Cuối xuân này về quê không còn được nhìn cây gạo có tuổi đời hàng trăm năm thắp lên bầu trời ngàn ngọn lửa hồng tươi nữa rồi. Đời cây cũng như đời người, già thì về với cõi hoàng tuyền. Nhưng cây đã trở thành “cây di sản” trong lòng tôi và đốt lên bao nỗi nhớ thương…
Cây gạo đầu xóm Giò to xù xì, rễ vồng lên, chẻ ra thành nhiều nhánh cắm xuống đất tựa một bàn tay khổng lồ găm vào mảnh đất quê hương. Hỏi những người lớn, cây có tự khi nào, câu trả lời cũng chỉ là “lớn lên đã thấy nó rồi”. Và tôi, từ khi biết chạy ra đường thôn ngõ xóm cũng đã thấy cây gạo rồi.
Thân cây với mảng da sần sùi, mốc meo, rêu xanh bám đầy thỉnh thoảng nổi những chiếc u bằng nắm đấm học trò.
Tứ thời bát tiết xoay vòng, mùa xuân tới là “cái già nua” của cây biến mất, từ những cành khẳng khiu bắt đầu nhú lên vài ba chiếc búp đầu tiên, rồi hàng ngàn búp nõn như ngàn ánh nến xanh bật lên, lóng lánh lung linh trong nắng, đón những đàn chào mào, sáo sậu, sáo đen… lũ lượt bay về. Vào một ngày cuối tháng ba nắng vàng mênh mang, nhìn lên đã thấy những bông hoa gạo đỏ rực tựa bó đuốc khổng lồ cháy giữa trời xanh.
Không khí nhộn nhịp của mọi người xung quanh quán nhỏ vẫn trùm bóng gạo, làm vòm lá rung rinh, làm muôn hoa cũng như nhoẻn miệng cười. Nhất là vào mùa hoa, bọn con trai ra chơi đáo, chơi bi, bọn con gái chơi chuyền trên nền đất đã bong hết lớp gạch đỏ.
Chơi chán, cả bọn nằm xõng xoài, gối đầu lên vuông cỏ biếc bên gốc cây mà ngắm nhìn những cánh hoa đang rơi xoay tròn trong gió. Hoa rụng xuống mà những cánh hoa dày vẫn cứ đỏ tươi như mọng nước, cầm nặng tay bởi cái đài hoa màu xanh nõn rất dày.
Gom được nhiều chúng tôi xâu hoa lại thành chuỗi, thay nhau xách đi đầu cho cả bọn bám sau chạy vòng quanh gốc, má đỏ lựng, mồ hôi nhễ nhại cho tới khi hoàng hôn đổ xuống, bóng trẻ lẫn trong bóng chiều mờ tím, mới tan hàng.
Chả có đứa trẻ nào trèo được lên cây gạo này bởi vì thân nó to quá vòng ôm và cao vút trời mây. Chỉ có người lớn mới chinh phục được độ cao và tìm lấy một chạc ba của cây, bắc ngang tấm ván dày buộc bằng thừng trâu, làm “trạm phát loa phóng thanh”. Khi thì ông trưởng xóm, khi thì trưởng dân quân du kích, khi thì người phụ trách lớp bình dân học vụ… cầm cái loa sắt tây, mở đầu bằng âm thanh vang vọng cả miền đồi: “Loa… loa… loa…”, rồi phát đi thông tin về tình hình làm ăn của xóm, như vào vụ gặt, tăng cường làm đổi công, hay đến mùa đổ ải thì thông tin thời tiết thế nào, có mưa hay hạn.
Từ gốc gạo này, đã phát đi bao bản tin kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, ông trưởng dân quân du kích đã thông báo bao nhiêu tin tức về kỳ luyện tập của đội, nhắc nhở mọi nhà về an ninh, trật tự, tránh để xảy ra trộm cắp gà, lợn.
Anh cả tôi lấy dây thừng buộc vào hai cổ chân làm dụng cụ “trợ trèo” leo lên, ngồi ngay ngắn trên tấm ván nơi chạc ba mà phát đi bản tin bình dân học vụ, kêu gọi mọi người ai chưa biết chữ thì phải đi học để đọc thông viết thạo, hoặc có khi thay đổi địa điểm học từ nhà ông Ký sang nhà bà Mơ; buổi học từ trưa sang tối… Tôi theo anh đi học bình dân học vụ nên vào vỡ lòng chỉ học chút ít là “nhảy” ngay vào lớp 1 trường làng.
Và cảm thức về quê hương cứ lớn dần lên theo năm tháng cùng màu hoa đỏ. Cảnh quê đẹp thế, bình yên thế, nhưng quê nghèo nhìn hoa gạo lại cồn lên nỗi lo cái đói mùa giáp hạt - tháng ba ngày tám. Thóc lúa vụ trước qua hết tháng Giêng là vơi đi nhiều lắm, mẹ tôi bảo, sợ nhất là tiếng kêu “quèn quẹt” đến chói tai và sởn gai ốc của cái vỏ hộp sữa sắt tây va vào thành chum lúc vét gạo nấu cơm. Hết gạo có khoai sắn, nhưng ăn khoai sắn mãi cũng nóng ruột, ai cũng thèm cơm.
Nhà có sáu anh chị em, nỗi ám ảnh về cái ăn, cái mặc cứ đè nặng lên đôi của vai cha mẹ. Khi ấy nghĩ về hoa gạo, trong tôi cứ cật vấn, sao loài hoa lại trùng với tên thứ lương thực chính của người Việt mình nhỉ? Sao hoa lại nở vào mùa giáp hạt? Nở vào mùa khác đi cho đỡ nhói lòng…
Nhưng có lẽ cái tên gạo cũng còn ẩn ý, khi hoa gạo rụng xuống tàn đi, quả gạo tượng hình, lớn lên và ở lại trên cây đến khi chín già thì bung bông gòn trắng xốp, giống y nồi cơm trắng tinh thơm ngào ngạt, thể hiện ước mơ muốn cho cuộc sống no đủ của người nông dân, nên cây mới mang tên “gạo”?
Nhưng mỗi vùng miền hoa lại có tên gọi khác nhau, gắn với sự tích của riêng mình, miền núi phía Bắc gọi hoa gạo “mộc miên”, vùng Tây Nguyên gọi “pơ-lang”.
Tháng 2/1979, từ lúc bắt đầu chiến tranh biên giới phía Bắc, tôi theo bộ đội lên viết bài ở huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, nhìn những cánh hoa gạo vùng biên tả tơi, lẫn mùi khói đạn, mà lòng quặn thắt, nhưng rồi ít tháng sau trở lại, đưa bàn tay ngang mày, ngắm hàng ngàn vạn bông mộc miên trắng bay khắp trời biên giới mà thấy xôn xao, khi nhìn bà con người dân tộc lấy bông về làm chăn, đệm lại nhớ mãi ngày xưa mình cùng bạn bè gom từng bông gạo, tuốt thêm những bông lau để làm chiếc gối đầu, cho ta ngon giấc ngủ, nuôi dưỡng ước mơ được đi đây đó cho thỏa chí người trai.
Ngày tôi tới thôn Broái của tỉnh Đắk Lắk, nơi đây bạt ngàn pơ-lang, được nghe già làng kể chuyện sự tích hoa, mà nhớ tới cây gạo đơn độc quý hiếm xóm mình; gặp trẻ con nơi đây cất tiếng hát “Em là hoa pơ-lang”, kết hoa thành nhiều vòng vương miện mà nhớ mãi khi xưa nằm gối đầu trên cỏ cả buổi ngóng từng hoa gạo rơi, thi nhau gom nhặt mãi mới kết được một chùm; Nhớ câu hát đùa chơi của mấy anh chị lớn tuổi: “Em như hoa gạo trên cây/ Thân anh như đám cỏ may bên đường/ Lạy trời cho cả gió sương/ Hoa gạo rụng xuống, lại luồn cỏ may”.
Hoa gạo hay mộc miên, pơ-lang đều đã đi vào thơ ca. “Có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mọc lên/ hoa máu tươi suốt ngàn năm tê tái/ cây sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương''.
Cây trở thành biểu tượng cho người lính canh trời biên giới. Cái đại trà của pơ-lang đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, cho nên khi phát rừng làm rẫy dân làng nhất định giữ cây pơ-lang lại. Cái sừng sững đơn côi đứng dãi nắng dầm sương đầu xóm quê tôi, cứ tháng ba về lại bừng lên sắc đỏ như bó đuốc giữa trời xanh, gạo trở thành “hoa tiêu” soi tỏ cho tôi, cho những người xa quê không lạc nẻo về... Hoa dù với tên gọi gì đều mang những giá trị bất biến.
Xuân này về quê, tôi ngẩn ngơ giữa một vùng trống vắng, thấy trong lòng như hụt hẫng cô đơn, vì cây đã “quá cố”. Già thì phải về với cõi vĩnh hằng. Nhưng cây đã trở thành “cây di sản” trong tôi và đốt lên bao nỗi nhớ nhung kỷ niệm ấu thơ…
Giờ cạnh gốc gạo xưa là nhà văn hóa thôn, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ và bày tỏ với thằng cháu hay chơi cây cảnh: Hay cháu trồng cây gạo bonsai, uốn vặn tạo dáng “ngũ phúc” hay “tam đa” hiến cho nhà văn hóa. Cái hình ảnh sần sùi của cây sẽ góp phần làm sống lại cây gạo xóm Giò, để lớp trẻ hôm nay dễ hình dung về cây gạo xưa và làm nguôi đi cái nỗi tiếc nuối cây của lớp người như chú.