Đời sống xã hội

Hy vọng mới từ những lớp xóa mù chữ ở vùng biên cương Sơn La

Lò Dung 29/02/2024 - 16:19

Vượt qua khó khăn, trở ngại, tự ti, những người phụ nữ người dân tộc Mông, Thái ở Sông Mã giờ đây đã thoát cảnh mù chữ, đã có thể viết được tên, đọc được thông báo từ Ủy ban nhân dân xã…

Hàng ngày vào lúc 17 giờ, bất kể trời mưa hay nắng tại điểm trường Sum Pàn thuộc Trường Tiểu học Bản Mé, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, 50 học viên của lớp xóa mù chữ tập trung học tại đây.

Lớp học này đã nỗ lực để giúp những người có khao khát học viết chữ và nhận kiến thức, từ đó phát triển kinh tế và kỳ vọng vào tương lai tốt hơn.

Kể từ tháng 9 năm 2022, lớp xóa mù chữ tại bản Sum Pàn đã chính thức khai giảng, và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7 năm 2023. Mặc dù học viên có mọi lứa tuổi, họ đã tự tìm đường đến lớp học với mong muốn học viết chữ. Họ chăm chỉ nghe giảng và nỗ lực tập viết để học lấy chữ.

Những bàn tay từng cầm cuốc và dao thường ngày đã được cô giáo tận tâm hướng dẫn, và bây giờ họ có thể viết những chữ cái mềm mại. Những học viên trẻ tuổi học viết và đọc dễ dàng hơn, nhưng người lớn tuổi cần hướng dẫn từ cách cầm bút cho đến viết từng nét, từng chữ.

anh-song-ma-1-.jpg
Những người phụ nữ Thái đã vượt qua ngại ngùng để học lấy con chữ.

Cô giáo Hà Thị Hoàn, người trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ, nói: "Học viên trong lớp có độ tuổi và trình độ khác nhau, nhiều người chưa thạo tiếng phổ thông nên việc truyền đạt có khó khăn, đặc biệt trong việc phát âm và viết chữ. Mặc dù vậy, hầu hết học viên đều rất nỗ lực trong việc học tập. Hiện tại, tất cả đều có thể đọc và viết thành thạo."

Bà Lường Thị Diên, 61 tuổi, ở bản Sum Pàn, sau khi lên lớp ở nhà còn phải nhờ cháu nội giúp đỡ thêm. Bà chia sẻ: "Tuổi tôi cao, lâu nay không học nên khá khó tiếp thu, học viết chữ khó khăn hơn là làm đồng ruộng. Nhờ sự hỗ trợ của các cô và việc học cùng cháu, tôi đã biết viết và đọc tên mình."

Chị Giàng Thị Dợ, người dân tộc Mông, 21 tuổi, tại bản Ngu Hấu, xã Nà Nghịu, là một học viên tích cực trong lớp xóa mù tại Trường Tiểu học Nà Nghịu. Dợ đã học viết chữ sau một năm tham gia lớp. Mặc dù đã lập gia đình và lao động vất vả trên ruộng, nhưng với tương lai còn dài, Dợ quyết định tham gia học viết chữ.

Chị Lò Thị Thỉnh, dân tộc Thái, là một học viên lớn tuổi tại lớp xóa mù chữ tại bản Nà Hin. Chị sinh năm 1987 và ở Bản Mung, cũng là một trong những học viên chịu khó nhất trong lớp.

Dù con cái đã trưởng thành, nhưng chị vẫn mong muốn học viết chữ để có thể đọc tài liệu về nông nghiệp và cải thiện tình hình kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Công Viên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã có chia sẻ về công tác xóa mù chữ ở vùng biên cương còn khó khăn này.

anh-song-ma-2-1-.jpg
Cầm cuốc thì dễ những cầm phấn để học được là nỗ lực lớn của cả người dạy lẫn người học.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã cho biết: “Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2015-2020; 2021-2025, trong thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, mở các lớp xóa mù chữ theo từng giai đoạn.

“Học chữ với mình khó khăn lắm, nhưng phải cố gắng để cuộc sống đỡ khổ cực hơn"

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ cho mọi người; huy động các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ; củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Sông Mã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội.

Trong giai đoạn 2015-2020, đã mở 71 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, với trên 2.600 học viên.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến mở 31 lớp xóa mù chữ cho trên 1.500 học viên, đến thời điểm hiện tại ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện mở được 4 lớp, với 228 học viên tại 2 xã: Nà Nghịu, Đứa Mòn”.

Trong quá trình triển khai các lớp xóa mù chữ, ngành giáo dục đã gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân, trong đó, địa bàn huyện rộng, địa hình bị chia cắt, dân cư phân bố rải rác, nên công tác tuyên truyền vận động người dân mù chữ ra lớp ra gặp nhiều khó khăn.

anh-song-ma-4-.jpg
Chị em cùng hướng đến tương lai biết đọc, biết viết.

Mặt khác, đối tượng mù chữ đa số đang trong độ tuổi lao động nên thường đi làm ăn xa hoặc ngại tham gia học các lớp xóa mù chữ vì ảnh hưởng đến thời gian lao động.

Cán bộ phụ trách công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục là kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ.

“Trên cơ sở thực tiễn của công tác xóa mù chữ đã và đang diễn ra, ngành giáo dục Sông Mã sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện, tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc biết chữ, từng bước nâng cao nhận thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác xóa mù chữ.

Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với từng nhóm đối tượng; tăng cường điều tra đến tận hộ gia đình để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, tái mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ phù hợp cho từng xã; Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, phân công cán bộ chủ chốt của xã, bản, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng khác để vận động từng người mù chữ tham gia học tập và không bỏ học giữa chừng.

Chỉ đạo các đơn vị trường học lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ tham gia học tập.

Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với những người học và những tham gia dạy xóa mù chữ.

Đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình, tiến hành đánh giá, xếp loại học viên linh hoạt và phù hợp với tình học viên” Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Sông Mã cho biết.

Theo số liệu thống kê, của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, hiện nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ người mù chữ độ tuổi từ 15 - 60 tuổi ở mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình lớp 3) và mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình lớp 5) là gần 7.000 người.

Trên cơ sở số liệu tổng hợp, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch mở 31 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022-2025 cho trên 1.500 học viên.

Năm 2023, tổ chức 13 lớp xóa mù chữ cho 650 học viên ở 8 xã. Qua đánh giá, đến nay, 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO