Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư và hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, từng bước góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn miền núi và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Hiệu quả từ những chính sách đột phá
Quảng Ninh có 21 thành phần DTTS với trên 163.000 người sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Nhằm nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tỉnh Quảng Ninh chú trọng việc chăm lo, dành nguồn lực đầu tư cho người dân khu vực này. Điều đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, mà còn để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, Quảng Ninh dành tổng số vốn cho chương trình giai đoạn 2021- 2025 là 4.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách an sinh về y tế, giáo dục, tín dụng chính sách xã hội, đất nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn được triển khai đảm bảo kịp thời, duy trì và phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã được hiện thực hóa, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đồng thời nâng cao kỹ năng, kiến thức phù hợp từng địa bàn.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước ba năm theo tiêu chí của Trung ương. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách.
Trong hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay hơn 2.680 lượt khách hàng với số tiền vay gần 196,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho bà con vùng DTTS.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu với 26 công trình giao thông, 30 công trình thủy lợi, 15 công trình giáo dục, sáu công trình y tế, 10 công trình văn hóa...
Cùng với đó hàng loạt các đề án thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được đầu tư như Đề án phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao; Đề án thu hút bác sĩ về công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025…
Về tỷ lệ hộ nghèo, trong 2 năm 2021, 2022, số hộ nghèo giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ (giảm 886 hộ), trung bình mỗi năm giảm gần 42%, trong đó hộ nghèo DTTS giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ (giảm 802 hộ), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Về thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đến hết năm 2022, ước đạt 54,4 triệu đồng/người, tăng 8,3 triệu đồng/người so với năm 2020, đạt 18% chỉ tiêu.
Về chỉ tiêu “không còn nhà ở tạm, nhà dột nát”, tính đến tháng 4/2023, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh có 66 hộ còn có nhà ở tạm, nhà ở dột nát cần hỗ trợ, trong đó có 55 hộ có nhà ở dột nát và 11 hộ chưa có nhà ở đảm bảo theo tiêu chí 3 “cứng” theo quy định của Bộ Xây dựng. Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét hỗ trợ giải quyết dứt điểm số nhà tạm, dột nát trong năm 2023.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Tỉnh Quảng Ninh xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng DTTS với các vùng miền khác của tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa các DTTS, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở đó, thời gian qua, Sở Văn hoá - Thể thao, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian và các địa phương đã tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống...
Những năm qua, để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, nhiều môn như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc.
Tại Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã xác định nghiên cứu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân mỏ, sự giao thoa văn hóa của nền văn minh sông Hồng hình thành văn hóa và con người Quảng Ninh; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... là một trong số bốn nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống...
Đến nay, trong số trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê có nhiều di sản của đồng bào DTTS. Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, nhiều môn như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc.
Không chỉ các lễ hội quy mô như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Bạch Đằng, nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào các DTTS cũng đang ngày càng được tổ chức hướng đến là một sản phẩm du lịch như các ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ.
Mấy năm gần đây, các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên), ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở Bình Liêu, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được duy trì tổ chức, chú trọng nhiều đến khai thác du lịch. Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo không đâu có ở Việt Nam.
Đối với hệ thống di sản văn hóa vật thể ở vùng DTTS, tỉnh tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh; bảo tồn bản, làng truyền thống thông qua việc xây dựng làng/bản văn hóa của dân tộc Tày, Sán Chỉ (Bình Liêu), dân tộc Dao (Hạ Long, Tiên Yên, Móng Cái)... Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất truyền thống; nhạc cụ, khí cụ... đang còn lưu giữ, sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.
Công tác bảo tồn văn hoá các DTTS không chỉ phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống mà còn tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các DTTS. Đến nay, 100% các thôn vùng DTTS có nhà văn hóa, 50% các xã có Nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao.
Ngoài ra, việc khai thác hiệu quả các giá trị bản sắc văn hóa vùng DTTS đã và đang trở thành yếu tố quan trọng phục vụ phát triển du lịch được các địa phương tích cực đẩy mạnh. Việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với trải nghiệm văn hóa tại các lễ hội truyền thống, các bản làng văn hóa DTTS đã thu hút ngày càng nhiều du khách. Từ đây, đã từng bước mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Những nghị quyết, chính sách phù hợp của tỉnh Quảng Ninh đã và đang mở ra những bước phát triển mới, nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện người dân tích cực tham gia cùng các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống.