Kinh tế

Khởi sắc nông nghiệp trên cao nguyên

Bài, ảnh: Duy Tùng 05/12/2023 - 15:25

Nhìn lại bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp của huyện Mộc Châu năm 2023 có nhiều sự bứt phá nổi bật; tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế hàng hóa cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Qua đó, đưa Mộc Châu trở thành điểm sáng của tỉnh Sơn La về phát triển kinh tế ngành nông nghiệp.

5-12.1.jpg
Du khách mua sản phẩm của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu, thông tin: Năm 2023 là năm ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh phục hồi sau dịch bệnh và tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, thủy sản hầu hết đều đạt và vượt kế hoạch giao; các cây trồng, con nuôi chủ lực trên địa bàn huyện đã phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, nhiều sản phẩm nông sản của huyện tham gia các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn.

Trong năm, toàn huyện có 203 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, nâng tổng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP toàn huyện lên 346 ha; có 1.517 tổ chức, cá nhân sản xuất 71 ha rau, 1.169 ha cây ăn quả và 867 ha chè theo hướng hữu cơ. Diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 10.724 ha, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng quả các loại đạt 61.162 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp bình quân toàn huyện ước đạt 80,35 triệu đồng/ha/năm, tăng 4,1 triệu đồng so với năm 2022.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ, xã Đông Sang đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền nhân dân mở rộng khu vực sản xuất rau, quả hàng hóa theo hướng hữu cơ; hình thành vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn, hoa chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Sang, thông tin: Đến nay, xã có trên 200 hộ ứng dụng tưới tiết kiệm cho 114 ha cây trồng; 8 cơ sở và 38 hộ dân ứng dụng công nghệ sản xuất 40,8 ha trong nhà kính, nhà lưới; 5,5 ha cây trồng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm bằng công nghệ IOT. Kết quả cho thấy việc ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt hiệu quả cao, tiết kiệm nước, giảm nhân công lao động; tiết kiệm chi phí sản xuất; tạo sản phẩm có chất lượng tốt; việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính đã mang lại nhiều hiệu quả, tránh được nhiều loại sâu bệnh, dịch hại, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ảnh hưởng xấu của thiên tai; đặc biệt rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi khép kín, an toàn sinh học với quy mô lớn, nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi. Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt trên 750.990 con, tăng 3,7% so với năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.376 tấn; tổng đàn gia cầm đạt khoảng 645.520 con. Nhân dân tiếp tục duy trì, nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện là 124 ha; sản lượng nuôi và đánh bắt đạt 462 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Lã xã vùng cao biên giới, Lóng Sập tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi gia súc, gia cầm, giúp người dân từng bước vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã duy trì đàn gia súc trên 4.470 con, đàn gia cầm khoảng 25.000 con. Chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, xã khuyến khích người dân trồng cỏ voi, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, xã vận động các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và đói, rét trong mùa đông; tuyên truyền, vận động nhân dân xây chuồng trại kiên cố, nuôi gia súc xa nhà ở. Nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc, kinh tế của các hộ gia đình ổn định, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 18,89%.

Thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mộc Châu tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao; mở rộng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn.

Theo https://baosonla.org.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO