Kỳ bí suối cá thần ở xứ Thanh

22/09/2021 07:18

(DTTG) Từ bao đời nay ở làng Ngọc (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) có con suối dài khoảng 150 mét, xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um, thuộc dãy núi Trường Sinh là nơi sinh sống của một đàn cá hàng nghìn con. Đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu chính xác về nguồn gốc của suối cá cũng như những hiện tượng về đàn cá, nhân dân quen gọi đây là Vó cá thần hay suối cá thần.

Đền thờ thần rắn nằm ngay cạnh suối Ngọc.
Đền thờ thần rắn nằm ngay cạnh suối Ngọc.

Từ truyền thuyết về Thần Rắn

Tương truyền rằng, xưa có 2 vợ chồng tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con. Hàng ngày họ ra thửa ruộng bên cạnh suối vừa khơi nước trồng lúa vừa xúc cá bắt ốc về làm thức ăn. Một hôm bà xúc được một quả trứng lạ. Nhiều lần xúc được lại thả xuống nước, nhưng xúc lần nào thì quả trứng lạ ấy vẫn cứ thấy nằm trong rổ. Bà mang về, hai vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Hôm nghe tiếng gà cục tác bà vợ ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng sợ, người chồng mang rắn con ra suối Ngọc để thả, nhưng cứ thả thì tối tối rắn lại trở về nhà. Dần dần rắn sống tại gia đình thân quen như những con vật nuôi khác.

Từ khi có rắn ở trong nhà, đồng ruộng có đủ nước để cày cấy, đời sống trong vùng ấm no hạnh phúc vì không còn cảnh hạn hán kéo dài. Chàng rắn sống với gia đình và làng bản trong cảnh thái bình, no ấm.      

Trải qua năm tháng, chàng rắn đã to bằng ống vác nước, cứ trưa trưa lại lên xà nhà nằm. Bỗng một đêm trời mưa to gió cả sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng rắn chết dạt vào chân núi Trường Sinh (vị trí đền thờ hiện nay). Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Dân làng được thần linh cho biết: Chàng chết vì đã đánh nhau với thuỷ quái về phá hoại bản làng và chàng đã được thượng đế phong Thần hiệu 'Tứ Phủ Long Vương'.

Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ, có đàn cá hàng ngàn con ngày đêm về chầu và nhân dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc, cũng như quen gọi cá thần từ đó.

Đàn cá hàng nghìn con dưới suối Ngọc.
Đàn cá hàng nghìn con dưới suối Ngọc.

Ngay bên tả ngạn của Suối cá Thần, hiện nay vẫn còn lại nền móng của ngôi đền cổ, đó là đền Ngọc. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ XI, có các đạo sắc: 2 đạo sắc thời Lê và 1 đạo sắc vào thời Vĩnh Tộ và thời Cảnh Hưng, 1 đạo sắc vào thời Nguyễn của vua Khải Định năm thứ 8 (1924). Đền đã nhiều lần được trùng tu lại, lần trùng tu mới nhất vào năm 1928. Cả 3 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam đều bị cháy cùng đền thờ trong một vụ hỏa hoạn năm 1962.

Đến những kỳ lạ của đàn cá thần

Theo người dân trong vùng kể lại, đàn cá có những con nặng tới 30kg, ngày thường không chui ra khỏi hang, mà chỉ khi mùa nước lớn, người dân mới thấy cá ra nhưng rồi lại vào ngay. Nước trong suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ chỉ từ 50 – 80cm. Điều kỳ lạ là với hàng ngàn con cá sinh sống trong dòng suối chỉ dài chừng 150m nhưng nước suối quanh năm trong như ngọc, không hề bị ô nhiễm hay bụi bẩn và đàn cá ra suối bơi lội xuôi khoảng hơn 100m thì lại quay về hang.

Những ngày thường đàn cá ở đây rất gần gũi với con người. Dân trong vùng cũng không bao giờ ăn thịt cá, có những câu chuyện xưa truyền tai nhau về người ăn cá suối Ngọc đã bị thần linh bắt chết. Chỉ những ngày tế lễ “Tứ phủ Long Vương” thì dân làng xin thần được thả xúc, con nào tự chui vào xúc có nghĩa là con cá ấy tự dâng mình cho thần thì làng mới cử người mang về làm thịt tế thần linh. Lệ này đã có từ xưa, cho đến ngày nay vẫn còn duy trì.

Vẻ đẹp kì diệu bên trong Động Đăng.
Vẻ đẹp kì diệu bên trong Động Đăng.

Từ đầu nguồn suối Ngọc leo lên dãy núi Trường Sinh là khu rừng già với nhiều tầng cây rợp bóng. Trên đây có hang Động Đăng đẹp như bức tranh bồng lai tự nhiên với những suối thạch nhũ nhiều mầu từ vách động, vòm động rũ xuống. Thạch nhũ ở đây kỳ lạ lát kín vách động và vòm hang manh tính tự nhiên.

Nhân dân địa phương đặt tên cho những cột thạch nhũ tiêu biểu nhưng rất giống với những hình thể sự thật cốt truyện. Tượng “Hạnh phúc” là cột nhũ như đôi trai gái đang đứng ôm hôn nhau thắm thiết, suối tóc cô gái để dài xuống lưng và tràn xuống gót; Tượng nhũ “Mẹ con” giống hệt một người mẹ trẻ tràn đầy sinh lực đang cõng một đứa con mập mạp; Kho lúa, từng tảng nhũ như những bó lúa chảy tràn tầng tầng lớp lớp từ vòm động đến các vách hang; Nhũ búa trời như một quả phật thủ nặng ngàn cân treo lơ lửng trên vòm động như sẵn sàng thực hiện công lý của trời đất …

Ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Ngọc lại tổ chức lễ Khai Hạ, rước kiệu đón Thành hoàng, tạ ơn thần Tứ phủ Long vương che chở mong cuộc sống sinh sôi. Sau lễ là các hoạt động văn hóa truyền thống diễn ra, người người phấn khích cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Cùng với suối cá, dãy núi Trường Sinh và hang Động Đăng, đền thờ Tứ phủ Long vương đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa ra Quyết định số 87- VHQĐ ngày 25 tháng 4 năm 1993 công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam thắng cảnh Cẩm Lương.

Suối cá thần thu hút rất đông khách đến tham quan.
Suối cá thần thu hút rất đông khách đến tham quan.
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO