Ngày 24.4, tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã chính thức khởi động Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (Dự án IREM). Đây là dự án nhằm hỗ trợ cho cộng đồng dân tộc thiểu số nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai.
Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam với tỷ lệ hộ nghèo cao, cộng đồng sinh sống nơi đây phải đối mặt nhiều thách thức trong việc phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, những năm gần đây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên diễn ra, bao gồm giông bão, mưa đá, lốc xoáy, lở đất, lũ ống và lũ quét, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh tế của người dân nơi đây.
Tỉnh Điện Biên hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó tỷ lệ dân số thuộc nhóm dân tộc ít người của cả nước chiếm hơn 80% dân số toàn tỉnh. Những đánh giá sơ bộ cho thấy nhu cầu cấp thiết của địa phương trong việc tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai cho cộng đồng dân tộc thiểu số của tỉnh là cần thiết. Bởi vậy, Dự án sẽ được triển khai tại một số xã thuộc TP. Điện Biên Phủ và ba huyện của tỉnh Điện Biên (bao gồm Mường Ảng, Mường Chà và Tuần Giáo).
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên Ông Trần Văn Thượng cho biết, buổi lễ khởi động đã phản ánh được tinh thần hợp tác và nỗ lực chung của cộng đồng nhằm tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên.
Điện Biên thể hiện cam kết và quyết tâm cao trong việc phối hợp triển khai Dự án hiệu quả. “Tôi hy vọng thời gian sắp tới khi triển khai Dự án, sự nỗ lực và phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan sẽ giúp Dự án đạt được hiệu quả mong đợi, cải thiện khả năng ứng phó của cộng đồng trước những rủi ro thiên tai", Ông Thượng nhấn mạnh.
Quản lý Chương trình vùng Bắc 1 (Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội), World Vision International tại Việt Nam Ông Đặng Văn Bài chia sẻ “Chiến lược của World Vision giai đoạn 2023-2027 hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh trẻ em bền vững. Dự án đặc biệt IREM là một trong những nỗ lực của chúng tôi trong việc đồng hành cùng đối tác địa phương để chăm lo cho cộng đồng và trẻ em, thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.”
Ngay sau lễ khởi động Dự án, các hoạt động cấp tỉnh sẽ được tiến hành tại Điện Biên như tập huấn giảng viên nguồn về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Khung Trường học An toàn; cung cấp bộ dụng cụ cứu hộ cơ bản cho Đội Xung Kích; đồng hành tổ chức tuần lễ quốc gia về phòng chống thiên tai (15-22.5.2024) với chủ đề: “HÀNH ĐỘNG SỚM – CHỦ ĐỘNG TRƯỚC THIÊN TAI”, ngày Môi trường Thế giới (5.6.2024)...
Với ngân sách triển khai hơn 17 tỉ đồng, Dự án IREM sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 20,700 người bao gồm các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em, cha mẹ đơn thân và người khuyết tật. Các hoạt động chính của Dự án bao gồm nâng cao nhận thức về ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực cộng đồng, hỗ trợ các trang thiết bị và các công trình ứng phó nhằm giảm thiểu tác động và thiệt hại từ thiên tai.
Với phương pháp tiếp cận đảm bảo bình đẳng giới và bao trùm xã hội. Dự án sẽ tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào quá trình nâng cao năng lực cho cộng đồng, cải thiện sự hoà nhập của người khuyết tật trong các hoạt động cộng đồng như lập kế hoạch và ứng phó rủi ro thiên tai.