Đến với Ba Tơ vào một ngày nắng hạ, tôi không nghĩ mình sẽ say đắm trước vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc được phác họa bởi núi non hùng vĩ, hoa cỏ ven đường, căn nhà sàn nhỏ nhắn e ấp bên sườn đồi,... Và đặc biệt là hình ảnh những cô gái H’rê thoăn thoắt đôi tay trên khung dệt, tạo nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Nghề dệt thổ cẩm được xem là “báu vật” vô giá không chỉ đối với đồng bào H’rê mà còn của cả vùng đất Quảng Ngãi.
Chạy xe từ ngã ba Thạch Trụ (huyện Mộ Đức), vòng qua những con đường đèo dốc khoảng 30km, sau đó rẽ về hướng Bắc chừng một cây số là đến thôn làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Khi ghé bất kỳ ngôi nhà nào trong làng, tôi đều dễ dàng bắt gặp các cô gái, các cụ già tay nhẹ nhàng dệt những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn, họa tiết sinh động.
Mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc H’rê
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở làng Teng được người H’rê gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vào các dịp quan trọng như lễ cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới,.... ngoài cồng chiêng, rượu cần thì không thể thiếu những bộ trang phục độc đáo dệt từ thổ cẩm. Bên cạnh đó, thổ cẩm còn là linh hồn của dân tộc H’rê, gắn với người đồng bào miền sơn cước từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Đứa trẻ H’rê vừa mới lọt lòng sẽ được mẹ cõng trên lưng bằng một tấm vải địu con dệt bằng thổ cẩm và lúc về với thế giới bên kia họ vẫn nằm trên tấm thổ cẩm ấy.
Nét độc đáo thổ cẩm làng Teng không chỉ thể hiện qua sự tinh xảo mà người H’rê còn gửi gắm vào đó rất nhiều ẩn ý của dân tộc mình. Thổ cẩm có ba màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng. Trong một tấm thổ cẩm, màu đen sẽ là màu chính (tượng trưng cho màu da của con trâu - con vật tạo ra của cải, hoa màu cho người dân tộc), Màu trắng tượng trưng cho linh hồn, màu đỏ tượng trưng cho dòng máu của đồng bào H’rê. Bên cạnh đó, hoa văn thổ cẩm không lặp lại mà nó kéo dài hết lớp này tới lớp khác.
Đồng thời, dấu ấn văn hóa Đại Việt lẫn văn hóa Chămpa đã hiện diện trên các hoa văn thổ cẩm. Chẳng hạn như hoa văn răng lược trên trống đồng Đông Sơn hoặc hoa văn sóng nước rất đặc trưng trên đồ gốm Chăm đều được người H’rê dệt vào thổ cẩm một cách mềm mại, uyển chuyển. Điều làm nên đặc trưng cho thổ cẩm làng Teng là “Hoa văn được thực hiện bằng phương pháp kỹ thuật dệt cài chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như một số dân tộc khác”, chị Sung cho biết.
Nghề “mẹ truyền con nối”
Đến làng Teng, tôi may mắn gặp được chị Phạm Thị Sung (31 tuổi), người có nhiều năm tâm huyết, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Cũng như hành trình thực hiện khát vọng đưa thổ cẩm làng Teng vươn xa của chị và những người trẻ H’rê.
Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng mang tính “mẹ truyền con nối”, con gái phải biết dệt vải mới được xem là trưởng thành. Chính vì thế, 12 tuổi chị Sung đã tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ mẹ. “Lúc nhỏ, vì thiếu tập trung nên những tấm thổ cẩm tôi dệt chưa đạt yêu cầu. Khi ấy, mẹ thường nghiêm khắc chỉ dạy để tôi hiểu rõ từng đường kim, mũi chỉ và không phạm những lỗi sai trong quá trình dệt”, chị Sung tâm sự.
Mẹ là người truyền cho chị tình yêu, niềm say mê với thổ cẩm. Để rồi khi lớn lên, mặc dù học ngành công tác xã hội, nhưng cô gái trẻ không thể nào quên nghề dệt. Không nở lòng nhìn nghề truyền thống và những sản phẩm tinh hoa của làng dần mai một, sau khi tốt nghiệp chị không theo đuổi ngành mình học mà quyết định về quê, đến năm 2019, chị thành lập một cửa hàng chuyên cung cấp sản phẩm thổ cẩm có tên là Shop H’rê để hiện thực hóa ước mơ nâng tầm giá trị thổ cẩm và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ trong làng.
Trước kia, nguyên liệu dệt thổ cẩm là cây bông. Quy trình dệt cũng rất kỳ công từ việc thu hoạch bông đến khi chế biến thành sợi dệt phải trải qua nhiều giai đoạn. Nhưng hiện nay, để rút ngắn thời gian dệt vải, người thợ sử dụng sợi dệt công nghiệp nên chỉ thực hiện một số công đoạn như se chỉ vào khung, dàn vải, dệt vải. Dụng cụ dệt mà đồng bào H’rê sử dụng gồm nhiều thanh gỗ, ống nứa hoặc lồ ô có tác dụng giăng sợi và phục vụ thao tác đan sợi ngang vào thảm sợi dọc khi dệt.
Thảm chỉ dọc phía trước mặt được kéo căng ra bằng hai thanh nứa ngang. Một thanh dùng dây buộc vào thắt lưng người thợ, thanh kia buộc vào sàn nhà, vải được dệt hoàn toàn bằng tay. Ngoài ba màu chủ đạo đen, đỏ, trắng thổ cẩm hiện có màu sắc đa dạng hơn.”Dệt là công đoạn khó nhất, quyết định chất lượng của sản phẩm. Để hoàn thành một mét vải thổ cẩm mất từ hai đến ba ngày nên người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ và ngồi liên tục nhiều giờ đồng hồ,”, chị Sung cho biết.
Hiện tại, cửa hàng của chị Sung có diện tích chỉ khoảng 20m, trưng bày nhiều loại sản phẩm truyền thống của người H’rê từ đồ thổ cẩm nam, nữ, khăn choàng, ví, túi xách,… đến các sản phẩm đan lát như rổ, nia, gùi,… và có cả cồng chiêng. Cửa hàng không chỉ là nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà nó như một “bảo tàng” thu nhỏ lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống đồng bào H’rê. Tất cả sản phẩm thuộc cửa hàng đều do bàn tay khéo léo của chị Sung và những người thợ dệt lành nghề khác trong làng tạo nên. Ngoài người dệt chính là chị, thì cửa hàng có thuê thêm 10 người thợ làm việc để kịp cung ứng sản phẩm cho khách hàng. Mỗi năm, cửa hàng cung cấp cho thị trường khoảng 600 - 700 sản phẩm thổ cẩm các loại. Việc buôn bán thuận lợi giúp chị và phụ nữ trong làng cải thiện kinh tế, đời sống.
“Khi Shop H’rê mới thành lập, tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, đầu ra cho sản phẩm, cách bày trí cửa hàng, nắm bắt thị hiếu khách hàng,… nhưng nhờ sự động viên từ gia đình, chính quyền địa phương, tình yêu đối với thổ cẩm đã giúp tôi vững vàng vượt qua thử thách và đạt được thành công bước đầu như ngày hôm nay”, chị Sung trải lòng.
Đối với đồng bào H’rê thì Phạm Thị Sung có lẽ là gạch nối của thời gian, người níu lấy tinh hoa văn hóa mà cha ông để lại và thổi sức sống mới vào thổ cẩm. Chị là sợi dây kết nối giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tai để gìn giữ, chuyển tải tình yêu văn hóa dân tộc thông qua những sản phẩm thổ cẩm do chính mình dệt nên.
Đưa thổ cẩm làng Teng vươn xa
Hiện tại, ở làng Teng có khoảng 20 - 30 thành viên dệt thổ cẩm thường xuyên. Đó là những người thợ có tay nghề thành thạo. Trong số những người trẻ, có chị Phạm Thị Sung là một thành viên tiêu biểu. Chị Sung đã tìm tòi, nghiên cứu cách thức dệt thổ cẩm, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống chị còn cho ra đời nhiều sản phẩm cách tân, bắt mắt, hợp xu thế. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ dừng lại ở quần áo, khăn truyền thống mà còn có áo dài, trang phục đám cưới, đồ cách tân,… Giá bán mỗi sản phẩm phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Áo dài, váy nữ có giá từ 900.000 - 1.300.000vnđ, khố có giá từ 600.000 - 700.000vnđ, áo nam 600.000vnđ/áo, khăn 250.000vnđ/chiếc,… Tuy giá sản phẩm khá cao nhưng thổ cẩm làng Teng vẫn được người tiêu dung và du khách lựa chọn.
Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, thay vì sản xuất và chờ đợi người tiêu dùng hay du khách đến mua thổ cẩm như trước đây, Phạm Thị Sung mạnh dạn quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Khi diễn ra những hội chợ kết nối cung cầu, triển lãm về thổ cẩm, trang phục đồng bào các dân tộc, chị Sung đều chủ động tham gia nhằm quảng bá sản phẩm thổ cẩm quê hương mình. Đến nay, nhiều sản phẩm do chị và “đồng nghiệp” tạo ra được giới thiệu rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước.
Chị Phạm Thị Sung chia sẻ: “Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi trong suốt thời gian dài theo đuổi nghề dệt là khi thổ cẩm làng Teng được mọi người biết đến nhiều hơn, ngày càng vươn xa để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Đồng thời, tôi cùng thế hệ trẻ H’rê có thể góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc giữ gìn, phát huy nghề truyền thống”.
Tương lai, chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng để khách du lịch có thể tham quan, mua sắm và trải nghiệm dệt thổ cẩm. Và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm thổ cẩm mới như sổ tay, caravat,....
Tạm biệt làng Teng lúc hoàng hôn buông xuống, tiếng khung dệt lách cách, nụ cười tươi tắn, sự đón tiếp nồng hậu của chị Sung và câu chuyện về thổ cẩm H’rê cứ mãi lấp lánh trong lòng tôi. Tôi tin rằng với sức trẻ, nhiệt huyết, tình yêu đối với nghề dệt, chị sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình thổi làn gió mới, đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành mặt hàng quà tặng mang đậm dấu ấn văn hóa đồng bào H’rê, để những nét đẹp ấy luôn chuyển động cùng cuộc sống và ngày càng vươn xa.
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh nghề dệt của người H’rê ở làng Teng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây được xem như dấu mốc hồi sinh cho thổ cẩm nơi đây |