Hòa Bình: Tiềm năng phát triển du lịch từ những bản sắc văn hóa độc đáo

16/06/2021 04:19

(DTTG) Tỉnh miền núi Hòa Bình có nhiều dân tộc sinh sống và bản sắc văn hóa đa dạng. Từ nhiều năm nay, tỉnh đang nỗ lực biến những tiềm năng sẵn có đó thành lợi thế để phát triển ngành công nghiệp “không ống khói”.

Bản Lác – một trong những điểm du lịch ở Hòa Bình hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Bản Lác – một trong những điểm du lịch ở Hòa Bình hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.

Đến bản Lác của người Thái, ở xã Chiềng Châu (Mai Châu) được xem là một trong những nơi hấp dẫn du khách của tỉnh Hòa Bình. Nét văn hóa độc đáo, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp thu hút cả khách Tây lẫn khách ta.

Ngược lên hai xã Hang Kia và Pà Cò sẽ mang đến cho du khách cảm nhận rất khác. Đó là sự trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, khám phá vẻ đẹp con người, thiên nhiên thuần khiết. Đây cũng chính là "nam châm" thu hút du khách gần đây đến với Hang Kia, Pà Cò ngày một nhiều.

Chị Sùng Y Múa, người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở xã Hang Kia chia sẻ, mình bắt đầu làm du lịch, khởi nghiệp với loại hình homestay từ năm 2016. Để hấp dẫn khách du lịch, mình xác định phải đáp ứng được những sản phẩm đa dạng, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.

Du khách đến đây được khám phá các cung đường, ngắm cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm chàm, hái chè, sao chè, làm giấy dó thủ công, các trò chơi dân gian, làm nông nghiệp, ngoài ra còn có những chuyến pic-nic hái rau rừng và nấu ăn tại rừng... Không ít khách vì yêu mến mà ở lại hàng tháng trời để nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán, lối sống của người dân bản địa. Du khách đến Hang Kia trên 70% là người nước ngoài.

Nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường ở Hòa Bình trở thành một trong những sản phẩm du lịch
Nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc Mường ở Hòa Bình trở thành một trong những sản phẩm du lịch

Đến với điểm du lịch Đá Bia thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc), những cô gái Mường Ao Tá tay đánh chiêng đón khách ngay khi tàu vừa cập bến. Du khách sẽ có thêm cảm nhận mới mẻ về văn hóa và bản sắc khi được ăn, ở, sinh hoạt trong các homestay với không gian nhà sàn truyền thống của người Mường. Đặc biệt, các "quán tự giác" của người Mường ở Đá Bia để lại ấn tượng cho du khách. Nhiều người đã ví "quán tự giác" giống như hình thức siêu thị đầu tiên được duy trì của người Mường Ao Tá. Hàng hóa bày bán ở quán là các sản vật do bà con tự làm ra như các loại hoa quả, mật ong... Điểm thú vị là quán không có người bán, ai có nhu cầu mua thì lấy hàng và trả tiền vào giỏ. Với tư duy, cách làm du lịch khai thác điểm mạnh về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, Đá Bia đang trở thành điểm đến trải nghiệm, khám phá mới mẻ.

Là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc, Hòa Bình có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông được người dân lưu giữ trong nhiều xóm, bản. Hòa Bình cũng là cái nôi nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi tiếng, quê hương của sử thi "đẻ đất, đẻ nước" cùng với 41 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh cùng nhiều lễ hội dân gian các dân tộc... Bên cạnh đó, là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều hang động đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng về hệ sinh thái, động, thực vật, hồ Hòa Bình sơn thủy hữu tình... giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.

Bản làng vùng cao Hòa Bình ngày càng hấp dẫn du khách
Bản làng vùng cao Hòa Bình ngày càng hấp dẫn du khách.

Thống kê của Sở VH-TT&DL Hòa Bình cho thấy, khách quốc tế đến các điểm du lịch cộng đồng như trên chiếm tỷ lệ khá cao, chủ yếu tập trung vào thời điểm đầu năm, cuối năm, các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ.

Theo ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hòa Bình, người dân tự làm ra sản phẩm du lịch và mang lại nguồn lợi trực tiếp trên cơ sở bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, trong đó, bản sắc là yếu tố quyết định. Nói một cách khác, phần "hồn cốt" của điểm đến du lịch Hòa Bình chính là văn hóa. Trên địa bàn tỉnh có một số điểm được đánh giá cao, có 4 điểm nhận giải homestay Asean và khẳng định được thương hiệu "Điểm đến hấp dẫn, thân thiện" gồm: Bản Lác, Bản Cha Lang (Mai Châu), khu du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc), xóm Mu (Lạc Sơn).

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Đề án phát triển Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2030. Theo đó, tỉnh nhấn mạnh tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và những giải pháp đưa du lịch cộng đồng trở thành điểm đến hấp dẫn, gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO