Hình thức xử phạt đối với hành vi xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn

31/10/2022 07:00

(DTTG) Bạn đọc: A Thy, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái hỏi: Tôi đang có người em chơi với nhau từ lúc nhỏ, sau khoảng thời gian đi học xa nhà thì mới đây cô bé có gọi điện cho tôi và kể rằng mọi người ở quê cô bé đang ép cô bé lấy chồng. Mặc dù cô bé chưa đủ 18 tuổi. Vậy tôi muốn hỏi Toà soạn, hiện giờ Nhà nước có hình thức nào xử phạt đối với hành vi xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn hay không? Và đối tượng nào sẽ bị xử phạt?

Ngày 30 tháng 12 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trước tiên, Toà soạn xin được trả lời câu hỏi về đối tượng nào sẽ bị xử phạt theo nghị định này:

Đối tượng áp dụng

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này xảy ra trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, gồm:

Cá nhân có hành vi vi phạm hành chính;

Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính: các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cơ sở tôn giáo; tổ chức dịch vụ chi trả; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục; cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở dịch vụ khác.

Người có thẩm quyền lập biên bản.

Người có thẩm quyền xử phạt.

Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

Đối với câu hỏi, hiện giờ Nhà nước có hình thức xử phạt đối với hành vi xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn hay không. Toà soạn xin được trả lời như sau:

Theo Điều 23. Vi phạm quy định về cấm lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;

Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng, ép buộc làm trung gian giao dịch hoạt động bóc lột trẻ em;

Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật;

Bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng trẻ em làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Bóc lột sức lao động trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để bóc lột sức lao động của trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 2 và khoản 3 Điều này;

Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO