Hành trình khám phá tuyến du lịch kết nối Công viên địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với CVĐC Non nước Cao Bằng sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ về vùng đất, con người nơi địa đầu Tổ quốc.
Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000 - 1.600 m so với mực nước biển, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn có tổng diện tích 2.356 km2 với gần 140 điểm di sản. Địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh với những dải núi đá tai mèo sắc nhọn, khe núi sâu và hẹp, vách núi dựng đứng cao vút, chóp núi như những kim tự tháp. Đây là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em: Mông, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa… Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá vẫn luôn giữ gìn được bản sắc riêng với nhiều nét đặc trưng và quyến rũ.
Với diện tích hơn 3.683 km2, CVĐC Non nước Cao Bằng là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm của trái đất. Vùng đất này có trên 130 điểm di sản địa chất cùng các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng như: tháp đá, nón, thung lũng, hang động, hệ thống sông hồ, hang ngầm… phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới phía Bắc Việt Nam.
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Non nước Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, thơ mộng, hệ sinh thái, giống loài động, thực vật đặc hữu. Nơi đây còn là cái nôi cách mạng với nhiều “địa chỉ đỏ” như các Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An)… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 di tích, hơn 2.000 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Văn hóa bản địa được thể hiện nổi bật trong đời sống sinh hoạt, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…
Cung đường CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn - CVĐC Non nước Cao Bằng là một hành trình du lịch tuyệt vời cho những ai đam mê xê dịch, muốn được hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao. Đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang), du khách có thể check in tại điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng, ngắm hẻm vực Tu Sản trên trên sông Nho Quế, thăm Tượng đài Thanh niên xung phong mở đường Hạnh phúc, tham gia lễ hội hoa tam giác mạch… Từ thị trấn Mèo Vạc đi về hướng Tây theo quốc lộ 4C, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hẻm Phong Lưu, động Dơi, những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín vàng và hoa gạo đỏ rực quanh hồ… Chạm đất xã Lý Bôn (Bảo Lâm), tham quan hang Lũng Lòn (động Nàng Tiên), khám phá cảnh quan xóm Khuổi Vin, Tổng Ác… rồi bước vào quốc lộ 34 đi sang huyện Bảo Lạc.
Bên dòng sông Gâm, sông Neo thơ mộng, vẻ đẹp huyền bí, mê hoặc của miền đất, văn hóa, con người Bảo Lạc làm say đắm lòng người. Thế sông đắc địa, thế núi trập trùng, cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy, hữu tình với những danh thắng đẹp như: Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987 m so với mặt nước biển - được coi là “nóc nhà” của Cao Bằng; đèo Khau Cốc Chà 15 tầng quanh co, hiểm trở, hồ Thôm Lốm (Xuân Trường); hồ thủy điện xã Bảo Toàn; khe Hổ Nhảy (Cô Ba)… Hòa mình vào không khí chợ phiên Bảo Lạc, du khách vừa được tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán bản địa và thưởng thức các món đặc sản thơm ngon sẽ khiến hành trình của du khách thêm phần thú vị, ý nghĩa.
Từ thị trấn Bảo Lạc, bạn có thể lựa chọn 2 cung đường để khám phá 2 tuyến phía Bắc và phía Tây của CVĐC Non nước Cao Bằng. Vượt qua đèo Khau Cốc Chà (xã Xuân Trường) đi vào Quốc lộ 4A theo vành đai biên giới sang huyện Hà Quảng đến với tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, tìm hiểu về miền đất có nhiều giá trị di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích lịch sử Kim Đồng (Hà Quảng); đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng (Hòa An)… Tham cảnh quan Kéo Yên, thung lũng treo Sóc Giang, cúc đá Lũng Luông hay làng nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi, làng nghề giấy bản, làng hương thảo mộc Nà Kéo (Hà Quảng)…
Ngoài ra, du khách chọn đi theo quốc lộ 34 đến huyện Nguyên Bình với tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”. Điểm nhấn của tuyến này là Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén có đỉnh Phja Oắc cao 1.931 m mây mù che phủ quanh năm. Du khách sẽ được tham quan những di tích địa chất cho thấy vùng núi này trước đây khoảng 400 triệu năm là đại dương. Địa hình núi cao tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân lên đỉnh núi, khiến cho thảm thực vật theo đó cũng thay đổi vô cùng đa dạng và phong phú. Du khách ghé thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Tam Kim), điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao (Quang Thành), Khu du lịch sinh thái Kolia, rừng trúc Bản Phường (Thành Công), điểm di sản san hô cổ Lang Môn (Minh Tâm)…
Việc xây dựng con đường du lịch trải nghiệm kết nối CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn với CVĐC Non nước Cao Bằng góp phần tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa hai tỉnh Hà Giang, Cao Bằng. Đồng thời, phát huy giá trị mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO trong thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.