Bản Mường Giang Mỗ được biết đến là một điểm nhấn trong bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình.
Nằm cách thành phố Hòa Bình 10km, bản Mường Giang Mỗ tọa lạc tại xã Bình Thanh của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây hiện đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên với núi non trùng điệp cùng những ngôi nhà sàn đơn sơ đã tạo nên ấn tượng mạnh, giúp cho mỗi du khách khi đặt chân đến Giang Mỗ đều cảm nhận được cuộc sống bình dị, ấm áp mà thanh bình của đồng bào người dân tộc Mường nơi đây.
Nếu xuất phát từ thành phố Hà Nội, du khách chỉ cần di chuyển dọc theo quốc lộ 6 khoảng 86km là sẽ tới được địa phận của xã Bình Thanh. Sau đó hãy tiếp tục đi thẳng lên con đường Tây Tiến là sẽ đến được bản Mường Giang Mỗ. Bản làng này nằm dưới chân núi Mỗ và nằm xung quanh thung lũng. Bao trùm lên Giang Mỗ là một màu xanh ngát của núi rừng và những nương lúa. Tại Giang Mỗ có trên 100 ngôi nhà sàn với khoảng 500 nhân khẩu. Đa số đều là người dân tộc Mường, họ sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi.
Có lẽ ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đặt chân đến bản Mường Giang Mỗ chính là lối kiến trúc vô cùng độc đáo của những ngôi nhà hình “rùa” tại nơi đây. Những ngôi nhà đặc biệt này cũng gắn liền với một câu chuyện từ thời xa xưa.
Tương truyền rằng, thuở xưa, vị vua Lang của người Mường trong một lần đi lên nương rẫy đã bắt được một con rùa. Con rùa này đã van xin nhà vua được sống, đổi lại, nó sẽ chỉ cho ông cách xây dựng những ngôi nhà tránh được thú dữ thay vì ngủ qua đêm tại những hang hốc. Nhận lời rùa thần, vị vua Lang ấy đã về bản làng của mình và truyền đạt lại cách dựng lên những ngôi nhà sàn theo hướng dẫn của rùa.
Theo đó, ngôi nhà sàn có mai là mái nhà, 4 chân rùa dựng làm cột và xương sống chính là đòn nóc. Những thanh gỗ lim được mang về làm phần cột nhà, gianh làm mái còn cây giang được sử dụng làm lạt buộc. Từ đó, ngôi nhà hình rùa của người dân tộc Mường đã ra đời và được lưu giữ cho đến hiện tại.
Số lượng thành viên trong gia đình sẽ quyết định một ngôi nhà rùa được xây với kích thước nhỏ hay lớn. Đa phần những ngôi nhà được xây dựng dựa vào sườn đồi, sườn núi, những nơi đất cao để thuận tiện cho việc đón gió. Nhà rùa thường có ba tầng, trong đó, tầng giữa được sử dụng làm nơi sinh hoạt chính, tầng gác dùng để chứa đồ dùng gia đình và lương thực tích trữ, còn phần gầm sàn dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc là nơi cất giữ những dụng cụ sản xuất. Phần cửa chính sẽ được dựng ở phía trước nhà, đây cũng là lối đi quan trọng nhất không thể thiếu đối với mỗi gia đình, đặc biệt, lối đi của bậc thang bắt buộc phải là số lẻ, sẽ được dựng vuông góc với phần đòn của nóc nhà, nằm ở vị trí bên trái sàn.
Khi đến Hòa Bình du lịch và ghé thăm bản Mường Giang Mỗ, du khách có thể đi dạo trên những con đường trong bản để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của những ngôi nhà rùa này. Không gian nơi đây rất thoáng đãng, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh vật đơn sơ, bình dị mà đẹp đến nao lòng, chắc chắn sẽ khiến du khách cảm thấy hài lòng.
Mặc dù xã hội ngày càng phát triển với lối sống hiện đại nhưng tại bản Mường Giang Mỗ, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn rất đơn giản với những nét đặc sắc trong đời sống tinh thần, trong những phong tục văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, du khách đặt chân đến nơi đây có thể cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng.
Trong quá trình đi dạo và khám phá bản làng, du khách có thể đi đến một ngôi nhà bất kỳ trong bản và xin ở lại chơi, hãy cứ yên tâm vì người dân bản Mường Giang Mỗ vô cùng thân thiện, hiếu khách. Đây cũng là cơ hội để du khách có thể tìm hiểu về lối sống, phong tục tập quán của người dân tộc Mường.
Khi có khách lạ tới chơi, những người đàn ông trong bản thường dùng tiếng sáo du dương, nhẹ nhàng để chào hỏi, tiếp đãi. Bên những vò rượu cay nồng, thơm phức, chủ nhà sẽ tâm sự, trò chuyện và giới thiệu cho khách đường xa những phong tục tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc mình. Đa số người dân nơi đây thường ít mặc quần áo dân tộc, tuy nhiên, họ vẫn lưu giữ và bảo tồn vẹn nguyên những giá trị truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
Trong những căn nhà sàn truyền thống, người Mường vẫn giữ lại nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ thời xa xưa được làm từ gỗ, nứa, tre như: những dụng cụ làm nương rẫy, cung tên, khung dệt vải… Mỗi ngày, những người dân nơi đây vẫn đi khai khẩn đất hoang, trồng sắn, ngô, khoai trên rừng hay đi nương rẫy trồng lúa. Người phụ nữ Mường rất giỏi dệt thêu, đan lát, họ cũng chăm chỉ lên nương và thường tự tay tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống như thổ cẩm hoặc mây tre đan để giới thiệu đến khách du lịch.
Chị Nguyễn Thùy Dương, một du khách đến từ Nam Định chia sẻ: “Tôi cảm nhận được rõ sự hiếu khách, thân thiện và tính cách hiền hòa của những người dân nơi đây. Bản Mường Giang Mỗ rất đặc biệt với những ngôi nhà sàn hình rùa cùng nhiều phong tục truyền thống độc đáo. Tuy chưa đi thăm hết bản nhưng ngay từ khi bước chân đến nơi đây, tôi đã thấy rất ấn tượng".
Người dân địa phương luôn sẵn lòng tiếp đãi khách du lịch bằng những món sản vật quý của núi rừng nơi đây hay những sản phẩm do người dân tự săn bắt, trồng trọt như: xôi cẩm, xôi nếp nương, thịt trâu lá lồm, thịt lợn cỗ lá, nem rán, cá suối, gà rừng, rượu chuối,... Tất cả đều được chủ nhà kỳ công chế biến và bày trí khéo léo, thể hiện sự trân trọng nền văn hóa ẩm thực của dân tộc. Sự nhiệt tình của người dân nơi đây cùng những món đặc sản độc đáo của núi rừng đã níu giữ bước chân của nhiều khách du lịch khi đến với Giang Mỗ.
Bà Hà Thị Giới, một cư dân trong bản cho biết: “Du khách khi đến thăm bản làng không chỉ được ngắm cảnh hay khám phá phong tục tập quán ở nơi đây mà còn được thưởng thức những món ăn ngon độc đáo do chính người dân làm ra. Đặc biệt, nhiều du khách đến Giang Mỗ rất thích món chả lá lốt và xôi cẩm của nơi đây. Họ nói rằng, những món ăn này ngon và thơm hơn rất nhiều so với trên thành phố".
Du khách đến với bản Giang Mỗ còn được thưởng thức những tiết mục ca múa nhạc, văn nghệ dân gian đặc sắc của người dân tộc Mường với tiếng trống, tiếng kèn, tiếng chiêng vang dội đất trời. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tham gia những hoạt động trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân như săn thú rừng, câu cá suối hay lên rẫy.
Nếu ghé thăm Giang Mỗ vào đúng mùa lễ hội, du khách sẽ có cơ hội được chứng kiến những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc Mường như: lễ hội chùa Tiên, lễ hội Khai hạ Mường Bi… để cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa.
Bạn Vũ Minh Quang, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: “Lớp mình quyết định lựa chọn bản Mường Giang Mỗ là điểm đến cho chuyến du lịch khám phá văn hóa dân tộc. Chuyến đi đã giúp mình hiểu biết thêm về lối sống sinh hoạt hằng ngày của người đồng bào dân tộc Mường, đồng thời mình cũng có rất nhiều trải nghiệm thú vị tại nơi đây như lần đầu tiên được dệt thổ cẩm, bắn nỏ và chơi ném còn…”.
Đến bản Mường Giang Mỗ du lịch, du khách có thể kết hợp tham quan những địa danh gần đó như: Bảo tàng không gian Văn hóa Mường, cảng du lịch Thung Nai, khu du lịch Hồ Hòa Bình hay tượng đài chiến công diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan,...
Dù không phải là một khu du lịch sinh thái sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú hay một điểm du lịch với những sản phẩm dịch vụ chuyên nghiệp, nhưng bản Mường Giang Mỗ vẫn chinh phục và thu hút du khách thập phương bởi nét mộc mạc, bình dị mà chân thành toát lên từ cuộc sống và con người nơi đây.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.