Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều tiêu cực đã phát sinh trong xã hội, dẫn tới tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở diễn biến phức tạp. Trước những vấn đề trên, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều mô hình sáng tạo như “Ánh sáng an ninh”, “Thắp sáng đường quê”, được triển khai rộng khắp tại cộng đồng dân cư. Điều này đã mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đó, tạo động lực để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực.
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Trung bộ, có 35 dân tộc anh em cùng chung sống. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được thực hiện đồng bộ, toàn diện, là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh cơ sở.
Trong nhiều năm qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát động, xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, từ các phong trào thi đua ở địa phương, cơ sở đã tạo nên làn sóng lan truyền cảm hứng mạnh mẽ đến từng cá nhân, gia đình, thôn, xóm.
Định hướng hội nhập kinh tế toàn cầu, nền kinh tế phát triển cũng đồng thời mặt trái tiêu cực xã hội theo đó mà phát sinh làm cho tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở diễn biến phức tạp hơn; nạn trộm cắp, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm tại địa bàn thôn, xóm.
Trước thực trạng bất ổn trên, Mặt trận, đoàn thể địa phương đã tổ chức triển khai phát động xây dựng phong trào đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Thắp sáng đường quê” trong cộng đồng dân cư. Đây là mô hình vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, xóm, nên được người dân đồng tình ủng hộ.
Mô hình đã mang lại nhiều ý nghĩa, hiệu quả tích cực như: Phục vụ ánh sáng điện ban đêm trên các tuyến đường, tạo sự thuận tiện, giúp người dân yên tâm hơn khi ra đường vào buổi tối, hạn chế tai nạn giao thông, giảm nạn trộm cắp, bớt tụ tập gây mất an ninh trật tự… mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho người dân. Từ đó, tạo động lực để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu và đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
Mô hình “Ánh sáng an ninh” đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm qua ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Điển hình là huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh. Mô hình đã phát huy hiệu quả rất tốt, đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Từ khi mô hình được phát động xây dựng, tình hình tệ nạn xã hội như trộm cắp, tụ tập đông người làm mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông giảm đáng kể so với trước đây. Công tác phối hợp giữa Công an, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể được chú trọng; cùng với mô hình ánh sáng an ninh, các mô hình khác được phát động như: Mô hình khu dân cư đảm bảo an toàn giao thông, mô hình camera an ninh.
Nổi bật năm 2022, các cấp đoàn trong ngành Công an tỉnh đã lắp đặt mới 5 điểm gồm 57 bóng đèn với tổng kinh phí 89,2 triệu đồng; sửa chữa 2 điểm gồm 15 bóng đèn với kinh phí 11,5 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện lắp 5 điểm gồm 50 bóng đèn với kinh phí 74 triệu đồng. Các cấp bộ Đoàn duy trì và xây dựng hơn 100 tuyến đường văn minh “Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp- An toàn”.
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hơn 650 nghìn km công trình “Thắp sáng đường quê”; 120 nghìn km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị hơn 24,5 tỷ đồng; phát quang hơn 600 nghìn km đường giao thông nông thôn; Vá sửa chữa 532 nghìn km đường, làm mới 400 nghìn km đường, trị giá 642 tỷ đồng; xây mới 86 cây cầu giao thông nông thôn, trị giá 168 tỷ đồng.
Xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” là chủ trương hợp lòng dân, góp phần làm sáng thêm bộ mặt nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. Bà K’Thị Yêm (dân tộc K’ Ho, xã Mê Pu, huyện Đức Linh) vui mừng nói: “Trước đây, chưa có ánh sáng đèn đường, người dân trong thôn xóm rất buồn. Bây giờ có điện sáng rồi, bà con vui lắm và chỉ mơ ước có vậy thôi”.
Không chỉ tạo mỹ quan cho bộ mặt nông thôn mới, hệ thống đèn đường còn góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Ông Huỳnh Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Linh khẳng định: “Hiệu quả mang lại từ mô hình này rất lớn. Đó là tính tự nguyện, tự giác của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự. Nhất là khi có ánh sáng an ninh đã giảm bớt tình hình trộm cắp, tụ tập quậy phá vào ban đêm của các nhóm đối tượng. Từ hiệu quả thiết thực đó, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động người dân tích cực hưởng ứng, phấn đấu tất cả các tuyến đường trên địa bàn đều có ánh sáng an ninh”.
Để các mô hình tiếp tục duy trì phát huy hiệu quả ở cơ sở, trong thời gian tới các địa phương của tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt là tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ và các hộ dân trên các tuyến đường tham gia vào quá trình vận hành, bảo quản để duy trì ánh sáng an ninh trên các tuyến đường được sử dụng lâu dài. Đồng thời nhân rộng việc xây dựng mô hình này, đều khắp tại các địa bàn cơ sở.
Xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” là chủ trương đúng, hợp lòng dân. Mô hình không những tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt và đi lại dễ dàng hơn vào ban đêm, giảm tình trạng trộm cắp và tai nạn giao thông. Mà còn thể hiện tinh thần tự nguyện, đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn ngày một tốt hơn.