"Kho thóc tình thương" - Nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS ở Mang Yang Gia lai

28/02/2022 02:20

(DTTG) Phát huy nội lực giúp nhau xóa đói giảm nghèo chính là giải pháp hữu hiệu trong điều kiện nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp. Tại Mang Yang, mô hình “Kho thóc tình thương” đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng người Bahnar trên vùng đất nghèo. Ngày nay, mô hình đó đã được nhân rộng và trở thành một nét đẹp văn hóa mới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mang Yang (Gia Lai).

Hàng tuần, hội viên phụ nữ làng Róh (xã Lơ Pang) thay phiên nhau dọn dẹp vệ sinh khu vực kho thóc.
Hàng tuần, hội viên phụ nữ làng Róh (xã Lơ Pang) thay phiên nhau dọn dẹp vệ sinh khu vực kho thóc.

Điểm tựa của hội viên phụ nữ nghèo

Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, những năm qua, Hội LHPN các xã trong huyện Mang Yang đã triển khai thực hiện mô hình Kho thóc tình thương nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên, phụ nữ nghèo, neo đơn trong những lúc khó khăn, nhất là vào những thời điểm giáp hạt. Tuy hình thức hoạt động đơn giản nhưng mô hình kho thóc tình thương đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng người Bahnar trên vùng đất nghèo.

Mùa vụ này, chị Vơl ở làng Hiêr, xã Ayun, huyện Mang Yang không còn cảnh phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn, thậm chí vay tiền “nóng” để lo từng bữa ăn cho gần 10 miệng ăn trong nhà mỗi khi vào dịp giáp hạt. Nhờ đó, gia đình chị cũng vơi bớt đi gánh nặng khi phải trả lãi cao. Tất cả là nhờ vào mô hình Kho thóc tình thương do Chi hội phụ nữ làng thành lập.  Chị Vơl cũng cho biết thêm: “Nhà mình kinh tế khó khăn, làm không đủ ăn nhất là vào lúc giáp hạt. Từ khi Hội phụ nữ làm kho thóc này mình được giúp đỡ và thấy yên tâm lắm vì không còn phải lo đi vay mượn để mua gạo”.

Không riêng chị Vơl, nhiều hội viên, phụ nữ nghèo khác của làng Hiêr cũng cảm thấy vui mừng và phấn khởi khi Kho thóc tình thương được thành lập và lan tỏa sâu rộng. Cảnh nghèo đói lặp đi lặp lại vào thời điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi cây lúa chưa được thu, cây mì mới xuống giống đã cơ bản đã được giải quyết. Có thể nói, đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ đời sống cho người dân làng Hiêr mà không cần trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình bà Sar không chỉ thiếu đói vào mùa giáp hạt mà thường xuyên thiếu thốn trong năm. Do đó, bà là một trong những đối tượng thường được Chi hội Phụ nữ làng Pơ Nang xuất lúa giúp đỡ. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bà cũng dần ổn định và no đủ hơn khi bớt đi nhiều gánh nặng từ việc vay mượn ở bên ngoài. Bà Sar cho biết: Từ khi làng có "Kho thóc tình thương", gia đình tôi thường xuyên được chị em hỗ trợ lúa gạo. Không phải vay mượn lãi cao ở bên ngoài nên dần dần lúa gạo tôi làm cũng đủ ăn. Tôi rất vui và cảm ơn chị em rất nhiều.

Tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, hàng năm, “Kho thóc tình thương” không chỉ giúp đỡ trên 20 hộ khó khăn không cần trả lại, đáp ứng nhu cầu mượn lúa ăn trong thời điểm giáp hạt cho cả làng mà còn tạo ra nguồn quỹ để hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Chỉ với 10 kg lúa/mỗi chị/năm, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực đáng tự hào. Sắp tới, chị em dự định sẽ mở rộng thêm quy mô kho thóc. Chị Toach, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: Trước kia khi chưa có gạo ăn thì chị em mượn quán, lãi rất cao, từ khi có kho thóc tình thương thì đỡ hơn, không phải vay trả lãi. Bây giờ nộp như thế này, chị em mình rất vui, rất phấn khởi. Lúc gặt lúa xong ai cũng dành lúa để góp phòng những lúc khó khăn.

Chị Hnhen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết thêm: Lúc đầu chỉ có một, hai kho. Sau đó chúng tôi nhân rộng ra được 4 kho. Tổng được 9,7 tấn lúa và đã giúp 74 hộ viên nghèo khó khăn được vay. Trong đó có 20 hộ viên đặc biệt khó khăn không phải trả lại. Dịch Covid 19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhằm giúp gia đình hội viên vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chi hội đã rà soát và hỗ trợ 8 chị với mức 30 kg thóc/hội viên. Chị Chị Hngenh (làng Róh) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự quan tâm của Chi hội phụ nữ, tôi được hỗ trợ 30 kg thóc, giúp gia đình vượt qua khó khăn trong mùa dịch này”.

Chị Hnhen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kon Thụp cũng cho biết thêm: “Mô hình này giúp chị em thứ nhất là cứu đói, thứ hai là tạo thành thói quen cứu đói, thứ ba là tiết kiệm trong chi tiêu, thứ tư là chị em có tình đoàn kết. Nhờ đó chị em không phải đi vay mượn”.

Không còn nặng trĩu nỗi lo bị thiếu đói hay phải chạy vạy vay mượn để có gạo ăn khi đến mùa giáp hạt hàng năm. Điều này không chỉ mang lại niềm vui lớn của bà con nhiều làng DTTS trên địa bàn huyện Mang Yang mà còn là kết quả đáng tự hào được ghi nhận từ mô hình “Kho thóc tình thương” đang được Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện tích cực triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mô hình “Kho thóc tình thương” gắn kết cộng đồng trở thành một nét đẹp văn hóa mới

Tiết trời mùa xuân càng trở nên tươi đẹp, rộn ràng hơn trong ngày nộp lúa mới. Từ nhiều năm trở lại đây, đối với chị em ởMang Yang ngày này đã trở thành một ngày hội đầy ý nghĩa.

Bà Xem (làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) chia sẻ: Nhà tôi trước đây thường thiếu ăn khi đến mùa giáp hạt, lúa chưa chín chưa gặt được nên phải đi mượn. Nhưng từ khi Kho thóc ra đời đã giúp tôi có lúa gạo để ăn. Giờ đến mùa thu hoạch, tôi rất phấn khởi đi góp lúa để dành cho những lúc khó khăn.    

Nói về việc làm tình nghĩa này, chị Yon, hội viên Hội phụ nữ xã Yaun nói thật giản dị: Khi chúng tôi được nghe những câu chuyện về Bác Hồ qua các hội thi ở cơ sở và trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị em phụ nữ trong làng rất xúc động. Đặc biệt, câu chuyện Bác Hồ mỗi tuần gương mẫu nhịn ăn một bữa, dành gạo cứu đói người nghèo đã tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của chị em.Theo lời Bác Hồ dạy, chị em tôi động viên nhau đóng góp thóc lúa giúp những gia đình gặp khó khăn. Mỗi lần đi xay thóc, các chị bớt lại một ít, bỏ vào quả bầu khô hay chiếc túi nhỏ. Đến khi thóc đầy thì mang đến nhà rông góp vào “Kho thóc tình thương”. Đáng mừng là mô hình “Kho thóc tình thương” ở làng Plei-bông đã được Hội phụ nữ huyện Mang Yang nhân rộng ra tất cả các chi hội.

Bắt đầu được thành lập từ năm 2008 với 01 mô hình điểm, đến nay, trên địa bàn huyện Mang Yang đã nhân rộng được 8/12 xã, thị trấn với 25 kho thóc, thu trên 42 tấn và thu hút được trên 3000 chị em tham gia. Với hiệu quả thiết thực trong việc cứu đói cũng như hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, đầu tư cho con em học tập. “Kho thóc tình thương” là mô hình được Hội LHPN huyện chú trọng nhân rộng.

Bà Lê Thị Toàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lơ Pang chia sẻ: “Thời gian qua, hội viên phụ nữ tại các chi hội trên địa bàn xã rất hào hứng tham gia mô hình. Đây là mô hình rất thiết thực, không chỉ giúp ích cho nhiều gia đình trong mùa giáp hạt, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của chị em trong cuộc sống”. Cũng theo bà Toàn, thông qua mô hình, hội viên sinh hoạt chi hội đầy đủ hơn, nắm rõ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì thế, trong xã đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế, có thu nhập từ 50-80 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Bẩy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang cho biết: Để phát huy hiệu quả các mô hình cần phải có sự tuyên truyền vận động để chị em thấy được tính nhân văn, tính cộng đồng cũng như rèn cho chị em tính tiết kiệm. Hình thức chúng tôi làm thì lấy mô hình có hiệu quả rồi, như ở xã Kon Chiêng, lấy số thóc dư bán lấy quỹ cho chị em vay để đầu tư sản xuất. Ở xã Kon Thụp thì nhân rộng và mở rộng các kho thóc.

Mô hình “Kho thóc tình thương”. Không chỉ góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hình thành lối sống tiết kiệm, đồng thời lan tỏa rộng khắp thông điệp đầy tính nhân văn, “Kho thóc tình thương” cũng đang dần trở thành chất keo giúp cộng đồng người Ba Na trên địa bàn huyện Mang Yang ngày càng thêm gắn kết hơn, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển, trở thành một nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS ở Mang Yang Gia Lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Lễ Công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
Tối 18/5, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức Lễ Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO