Vốn là những vùng quê thuần nông, nhưng từ lúc có khu công nghiệp (KCN) ra đời, người dân ở các địa phương này được hưởng lợi bởi có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều người “bôn ba xứ người” nay cũng trở về quê hương và vào làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy. Cuộc sống họ đang được cải thiện ngay trên chính quê hương mình.
Ly nông không ly hương
Như thường ngày, đúng 6 giờ 30 phút, chị Trần Thị Phương, xã An Ninh (Quảng Ninh) cùng một số chị em trong làng có mặt tại Quốc lộ 15 gần nhà để đợi xe đưa đón công nhân đến công ty làm việc. Cách đây 3 năm, do không có việc làm ổn định, chị khăn gói sang tận Lào để tìm kiếm việc làm với mong muốn có nguồn thu nhập ổn định nuôi 2 đứa con ăn học. Chị Phương tâm sự: Qua Lào, chị phải bươn chải đủ nghề. Sau khi làm phụ hồ, thấy công việc quá vất vả nên chị chuyển qua buôn bán. Tuy nhiên, làm được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát. Không thể tiếp tục công việc, chị đành trở về quê.
Đang trong lúc chờ dịch bệnh được khống chế để đi tìm công việc mới thì chị biết Công ty TNHH S&D Quảng Bình, thuộc KCN Tây Bắc Quán Hàu có tuyển công nhân may nên đã nộp đơn xin vào làm. “Công việc không vất vả mà lại nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi. Chế độ lương, thưởng cũng ổn định nên tôi gắn bó với nghề này cũng đã được gần 4 năm nay. Mỗi tháng, công ty trả cho tôi mức lương 7-8 triệu đồng. Ngoài ra, do nhà ở xa nên công ty đã tạo điều kiện hỗ trợ cho xe đưa đón miễn phí và hỗ trợ ăn ca, nên tôi cũng yên tâm làm việc”, chị Trần Thị Phương cho hay.
Trở về quê sau 4 năm bôn ba ở đất nước Nhật Bản xa xôi, chị Nguyễn Thị Thu, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) “thấm thía” được nỗi vất vả, cô đơn ở xứ người. Về quê, chị quyết định vào làm công nhân cho công ty may mặc ở KCN Cam Liên (Lệ Thủy). Chị tâm sự: Sau sự cố môi trường biển, chị xin nghỉ việc ở một khách sạn do không có thu nhập. Với mong muốn thay đổi cuộc sống và có vốn để lập nghiệp, chị quyết định rời quê đi xuất khẩu lao động (LĐ). Sang Nhật Bản 4 năm, công việc và thu nhập ổn định nhưng chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà quá cao nên số tiền dành dụm hàng tháng gửi về cho gia đình không được bao nhiêu. Hơn nữa, một mình nơi đất khách nên chị muốn về quê để được làm việc gần nhà, gần người thân.
Trở về quê, đang phân vân không biết tìm công việc gì phù hợp thì chị được người thân vận động vào làm việc cho Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình ở KCN Cam Liên. “Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, tôi có thể trang trải mọi sinh hoạt ở quê. Hơn nữa làm việc này tôi được ở gần nhà và có thời gian chăm sóc bố mẹ và người thân của mình. Tôi muốn ổn định cuộc sống nên trước mắt cũng muốn gắn bó với nghề may này lâu dài”, chị Thu chia sẻ.
Không chỉ riêng chị Thu, nhiều con em trên địa bàn huyện Lệ Thủy cũng có việc làm ổn định sau khi KCN Cam Liên ra đời. “Trước khi chưa làm công nhân may ở Công ty CP Dệt may Huế, tôi từng vào Nam làm công nhân giày da. Thấy KCN Cam Liên có tuyển công nhân may, tôi về và xin vào làm cho gần nhà để đỡ tiền thuê trọ hàng tháng. Hơn nữa chi phí sinh hoạt ở thành phố cũng cao hơn nhiều so với ở quê”, chị Trần Thị Thắm, xã Lộc Thủy cho hay.
Thay đổi cuộc sống
Những năm qua, sự ra đời của các KCN trên địa bàn tỉnh đã phần nào giải quyết được “bài toán” việc làm cho nhiều LĐ địa phương. Bên cạnh đó, sự có mặt của các KCN đã tạo chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương và làm thay đổi diện mạo cho các vùng nông thôn.
Trước đây, Quảng Ninh là huyện có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hiện nay, với sự quan tâm lãnh đạo của huyện, tỉnh, KCN dần dần được hình thành và phát triển. Hàng năm, sản xuất từ lĩnh vực công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 2 KKT và 8 KCN, với khoảng 65 đơn vị DN hoạt động. Các KKT, KCN đã thu hút 4.945 LĐ là con em địa phương trong tỉnh. Từ những địa phương nông nghiệp, đến nay, nhịp sống công nghiệp đang dần hiện rõ ở các địa phương. Nhà máy, xí nghiệp về làng đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và đời sống của người dân nơi đây.
Ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có KCN Tây Bắc Quán Hàu đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, may mặc.... KCN ra đời, hàng năm đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn LĐ địa phương, trong đó đáng kể là DN trong lĩnh vực may mặc. Ngoài ra, địa phương nơi có KCN hoạt động, các dịch vụ phục vụ công nhân cũng ra đời, như: Kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà trọ..., qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Cùng với Quảng Ninh, nhịp sống công nghiệp hóa cũng dần hình thành ở những địa phương có KCN, như: Lệ Thủy, Bố Trạch...Từ khi công nghiệp về làng, cơ cấu LĐ địa phương bắt đầu có sự chuyển dịch, kinh tế phát triển, đời sống người dân cũng dần cải thiện.
Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) tỉnh Từ Công Thịnh, hiện nay, các KCN trên địa bàn tỉnh đang thu hút hàng nghìn LĐ địa phương vào làm việc. Nhìn chung, các DN đã thực hiện tốt chế độ chính sách cho người LĐ. Người LĐ có việc làm tương đối ổn định, môi trường và điều kiện làm việc trong các KCN tương đối bảo đảm. Công nhân được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Mức thu nhập bình quân người LĐ trong các KCN là 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.