Khedol với lễ hội Chol Chnam Thmay được xem là điểm thích hợp trở thành “vệ tinh” tiềm năng cho điểm du lịch núi Bà.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng là mục tiêu đang được ngành du lịch hướng tới. Mới đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp cùng Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm với nội dung này. Và Khedol với lễ hội Chol Chnam Thmay được xem là điểm thích hợp trở thành “vệ tinh” tiềm năng cho điểm du lịch núi Bà.
Khedol - “vệ tinh” tiềm năng
Theo Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Bùi Thị Hoa, (Phân viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh), Chol Chnam Thmay là lễ vào năm mới của người Khmer, mang ý nghĩa mừng thêm tuổi, cầu nguyện may mắn, hạnh phúc cho một năm. Chol Chnam Thmay kết thúc một năm cũ chào đón năm mới nằm trong chuỗi hoạt động nông lịch của người Khmer nói chung và người Khmer ở Tây Ninh nói riêng.
Lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer ở Tây Ninh (cụ thể qua tìm hiểu tại chùa Khedol) ngoài những nghi lễ quen thuộc còn có nhiều nghi lễ đặc trưng, mang dấu ấn văn hoá bản địa mà ở những nơi khác không thấy. Như lễ cúng đầu gió (Sen Pà lia), lễ cúng miễu Bà Lục Dày (Lok Deay), lễ cúng Ông Tà chùa.
Theo ông Nguyễn Nam Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), thực hiện Dự án 6 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ trên địa bàn tỉnh, Sở VHTT&DL chọn chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer” để triển khai. Dự án được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện trong năm 2023-2024. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết thêm, du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong thời gian tới hứa hẹn sẽ có những phát triển. Và Chol Chnam Thmay sẽ là sản phẩm góp phần thu hút thêm du khách đến Tây Ninh.
Ông Nguyễn Thái Bình Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch- Sở VHTT&DL cho biết: Hiện nay, khu du lịch núi Bà chiếm khoảng 98% lượng khách du lịch đến Tây Ninh, việc phát triển những “vệ tinh” xung quanh núi Bà để tăng thu hút là cần thiết. Các nhà quản lý cũng định vị được một số vệ tinh như du lịch nông nghiệp là các vườn cây trái xung quanh, chùa Khedol. Tây Ninh có 10 lễ hội đặc trưng có sức hút với du khách, trong đó có lễ hội Chol Chnam Thmay. Tuy nhiên, hiện tại để phục vụ du lịch, Khedol vẫn còn những hạn chế. Trong năm nay, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách phát triển du lịch. Và tại khu vực Khedol sẽ được xây dựng những homestay, nhà trưng bày, gian bán đặc sản địa phương.
Nhiều việc cần làm
Tại toạ đàm, Tiến sĩ Phan An Tú, Trưởng Khoa Văn hoá học, Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về văn hoá Khmer đánh giá cao tiềm năng văn hoá Khmer Tây Ninh thông qua lễ hội Chol Chnam Thmay. Ông cũng đồng tình việc chọn Khedol và lễ hội Chol Chnam Thmay làm biểu trưng cho văn hoá Khmer Tây Ninh trong phát triển du lịch.
Theo phân tích của Tiến sĩ Phan Anh Tú, Khedol nằm trong không gian di sản di tích núi Bà, phù hợp hình thái du lịch hành hương. Khedol cũng có chùa để người dân tìm đến vừa phục vụ nhu cầu tâm linh, vừa tìm hiểu thêm về văn hoá Khmer.
Các kế hoạch đầu tư cần chú ý xây dựng những nét tiêu biểu thành sản phẩm du lịch như: tạo những điểm check-in, địa điểm tham quan mang tính đặc trưng như phục dựng nhà sàn, nhà cộng đồng. Nhưng theo ông, phát triển du lịch vẫn bảo đảm việc bảo tồn di sản cảnh quan của làng Khedol như đồng lúa, rừng cây, con suối, ngọn núi, cây thốt nốt… Hạn chế xây dựng nhà cao tầng, công xưởng, xí nghiệp gây ô nhiễm. Cần tạo sự hài hoà giữa cộng đồng dân cư với không gian văn hoá Khmer.
Khedol gần thành thị nên có những biến đổi văn hoá, mai một phong tục, tập quán do ảnh hưởng đời sống đô thị… cần được phục dựng để phục vụ du lịch, vừa bảo tồn vừa phát triển văn hoá khu vực. Tuy nhiên, khi phục dựng cần tham khảo ý kiến cộng đồng dân tộc.
Ông Tú nhấn mạnh, đặc sắc nhất của người Khmer là biểu diễn nghệ thuật, tiêu biểu là múa, vì vậy loại hình này cần được đầu tư và đào tạo. Theo ông, có thể xây dựng đội nghiệp dư hay chuyên nghiệp để phục vụ du lịch, cần có những điệu múa chào mừng, chia tay và có sân khấu hoá để phục vụ du khách khi cần thiết. Lễ hội Chol Chnam Thmay là một lựa chọn phù hợp với xu hướng du khách tìm đến Tây Ninh để hành hương.
Và phát triển du lịch cộng đồng cần lấy chính người Khmer làm chủ thể. Nhà nước đào tạo nhân lực để có nguồn phục vụ dịch vụ như nghệ nhân, hướng dẫn viên, thuyết minh viên là người Khmer sẽ có sự thu hút nhất định.
Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Hoà, Chi hội trưởng Chi hội Nghề dân gian Việt Nam tỉnh cũng đồng tình việc chọn và phát triển lễ hội Chol Chnam Thmay thành vệ tinh du lịch. Bởi lễ hội này có những nét văn hoá đặc trưng thu hút khách du lịch; những trò chơi dân gian, văn hoá nghệ thuật sinh động. Chọn Khedol làm điểm phát triển du lịch cộng đồng là phù hợp. Xây dựng mô hình du lịch có thể chọn không gian chùa để quảng bá những nghi thức trong lễ hội, kiến trúc văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực; nhà ở cộng đồng với nét sinh hoạt thường ngày, trưng bày vật dụng.
Anh Trần Quang Phường, Công chức Văn hoá - Xã hội xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh cho biết, trên địa bàn xã có hai lễ hội đặc trưng là lễ hội Quan Lớn Trà Vong và lễ hội Chol Chnam Thmay. Các lễ hội này được quảng bá rộng rãi thông qua các nền tảng mạng xã hội. Thời gian qua, địa phương rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc trưng trên địa bàn.
Địa phương đề xuất đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch từ người dân trong cộng đồng dân tộc, phục dựng và lưu giữ những giá trị văn hoá ẩm thực đặc trưng của người Khmer, vận động hỗ trợ trang phục truyền thống biểu diễn nghệ thuật. Hiện địa phương đang đề xuất hỗ trợ đào tạo đội múa trống Chhay-dăm. Trong quý II năm nay, địa phương sẽ đầu tư xây dựng hàng rào và cổng chùa Khedol.
Có thể thấy, Khedol đang có đầy đủ tiềm lực để phát triển thành sản phẩm du lịch vệ tinh cho núi Bà. Cơ quan chức năng đang tích cực thúc đẩy đầu tư, phát triển. Với những ý kiến đóng góp, định hướng tại buổi toạ đàm, hy vọng thời gian tới, Làng du lịch Khedol sẽ dần hình thành, trở thành điểm tham quan thu hút du khách khi đến Tây Ninh.