Đà Bắc là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Hòa Bình. Theo rà soát, thu nhập bình quân ước đạt 37,9 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 26,84%. Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, xác định phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, huyện đã quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS).
Xóm Nà Mát, xã Tiền Phong có 87 hộ, 392 nhân khẩu. Kinh tế của các hộ phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Đinh Công Thước, Bí thư chi bộ xóm Nà Mát cho biết: "Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong xóm chuyển đổi cây, con phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo đó, một số hộ chăn nuôi giống lợn đen thuần chủng có giá trị kinh tế cao và nuôi lợn siêu nạc, chăn nuôi bò sinh sản sau khi được hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN. Bên cạnh hỗ trợ vốn, xã cũng cho bà con trong xóm đi tập huấn do các cơ quan chuyên môn của huyện mở giúp người dân có thêm kiến thức trong chăn nuôi để phát triển mô hình, nâng cao thu nhập”.
Ngoài chăn nuôi, hiện nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó, một trong những mô hình góp phần giúp ĐBDTTS giảm nghèo bền vững là trồng chè và trồng cây gai xanh, tập trung ở các xã: Trung Thành, Đoàn Kết, Mường Chiềng, Đồng Chum... Từ mô hình đã giúp nhiều hộ ổn định cuộc sống, đem lại thu nhập cao.
Bà Lường Thị Đính, xóm Bay, xã Trung Thành cho biết: "Sau khi được tạo điều kiện, hỗ trợ về giống, vốn để trồng cây gai xanh, đến nay đã cho thu hoạch được 2 đợt. Từ khi trồng cây gai xanh, gia đình tôi nói riêng và bà con trong xóm nói chung đã có thêm thu nhập. Trong thời gian tới, rất mong cấp trên tiếp tục hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật để chúng tôi có thể mở rộng diện tích cây gai xanh, qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Thời gian tới, huyện Đà Bắc tiếp tục đề ra các mục tiêu thực hiện tốt CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN đến năm 2025, cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác nhằm phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân của ĐBDTTS; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS bình quân mỗi năm giảm từ 2,5 - 3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Phấn đấu nâng cấp, duy trì 100% đường ô tô đến trung tâm xã đạt chuẩn; 90% đường giao thông liên thôn, xóm được cứng hóa. 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% ĐBDTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Bên cạnh đó, huyện cũng đề ra các mục tiêu cụ thể khác trên các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội…
Đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Từ chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ sinh kế, tạo cơ hội giảm nghèo bền vững cho ĐBDTTS, huyện đã chú trọng xây dựng các mô hình theo hướng chuyển sang sản xuất hàng hoá phù hợp với đặc điểm kinh tế từng địa bàn, dân tộc. UBND huyện đã phối hợp các ngành, lồng ghép các nguồn vốn, các CTMTQG để hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế dựa trên nông sản đặc trưng của địa phương. Ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật, huyện hướng mạnh vào hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, thành lập các HTX và tìm đầu ra cho sản phẩm”.