Phát triển - Hội nhập

Hoàng Su Phì ưu tiên các nguồn lực phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS

Vy Khanh 14/10/2023 - 18:28

Là huyện biên giới với điểm xuất phát thấp, nhờ phát huy được tiềm năng thế mạnh, những năm gần đây, bộ mặt kinh tế xã hội Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã mang diện mạo mới.

Huyện Hoàng Su Phì có một địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi dãy núi cao và trung bình. Đây là địa bàn cư trú các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao, La Chí... Trong đó, dân tộc Nùng chiếm 38,8%, Dao 21,8%, còn lại là các dân tộc khác. Đây là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang

Những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã ưu tiên, tập trung lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang triển khai gần đây, được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn căn bản, thúc đẩy địa phương phát triển toàn diện, bền vững.

Giai đoạn 2021 – 2023, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 2/2/2022, về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của huyện giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thành lập Tổ thẩm định, Ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cho các xã, thị trấn về việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.

in-cao-27-va-rong-2820221010104056.jpg
Chè shan tuyết Hoàng Su Phì là đặc sản nổi tiếng của địa phương

Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương thành lập Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển cấp thôn để triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Đến nay, 24/24 xã, thị trấn đều đã thành lập ban quản lý; 199/199 thôn có ban phát triển. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động của ban quản lý, ban phát triển, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ các thôn.

Để triển khai Chương trình MTQG 1719 bài bản, hiệu quả, huyện cũng tổ chức hội nghị chuyên đề để cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình; tổ chức truyền thông về Chương trình với nhiều hình thức, nhằm huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và "sức dân" trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Hoàng Su Phì được phân bổ là 410.546 triệu đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong đó, vốn đầu tư ngân sách Trung ương 390.966 triệu đồng và ngân sách địa phương 19.550 triệu đồng. Riêng trong 2 năm 2022 và 2023, vốn đầu tư của Chương trình là 125.591 triệu đồng.

cho-nhung-mua-vang-no-am20221010103800.jpg
Nông nghiệp vẫn là thế mạnh của kinh tế Hoàng Su Phì.

Từ nguồn vốn này, địa phương đã tổ chức triển khai 10 Dự án và hàng chục Tiểu dự án. Đến nay, đã đạt được một số kết quả nổi bật như: thực hiện nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng đường nông thôn, giải quyết nước sinh hoạt 1.223 hộ; đầu tư 8 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 200 hộ về nhà ở; tổ chức 2 lễ hội phục vụ phát triển du lịch; xây dựng 2 điểm đến du lịch tiêu biểu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, 6 thiết chế văn hóa…. 450 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở được hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, và bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc.

Đặc biệt, từ thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 4) về "Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi", toàn huyện đã đầu tư, cải tạo 24 công trình giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp đồng bào các xã, thôn đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.

hoangsuphi.jpg
Những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng là thế mạnh về du lịch để nâng cao đời sống kinh tế của Hoàng Su Phì

Cũng trong 2 năm (2022 và 2023), thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, toàn huyện đã tổ chức 99 các hoạt động. Cụ thể: Tổ chức thành lập và hỗ trợ ban ban đầu cho 43 Tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 2 lớp tập huấn Hướng dẫn vận hành mô hình Tổ truyền thông cộng đồng; 20 cuộc truyền thông về vận động phụ nữ đi khám thai, đến sinh con tại các cơ sở y tế, hướng dẫn làm cha mẹ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ; tổ chức 4 lớp tập về hướng dẫn củng cố nâng cao, thành lập mới địa chỉ tin cậy cộng đồng hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình; hỗ trợ kinh phí nâng cấp 8 địa chỉ tin cậy; tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; hỗ trợ thành lập và hoạt động 15 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tổ chức 2 lớp tập huấn hướng dẫn đối thoại cho cán bộ xã.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì khẳng định: Chương trình MTQG 1719 là một Chương trình mang tính tổng thể, thông qua các chế độ chính sách, mô hình, dự án đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, cải thiện theo hướng tích cực. Đồng bào DTTS tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào quá trình thực hiện chương trình.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì, thời gian tới, để chương trình tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Phòng Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện cụ thể hóa Nghị quyết, Chỉ thị và các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách dân tộc, công tác dân tộc; rà soát, đề xuất để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, nâng hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Đồng thời, duy trì tổ chức triển khai đồng bộ và hiệu quả Chương trình MTQG 1719.

Với sự ổn định chính trị, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, tiềm năng kinh tế du lịch, nông nghiệp phong phú, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Hoàng Su Phì đang đi đúng hướng trên con đường xây dựng huyện giàu đẹp, bảo vệ vững chắc vùng đất phên giậu của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO