Qua 12 năm hoạt động, mô hình Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và không tệ nạn xã hội (còn gọi Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không”, thuộc Chi hội Phụ nữ khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh, Đồng Nai) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Người có nhiều đóng góp cho hoạt động mô hình là bà Thổ Thị Sá (Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không”). Bà được lãnh đạo thành phố Long Khánh tuyên dương, khen thưởng tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024 vì đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc Chơro
Khu phố Ruộng Lớn hiện có 955 hộ với trên 3,9 ngàn nhân khẩu; trong đó, làng đồng bào dân tộc Chơro có 125 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Trước đây, trình độ nhận thức của người đồng bào dân tộc Chơro còn có những hạn chế nhất định, do đó, chính quyền địa phương đã cho thành lập Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho bà con.
Bà Thổ Thị Sá cho biết, với cương vị Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không”, bà luôn làm gương để các thành viên học tập theo. Chẳng hạn, bà luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình chấp hành các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bà luôn quan tâm đến việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội…
Khi đã tạo được niềm tin cho người dân, bà Thổ Thị Sá tập trung tuyên truyền, vận động các chị em hội viên phụ nữ dân tộc trong khu phố tham gia Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không”. Bà luôn quan tâm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên để có giải pháp đưa mô hình hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình ở khu phố.
Thời gian qua, mô hình Tổ phụ nữ dân tộc “2 không” đã duy trì ổn định các buổi sinh hoạt (định kỳ 3 tháng/lần). Đây là dịp để các thành viên gặp nhau và cùng nhau thăm hỏi, động viên trong cuộc sống. Đồng thời, thông qua các buổi sinh hoạt, tổ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền những thông tin mới, quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến bà con; hướng dẫn nắm kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con cái và tuyên truyền, giải thích những vấn đề mà chị em quan tâm, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, từ đó giúp chị em thấy được những lợi ích khi tham gia vào mô hình.
Phó chủ tịch UBND phường Bảo Vinh THỊ THI cho biết: “Địa phương đánh giá cao tính hiệu quả Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” tại khu phố Ruộng Lớn. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo việc duy trì và phát triển mô hình này tại các chi hội phụ nữ trên địa bàn để cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho con em hội viên không vi phạm pháp luật”. |
Bên cạnh đó, Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” đã phối hợp mời công an khu vực tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các buổi sinh hoạt, họp tổ nhân dân cho đồng bào dân tộc thiểu số Chơro nắm… Nhờ đó, các thành viên của tổ đã cùng hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, ma túy, mại dâm, mua bán người và tệ nạn xã hội trên địa bàn phường; góp phần kéo giảm tội phạm và hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội tại địa phương.
“Chúng tôi thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhận thức của bà con ngày càng nâng lên và chấp hành đúng pháp luật, đặc biệt là ngày càng nhiều gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” - bà Sá tâm sự.
Ngoài công tác tuyên truyền pháp luật, Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” còn tìm hiểu đời sống của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số để kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho bà con, đặc biệt là những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tổ đã giới thiệu các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình; hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn học sinh, sinh viên nhằm hỗ trợ con em đồng bào có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ra trường có công ăn việc làm ổn định.
Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” đã phát động chị em trong tổ thực hành tiết kiệm với mô hình “nuôi heo đất” để làm những việc có ý nghĩa. Theo đó, hội viên nuôi heo đất sẽ bỏ heo tiền lẻ còn dư sau khi đi chợ về. Đến dịp 8-3 hàng năm, tổ sẽ đập heo và dùng tiền vào việc thăm hỏi, trao tặng học bổng, sổ tiết kiệm, bảo hiểm y tế và quà cho phụ nữ, con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này đã duy trì ổn định hơn 4 năm nay. Những việc làm thiết thực này nhằm giúp cho con em hội viên trong tổ vươn lên học giỏi để không vướng vào các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội.
Góp phần ổn định trật tự tại địa phương
Bà Giao Thị Lài (ngụ khu phố Ruộng Lớn) cho hay, qua theo dõi thấy Tổ trưởng Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” có nhiều hoạt động thiết thực, hướng đến quyền và lợi ích của người đồng bào dân tộc thiểu số cho nên bà đã quyết định tham gia sinh hoạt trong tổ đã 5 năm nay.
“Tôi thường được chị em bên Chi hội Phụ nữ khu phố Ruộng Lớn vận động tham gia các buổi sinh hoạt, họp tổ nhân dân để nghe tuyên truyền pháp luật. Từ những kiến thức nắm được, tôi đã phổ biến lại cho người thân trong gia đình và hàng xóm để không vi phạm pháp luật. Tôi còn được chị em hội viên hỗ trợ, hướng dẫn cách làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn” - bà Lài bộc bạch.
Phó chủ tịch UBND phường Bảo Vinh Thị Thi cho biết thêm, Tổ Phụ nữ dân tộc “2 không” được thành lập từ năm 2012 và đến năm 2019 mới kiện toàn nhân sự. Hiện tổ có 22 thành viên là những người tâm huyết với công tác xã hội.
Đến nay, mô hình này hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là công tác tuyên truyền thường xuyên được đẩy mạnh, kịp thời đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần dân. Nhận thức của bà con đồng bào dân tộc Chơro nhờ đó đã nâng lên rõ rệt và chấp hành tốt, góp phần hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn phường. Ngoài ra, tổ còn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chị em bằng nhiều việc làm thiết thực như: giới thiệu nguồn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình; thực hiện mô hình “nuôi heo đất” giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó…