Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là một huyện miền núi vùng cao, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 75 Km, theo hướng Tây Bắc. Toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn, dân số trên 52.684 người, gồm các dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Kinh, Hoa và một số dân tộc ít người khác. Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc văn hóa các dân tộc, trong đó, trang phục truyền thống là một trong những giá trị được huyện đặc biệt quan tâm.
Trải qua nhiều thăng trầm, người Nùng Phản Slình ở Bình Gia vẫn luôn bảo tồn và lưu giữ được các phương pháp thủ công làm trang phục truyền thống. Không sặc sỡ nhiều màu sắc như các dân tộc khác, trang phục của người Nùng Phản Slình nơi đây có màu sắc chủ đạo là chàm, đơn giản, ít thêu thùa trang trí nhưng vẫn thể hiện được nét độc đáo, tinh tế, mang đậm bản sắc văn hoá của người Nùng. Dù ở bất cứ nơi đâu, nét đẹp văn hoá trong trang phục vẫn được họ giữ gìn và phát huy.
Hiện nay, một số hộ dân ở huyện Bình Gia đã và đang khôi phục lại nghề dệt, nhuộm vải chàm và may, thêu trang phục truyền thống của dân tộc Tày, Nùng, Dao. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Thiện Hòa, Thiện Thuật và Quang Trung có trên 700 hộ thực hiện nghề nhuộm vải chàm, may, thêu trang phục dân tộc. Trong đó, có 15 hộ dân tộc Dao tại thôn Lân Luông, xã Thiện Hòa đã khôi phục nghề may thêu trang phục dân tộc Dao để phục vụ cho khách du lịch tại địa phương.
Dù đã từng bị mai một qua thời gian, nhưng đến nay, nghề dệt nhuộm vải chàm ở Bình Gia đang phụ hồi mạnh mẽ. Cùng với việc phát triển về kinh tế - xã hội, thì việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc Nùng cũng được cấp uỷ, chính quyền huyện Bình Gia quan tâm, phát triển.
Để giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc huyện Bình Gia đã phát động tuần lễ mặc trang phục dân tộc trên toàn huyện. 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện hưởng ứng. Hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và người dân trên địa bàn đã đồng loạt khoác lên mình bộ trang phục dân tộc trong thời gian phát động và trong các dịp lễ, tết, ngày hội. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện và duy trì, tạo được hiệu ứng tốt đẹp dần đi vào nền nếp.
Đặc biệt, một số xã như: Thiện Thuật, Quang Trung, cán bộ, công chức mặc trang phục dân tộc trong công việc hàng ngày và ngày tiếp công dân, tạo nên môi trường thân thiện, không có khoảng cách.
Tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Quang Trung huyện Bình Gia vào sáng thứ 2 đầu tuần, gần như 100% học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thầy giáo Hà Anh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc mặc trang phục truyền thống đã được nhà trường thực hiện đều đặn trong thời gian gần đây và được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh, học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường.
Không chỉ riêng trường PTDTBT THCS Quang Trung, mà có trên 80% trường học trong huyện duy trì việc mặc trang phục dân tộc vào một ngày học trong tuần và những ngày lễ, tết.
Em Lý Thị Hạnh, học sinh lớp 7A vui vẻ nói: Thầy, cô đã tuyên truyền trong các buổi chào cờ đầu tuần, các buổi học ngoại khoá về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trang phục dân tộc Nùng. Em muốn lan tỏa chiếc áo chàm, trang phục dân tộc của em đến các địa phương khác để áo chàm được phổ biến hơn, nhiều người biết đến nhiều hơn.
Trước đây, theo truyền thống người Nùng ở Bình Gia tự trồng bông, cây bông sau khi thu hoạch được phơi khô, kéo thành những sợi nhỏ dai và chắc rồi đem về se thành sợi, dệt thành những tấm vải thô, dùng cây chàm để nhuộm vải, giúp vải có độ bền cao và đẹp hơn.
Mỗi năm vào tháng 3 âm lịch, bà con lên nương gieo hạt chàm, đến tháng 7 âm lịch bắt đầu cho thu hoạch. Chàm thường được bà con trồng trong vườn hay trên những sườn đồi cao, khi thu hoạch được cắt thủ công gánh mang về.
Khi mang về họ cho vào chum ngâm với nước lã 1 đến 2 ngày rồi vắt lấy nước chàm, sau đó lấy nước chàm cho vào quấy với vôi đến khi nước sóng sánh có màu xanh thì dừng quấy. Sau đó họ để cho tinh bột nước chàm lắng xuống thì gạn ra, phơi khô thành cao chàm. Công đoạn này mất từ 15 đến 20 ngày.
Nhuộm chàm là công đoạn khó, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật và sự kiên trì. Vì thế người phụ nữ Nùng, đến mùa chàm là các bà, các mẹ tuổi trung niên ai cũng có một đôi tay đen màu chàm. Nhưng họ không lấy làm xấu hổ vì điều đó, mà còn tự hào vì chứng tỏ mình là người phụ nữ đảm đang, khéo léo.
Muốn nhuộn vải chàm phải chọn ngày nắng, vì công đoạn ngâm vắt, phơi cứ lặp đi lặp lại trong vòng một tuần. Người này phụ người kia, phối hợp với nhau ăn ý thì mới tạo ra được thành phẩm với sắc chàm đặc trưng.
Vải nhuộn chàm mặc mát và sạch sẽ, khi giặt không cần đến xà phòng, chỉ vò qua đã sạch. Bà con thường dùng vải chàm để may quần áo, khăn đội đầu, túi khoác vai… Các công đoạn cắt may đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ.
Trên chiếc áo chàm, những chiếc khuy cài được làm hoàn toàn bẳng thủ công và cũng là công đoạn mất thời gian nhất. Thường thì phải mất 2-3 ngày mới làm xong được hàng khuy đều đặn và đẹp mắt.
Trang phục của nam giới người Nùng Phản Slình thường mặc áo cánh ngắn tứ thân, hai bên nẹp áo đính hàng cúc vải gồm 5 khuy vải, cổ tròn, dáng cổ tàu, hai túi ở vạt dưới, tay áo rộng vừa phải, quần may kiểu đũng chân què, cạp lá toạ khi mặc, buộc mối ở phía trước.
Còn trang phục của phụ nữ là mặc áo 5 thân dài qua mông, cổ áo tròn thường may liền với nẹp, xuôi về nách phải. Thân áo dáng chữ A xoè nhẹ về phía hai tà. Đầu đội khăn vuông gấp chéo, quần nữ gần giống với quần nam nhưng cạp ngắn hơn, được may bằng vải cùng màu.
Ông Lèo Văn Hiệp, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Trong những hoạt động bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện. Trang phục dân tộc Nùng ở Bình Gia là một sản phẩm có ý nghĩa. Mỗi một dân tộc có thế mạnh riêng để phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc mình. Hy vọng bà con huyện Bình Gia biết trân quý, tự tin và đồng lòng để bảo tồn và phát huy giá trị của nó để đưa nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc Nùng huyện Bình Gia đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh cùng biết đến.
Việc bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống người Nùng Phản Slình ở Bình Gia là một trong những tiềm năng sẵn có của huyện. Là một trong những sản phẩm phục vụ cho việc phát triển văn hóa du lịch tại địa phương trong thời gian tới. Đồng thời góp phần thực hiện trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương Bình Gia.