Tiêu điểm

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023: Lấp đầy “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Hải Thanh 09/11/2023 - 07:45

Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào vùng cao, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước bằng pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Trong mấy năm vừa qua, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành trong hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị đã triển khai tích cực qua rất nhiều kênh từ trung ương đến địa phương. Các hình thức tuyên truyền pháp luật hàng năm cũng ngày càng đa dạng, như tuyên truyền qua hệ thống báo chí, đài phát thanh, truyền hình, các tạp chí, tập san về công tác dân tộc, chính sách cấp báo, tạp chí không thu tiền cho vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo DTTS...

Theo đó, về hệ thống thông tin truyền thanh công cộng ở mỗi địa phương, xây dựng các câu lạc bộ pháp luật ở xã như: Bình đẳng giới, phòng chống ma túy và tổ chức các hình thức hoạt động thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào DTTS với nội dung phong phú đa dạng được nhiều cấp, nhiều địa phương triển khai…

Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các DTTS, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào Đảng, chính quyền, nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, học tập làm theo các gương sản xuất giỏi phấn đấu vươn lên xóa đói giảm nghèo...

2(3).jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đến tận nhà dân ở các bản vùng sâu biên giới để tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS nói riêng; cộng đồng các DTTS nói chung bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp tập quán, nhận thức của người dân.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Chương trình trong giai đoạn I từ năm 2021 - 2025…, với hơn 8.000 lượt người tham dự. Các huyện tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi tại các xã, thị trấn; sản xuất 15 file tuyên truyền, 18 bài chuyên mục phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh và xe lưu động đến các xóm, điểm chợ trên địa bàn huyện. 4 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc tổ chức 16 hội nghị tại 16 xã thuộc 3 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang với 1.366 lượt người tham gia.

Để tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS miền núi, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, qua những câu lạc bộ nói chuyện chuyên đề về chính sách pháp luật. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền vận động cho đội ngũ cán bộ, công chức và đội ngũ cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ PBGDPL.

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS được được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán từng địa phương. Lồng ghép tuyên truyền pháp luật với hoạt động giao lưu văn hóa, hội nghị, sinh hoạt của thôn, bản.

pl-166796610733756808193.jpg
Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm trong việc phổ biến tới đồng bào dân tộc miền núi.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, từng bước thay đổi tập quán lạc hậu trong hôn nhân, thời gian qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án PBGDPL hoặc lồng ghép thực hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 24 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, có 14 xã khu vực III và 71 thôn đặc biệt khó khăn, với nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, bao gồm: Dân tộc Pa Cô, Dân tộc Tà Ôi, Dân tộc Cơ Tu, Dân tộc Vân Kiều...

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Dân tộc đã tổ chức 11 hội nghị trực tiếp PBGDPL với 440 lượt đại biểu tham gia; tổ chức 5 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng cho 250 người; phát hành Bản tin Dân tộc và Miền núi (250 quyển/quý). Đối tượng tham gia tuyên truyền, tập huấn bao gồm cán bộ cấp xã, thôn/bản, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS - lực lượng được ví là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đội ngũ cán bộ thôn, bản có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở những thôn, bản khu vực miền núi, vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa.

a-2-bi-thu-chi-bo-thon-cao-16958925136241080725711.jpg
Người dân nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, giúp tự bảo vệ mình trước các hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, trong đó đồng bào DTTS, miền núi là nhóm đối tượng quan trọng. Điều này được khẳng định trong Hiến pháp 2013 và cụ thể hoá trong Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc quy định tại Điều 18 về chính sách PBGDPL và trợ giúp pháp lý, trong đó quy định rõ: “1. Đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật; 2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án PBGDPL, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng DTTS; 3. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào DTTS”.

Để nâng cao nhận thức hiểu biết cho đồng bào DTTS về quy định của pháp luật, Chương trình với Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn việc tuyên truyền, PBGDPL cần thực hiện theo 3 nguyên tắc sau: Kiên trì, thường xuyên, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; Khuyến khích sử dụng ngôn ngữ dân tộc, ưu tiên hình thức phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

t31-1616089674862-1671780494881-16717804957441197897702-1671780700160-1671780700288681566024.jpg
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, miền núi, cần giải quyết tốt vấn đề xung đột giữa luật tục của đồng bào DTTS, miền núi và pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình tuyên truyền, PBGDPL cần phải giúp đồng bào DTTS, miền núi hiểu và nhận thức được pháp luật bảo vệ sự trong sáng của luật tục, bảo đảm cho luật tục tiến bộ, là công cụ hỗ trợ đặc biệt cho luật tục tiến bộ tồn tại và phát triển.

Tuyên truyền để người dân hiểu rằng việc chấp hành pháp luật cũng là chấp hành luật tục tiến bộ và ngược lại, nhằm hình thành trong cộng đồng niềm tin vào pháp luật, xóa dần khoảng cách giữa pháp luật và luật tục. Từ đó họ có tâm lý yên tâm để tập trung vào việc học hỏi và tiếp thu kiến thức pháp luật, xóa bỏ tư tưởng đối phó pháp luật.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS, miền núi. Tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật ở các vùng đồng bào DTTS, miền núi phải lựa chọn hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng, kết hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình công tác dân tộc và chính sách dân tộc có liên quan.

mi.jpg
Tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật tới đồng bào DTTS.

Đối với cán bộ, công chức người DTTS, miền núi, sử dụng các hình thức giáo dục cơ bản như hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, thi tìm hiểu pháp luật. Đối với đa số người dân là đồng bào DTTS, miền núi có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL phù họp đặc thù vùng DTTS như tổ chức PBGDPL trực tiếp tại các làng, thôn, nhất là tuyên truyền miệng, phổ biến bằng ngôn ngữ, tài liệu bằng tiếng DTTS; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hóa, văn nghệ, bằng các hình ảnh, truyền thanh, truyền hình; tài liệu PBGDPL được biên soạn bằng tiếng dân tộc; PBGDPL thông qua tủ sách pháp luật được đặt tại nhà Rông/nhà sinh hoạt cộng đồng của các làng, bản có đồng bào DTTS sinh sống. Hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật dành cho đồng bào DTTS, miền núi.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội - trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, miền núi. Các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia, là tổ chức gắn liền với việc đại diện và bảo vệ quyền lợi, họp pháp, chính đáng của người dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân ưong quá trình xây dựng chính sách. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Vì vậy, tiếng nói của các tổ chức chính trị - xã hội mang tính đại diện, thúc đẩy quyền lợi chính sách cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO