng internet để tìm hiểu cách trồng trọt chăn nuôi. Cùng với sự tuyên truyền, vận động của xã, thời gian gần đây người dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát huy có hiệu quả tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, đa dạng hóa mô hình kinh tế... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,5% theo tiêu chí của tỉnh. Đặc biệt đồng bào ở đây có thể sử dụng internet, điện thoại thông minh, máy tính để phục vụ các nhu cầu giải trí, học tập, làm kinh tế, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính online.
Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, để làm tốt công tác chuyển đổi số, xã Quảng Sơn đã thành lập 12 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn với 72 thành viên. Các tổ công nghệ số đến tận nhà dân, tuyên truyền, hướng dẫn bà con hiểu được tiện ích, ý nghĩa chuyển đổi số. Mưa dầm thấm lâu, các tiện ích của chuyển đổi số nhanh chóng được phổ biến, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày.
Chia tay xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), chúng tôi đến với homestay Hoàng Sằn tại bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Khi chúng tôi đến nơi, anh Hoàng Văn Sằn đang bố trí nhân sự để dẫn khách tham quan các điểm du lịch của huyện Bình Liêu và ghi thực đơn các món ăn để chuẩn bị cho đoàn. Dẫn chúng tôi lên nhà sàn tầng 2, anh Sằn chia sẻ: “Tôi bắt tay vào thực hiện mô hình này từ 5 năm trước. Tuy nhiên, chỉ bắt đầu từ cách đây 3 năm, cái tên Hoàng Sằn dần được biết đến nhiều hơn khi tôi sử dụng internet cho việc quảng bá homestay, đưa thông tin phổ biến trên các diễn đàn du lịch online, công cụ tìm kiếm của Google... Nhờ vậy, lượng khách đến với homestay tăng dần. Đến nay, chúng tôi đón khoảng 700 lượt khách mỗi năm”.
Hiện nay không chỉ anh Sằn, mà rất nhiều các bạn trẻ là người dân tộc đã lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh của quê hương mình, cũng như các dịch vụ tại điểm du lịch, đã giúp thu hút đông đảo du khách đến với địa phương mình.
Đến với vùng cao của huyện Tiên Yên, chúng tôi cũng thấy được sự đổi thay trong tư duy của người dân để thích ứng với chuyển đổi số, đặc biệt những thanh niên trẻ tuổi. Tiêu biểu như anh Lỷ Văn Quạn (thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) đang là một trong những thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình kinh doanh ớt chào mào trên các trang mạng điện tử.
Anh Quạn chia sẻ: “Năm 2019, tôi đã chuyển đổi trồng lúa sang trồng ớt chào mào, thời gian đầu việc tiêu thụ sản phẩm còn chậm, nhưng tôi đã tìm hiểu và bắt tay vào việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến. Giờ tôi không phải bán lẻ nữa mà các thương lái đến tận nhà mua, vì vậy lượng tiêu thụ rất cao. Tôi thấy các tiện ích số không chỉ giúp chúng tôi tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt mà còn giúp quảng bá sản phẩm của mình đi khắp mọi miền đất nước”.
Thu hẹp khoảng cách vùng miền nhờ chuyển đổi số
Cùng với các tiện ích số thì Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030" của Chính phủ (Đề án 06), bước đầu đã mang lại lợi ích và những đổi thay cho bà con vùng đồng bào DTTS.
Đến với Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, vào khu vực công dân làm thủ tục khám bệnh, chúng tôi không chỉ gặp chị Chíu Sám Múi, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, đi khám bệnh về dạ dày và đang chờ cán bộ làm thủ tục bằng CCCD gắn chíp thay cho BHYT giấy. Chị Múi kể: “Nếu như trước đây đi khám bệnh tôi phải mang ít nhất 2 loại giấy tờ, nếu nhỡ quên thì về nhà lấy mất thời gian vì từ trung tâm lên xã Hà Lâu mất 20km, nay chỉ cần CCCD gắn chíp. Tôi thấy rất thuận lợi khi giải quyết các thủ tục khám chữa bệnh tại bệnh viện”.
Theo ông Bùi Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, việc sử dụng CCCD gắn chíp thay cho BHYT giấy đã được đơn vị triển khai từ đầu năm 2023. Mới đầu thì chưa quen, nhưng khi được các cán bộ của Trung tâm tận tình hướng dẫn, người dân hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích của việc cấp CCCD gắn chíp điện tử thay cho BHYT giấy. Đến nay, số lượt người đồng bào DTTS sử dụng thẻ CCCD gắn chíp cũng đã tăng lên đáng kể.
Hiện nay, người dân là đồng bào DTTS cũng tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: Đăng ký, quản lý cư trú; đăng ký, cấp biển số xe, giấy phép lái xe; phòng cháy, chữa cháy...
Người DTTS thường sống tại các địa bàn vùng cao thưa thớt, đối với người dân ở đây khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn để phát triển kinh tế. Trước đây, bà con ở những xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà muốn mua nhiều mặt hàng phải về trung tâm thị trấn của huyện mới có, thì nay có thể ngồi nhà đặt hàng qua mạng. Nhiều sản phẩm của bà con sản xuất không cần phải mang ra chợ bày bán như trước mà chỉ cần quảng bá trên các tiện ích số… tiếp cận được khách hàng trong và ngoài huyện. Có thể thấy rằng, từ khi tỉnh triển khai chuyển đổi số, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Đây còn là cánh cửa quan trọng để bà con vùng cao tiếp cận nhanh hơn với những tri thức mới.
Thời gian qua để giúp đồng bào DTTS tiếp cận chuyển đổi số, các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đã đến tận nhà văn hóa thôn, các hộ gia đình để hướng dẫn bà con những nội dung về chuyển đổi số. Theo anh Voòng A Tài, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà), lúc đầu tuyên truyền, hướng dẫn bà con vẫn e ngại, nhưng sau người dân đã được tiếp cận và thấy lợi ích nên đã rất hưởng ứng.
Đến với vùng cao của Quảng Ninh hôm nay, sẽ thấy được cuộc sống của người dân tộc có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đã sắm các thiết bị hiện đại, như ti vi, máy tính, điện thoại thông minh để phục vụ học hành và giải trí không khác gì ở vùng thành thị. Bởi thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng internet băng rộng để đồng bào dân tộc dễ dàng tiếp cận với tiện ích số. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã được sử dụng internet với tốc độ cao; diện tích phủ sóng thông tin di động chất lượng sóng 4G các khu vực dân cư toàn tỉnh hiện đã đạt 99,8%.
Có thể thấy rằng, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của người dân, chuyển đổi số đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức, cũng như diện mạo, đời sống, kinh tế cho đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.