Ngày 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), tại Sân vận động huyện Mai Châu, UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ Đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Keng Loóng và khai mạc Lễ hội Xên Mường dân tộc Thái huyện Mai Châu năm 2024.
Keng Loóng là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, độc đáo, gắn với đời sống của cộng đồng người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình từ lâu đời. Trong sản xuất nông nghiệp đến các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào đều sử dụng đến Keng Loóng.
Nghệ thuật múa Keng Loóng dân tộc Thái trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, đặc biệt trong các dịp lễ hội như: Lễ mừng cơm mới, lễ Xên bản, Xên mường, lễ Chá chiêng, Tết Nguyên đán... góp phần nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của người Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Lóong có nghĩa là máng (cái máng dùng để giã lúa), Keeng Lóong tức là gõ bằng chày vào 2 thành máng giã lúa.
Sau hơn nửa thế kỷ bị mai một, những năm gần đây, huyện Mai Châu đã khôi phục lại lễ hội Xên Mường và trở thành lễ hội thường niên vào mỗi độ xuân về để thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông xưa đã lập nên bản, nên mường.
Lễ hội gắn với văn hoá nông nghiệp, thể hiện tín ngưỡng cầu mong thần nước phù hộ cho quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người ăn nên làm ra, bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Chính vì ý nghĩa đó mà Keeng Lóong là hoạt động không thể thiếu.
Những người già có am hiểu về truyền thống văn hoá của dân tộc kể rằng, từ thời xa xưa, lương thực chính của đồng bào dân tộc Thái là ăn gạo nếp.
Mỗi mùa gặt về, các gia đình bó thành từng bó lúa to gác lên gác bếp. Lúc cần ăn để cả bông cho vào máng giã thành gạo. Công việc làm một mình vừa vất vả, vừa lâu nên mỗi lần giã lúa thường có từ 6 - 8 người đứng đều sang hai bên, vừa giã, vừa nhún nhảy thể hiện sự tươi vui.
Tiếng giã rộn ràng, có nhịp điệu tạo thành tiếng nhạc vui, khiến lao động bớt mệt mỏi, công việc đều tay, hiệu quả hơn. Chính vì lẽ đó mà dần dần tiếng gõ vào máng giã lúa và tiếng chày gõ vào nhau mà Keeng Lóong đã gắn bó sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người dân.
Đặc biệt, tại các điểm du lịch cộng đồng như: Bản Lác, xóm Pom Coọng, bản Văn, bản du lịch sinh thái xóm Phước, xóm Vặn, bản Hịch, bản Bước… đều có đội văn nghệ phục vụ nhu cầu du khách, trong đó múa Keng Lóong là tiết mục thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách, nhất là khách nước ngoài.
Theo bà Hà Thị Hoà, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Mai Châu, cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Thái trong nhân dân, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc nói chung, dân tộc Thái nói riêng, đặc biệt là gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá với phát triển du lịch.
Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 10/1/2020 về việc bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hàng năm, địa phương đều tổ chức hoạt động các lễ hội, đặc biệt, đã phục dựng được lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã, thị trấn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Trong đó có nghệ thuật múa Keng Lóong.
Tháng 10/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định về việc đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cũng trong ngày 19/2, UBND huyện Mai Châu đã khai mạc Lễ hội Xên Mường dân tộc Thái huyện Mai Châu năm 2024.
Lễ hội Xên Mường là lễ hội dân gian truyền thống, là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư trong địa bàn huyện Mai Châu.
Việc tổ chức Lễ hội Xên Mường nhằm cầu mong Thần Nước phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà no ấm, bản làng yên vui.
Đồng thời thông qua việc tổ chức Lễ hội Xên Mường nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử và tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện Mai Châu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và tạo không khí vui tươi phấn khởi nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn năm 2024.