Sang xuân, khi thời tiết “xinh đẹp” trở lại, đại dương thưa vắng dần những đợt sóng bạc đầu, nhiều địa phương trong cả nước hối hả ra khơi đầu năm… với ước nguyện, mong cầu những chuyến “mở biển” đầu năm bình an, may mắn.
Thuyền đầy ắp cá tôm
Vào những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, ngư dân ở các tỉnh thành ven biển miền Trung đồng loạt xuất quân đánh cá vụ Nam. Các ngư dân đồng lòng, đoàn kết vươn khơi bám biển trong những ngày đầu năm mới không chỉ với ước mong thuyền về tôm cá đầy khoang mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
Tại buổi lễ xuất quân đánh cá vụ Nam, ngư dân phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừ Thiên Huế đồng loạt nổ máy vươn khơi, bắt đầu đánh cá vụ Nam năm 2024. Với sự chuẩn bị từ những ngày đầu năm mới cùng thời tiết thuận lợi, ngư dân Thừa Thiên Huế kỳ vọng vụ Nam sẽ là một vụ mùa đánh bắt bội thu.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 680 tàu cá, trong đó 440 tàu có chiều dài trên 15 mét. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 61.000 tấn. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2024 ngành thủy sản tỉnh phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 62 nghìn tấn; trong đó, khai thác thủy sản đạt 42 nghìn tấn.
Lãnh đạo TP Huế đề nghị phường Thuận An tiếp tục đề xuất các cơ chế, giải pháp để hỗ trợ bà con ngư dân vươn khơi, bám biển. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển năng lực đánh bắt, đóng mới, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn trong chỉ tiêu hạn ngạch để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, đa dạng nghề trên một phương tiện tàu thuyền nhằm đánh bắt sản phẩm có giá trị xuất khẩu, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế…
Tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), trong những đầu xuân, ngư dân cũng trúng đậm cá trích sau chuyến ra khơi đầu xuân mới. Hầu hết các thuyền ra khơi trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn đều có thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Lãnh đạo xã Gio Hải cho biết, toàn xã hiện có 200 tàu thuyền khai thác thủy hải sản. Trong đó, có 12 chiếc đánh bắt xa bờ. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngư dân trên địa bàn đánh bắt được nhiều cá trích nhất kể từ đầu năm đến nay, với tổng sản lượng 7-8 tấn.
Còn tại Hà Tĩnh, từ mùng 4 Tết Giáp Thìn, nhiều tàu cá của ngư dân ở huyện Lộc Hà trở về bờ đầy ắp hải sản các loại, đặc biệt trong đó có một số tàu trúng đậm hàng tấn cá mòi. Khu vực cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) những ngày sau Tết vừa qua luôn có hàng chục tàu thuyền công suất lớn nhỏ tấp nập ra vào neo đậu để tiêu thụ hải sản. Một số tàu công suất 90 CV đánh bắt cách bờ khoảng 3-5 hải lý đã trúng đậm hàng tấn cá mòi. Trong số đó, có tàu đánh bắt được gần 2 tấn, số còn lại dao động từ 500kg đến dưới 1 tấn…
Khát vọng vươn khơi
Nghề đi biển với nhiều vùng sông nước, trở thành nơi nặng tình nghĩa. Đó không chỉ là nơi kiếm cơm, nuôi sống, mà còn là nơi chôn rau cắt rốn. Chính vì vậy, mỗi năm, tại lăng Ông, các vạn chài tổ chức lễ cúng cá voi, hay lễ Nghinh Ông, hoặc lễ cầu ngư, thường vào một ngày tốt, ngay sau ngày Tết Nguyên đán đến trước rằm tháng Giêng. Trong những ngày này, khi chưa kính cáo với thần linh, làng vạn, các ghe, tàu không được đi đánh bắt, ghe, tàu nào đã “trót” đi thì không được về đậu tại bến chung của làng.
Cả làng họp bầu ra ban lãnh đạo, đi thu tiền ủng hộ của các gia đình để sắm sửa lễ vật. Lễ có thể là lễ chay, lễ mặn, song bắt buộc phải có gà trống hoa. Trước sân lăng Ông, dân làng cùng bắc rạp, sửa lễ rồi dâng lên Nam Hải đại vương. Ban tế lễ do làng vạn bầu ra, gồm các bậc cao niên (từ 55 tuổi trở lên, tùy theo từng làng/vạn), đức độ, có uy tín, gia đình hòa thuận và không mắc tang trở.
Trước ngày lễ, các thành viên ban tế lễ phải chay tịnh và sạch sẽ. Khi lễ thần, phải mặc áo dài, khăn đóng chỉnh tề, hành lễ phải trang nghiêm, tránh sai sót không đáng có; nếu không đúng sẽ bị thần giáng họa cho cả làng. Bài văn tế có nội dung cầu mong cho dân vạn khỏe mạnh, trong năm ra khơi được an toàn, đánh bắt được nhiều cá.
Sau phần lễ là phần hội gồm các hình thức ca hát văn nghệ, diễn xướng cùng các trò chơi giải trí như lắc thúng, kéo co dưới nước, có nơi đua chải, thi vá lưới… làm tăng thêm không khí vui vẻ, háo hức trong làng vạn, tạo tâm thế bình an, cho ngư dân vững tin bước vào mùa đánh bắt mới. Sau lễ của cộng đồng, các gia đình dâng lễ ở lăng Ông, rồi chèo thuyền ra biển hoặc ở lạch gần đánh mẻ cá lấy lộc, cầu may. Từ đây, dân vạn chính thức vào mùa đánh cá.
Lễ cầu ngư thể hiện sự tôn kính thần linh biển, cũng thể hiện tính cộng đồng rất cao và đến nay vẫn được cộng đồng dân cư các vạn chài duy trì, phát huy, không những có ý nghĩa về văn hóa tâm linh mà còn góp phần động viên, tạo tinh thần hứng khởi lao động, mở đầu mùa ra khơi, bám biển, sản xuất.
Nghi lễ này được cả chính quyền tham gia, như tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), chính quyền đã tổ chức Lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm cùng ngư dân. Nghi lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá. Đây cũng là Lễ "mở biển" được tổ chức quy mô duy nhất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham dự. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức trang trọng như: Lễ dâng hương tưởng niệm các vị tiền nhân, lễ cúng cầu an tại Dinh ông Nam Hải, lễ rước ông Nam Hải về Dinh.
Sau khi hoàn thành các nghi thức lễ, đoàn thuyền của ngư dân Bình Châu đã di chuyển ra cửa biển Bến Lội để thực hiện nghi thức "mở biển". Nghi thức này được thực hiện bởi các ngư dân cao niên, với mong ước cầu mong cho một mùa đánh bắt bội thu, an toàn và thành công. Đây cũng là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với biển khơi.
Với người dân vùng biển, chuyến ra khơi đầu năm có ý nghĩa quan trọng, mang đến một sự khởi đầu suôn sẻ. Đây cũng là động lực để họ tiếp tục vươn khơi bám biển, hy vọng một năm mới đánh bắt thắng lợi.