Đời sống xã hội

Hiệp đồng bài trừ hủ tục ở Đăk Plô, xóa bỏ đói nghèo vùng biên

HỒNG PHÚC 23/12/2023 - 11:30

Tính đến tháng 12-2023, 100% hộ gia đình trên địa bàn xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đã cam kết thực hiện xóa bỏ 4 hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, tiềm thức của đồng bào.

Có được kết quả đó là nhờ sự phối hợp hiệp đồng hiệu quả giữa UBND xã Đăk Plô và Đồn Biên phòng Đăk Blô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) trong việc đổi mới nội dung, hình thức dân vận sát với thực tiễn, trình độ của đồng bào. Từng bước đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con, tạo tiền đề đánh đuổi “giặc” đói nghèo nơi vùng biên còn gặp nhiều khó khăn.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

May mắn là 1 trong 15 hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ về các hủ tục lạc hậu, anh A Thá (thôn Lêng Lang) không còn tin vào tục kiêng kỵ vật nuôi phóng uế, đẻ con ở bên dưới, bên trong kho thóc nữa. Anh A Thá cho biết, hủ tục đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Giẻ Triêng từ nhiều đời nay, đồng bào quan niệm rằng nếu có vật nuôi phóng uế, đẻ con dưới gầm kho lúa, giao phối sẽ khiến cho thần lúa giận, khi ăn lúa này đều bị ốm đau, mang đến nhiều tai ương. Nếu vật nuôi gia đình nào phóng uế, đẻ con dưới gầm kho lúa sẽ phải đền lại bằng số lúa trong kho; phần cũ sẽ trả về cho gia đình sở hữu vật nuôi sử dụng.

Chưa kể, khí hậu và thời tiết ở Đăk Plô diễn biến vô cùng phức tạp do thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa, bão nên việc trồng lúa đã khó khăn, vấp thêm hủ tục lạc hậu đã kéo đời sống của đồng bào rơi vào cùng cực. Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa mới, hủ tục lạc hậu này đã được người dân nhất trí đưa vào hương ước, quy ước (quy định chung của dân làng không ai được làm trái) góp phần cải thiện đời sống và nâng cao nhận thức cho người dân của xã Đăk Plô.

Ông A Ngũ, Trưởng thôn Bung Koong cho biết thêm, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ma chay là 1 trong những nghi lễ quan trọng của đời người. Nhưng với những người chết xấu (do tai nạn giao thông, ngã từ trên cây, cây đè, đuối nước, sét đánh, thú dữ vồ, tự tử, đẻ khó…) sẽ được thực hiện theo tục cái chết xấu, thi thể sẽ không được đưa vào trong làng, không được chôn cất chung với người chết bình thường và cũng không có sự tham gia, giúp đỡ của dân làng để tổ chức đám tang. Nhiều gia đình neo người phải cõng thi thể trên lưng rồi đưa đi chôn ở nghĩa địa rất xa, người thân họ hàng kiêng không đi rẫy, đi rừng, không gieo trồng bất cứ loại cây trồng gì trong suốt 10 ngày.

Bên cạnh 2 hủ tục lạc hậu trên, “tàn dư” của tục cõng củi hứa hôn và tục cúng ốm đau khấn cầu thần linh vẫn còn hiện hữu cho đến khi được bài trừ hoàn toàn. Thay vì gọi thầy cúng rồi chuẩn bị các lễ vật hiến sinh là trâu, bò thì chị Y Yải (làng Pêng Lang) đã chọn tới trạm y tế xã hay ra bệnh viện huyện để được khám, chữa bệnh. Chị Y Yải nhớ lại, chồng của chị bị ốm và được thầy cúng phán là bị “ma lai, thuốc thư”, nghe theo lời thầy gia đình đã chuẩn bị 2 con trâu và 3 ché rượu cúng suốt 2 ngày 1 đêm cũng không thuyên giảm; được cán bộ biên phòng khuyên bảo nên được đưa xuống bệnh viện kịp thời cứu chữa.

anh-1.jpeg
Những buổi trò chuyện thân tình được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô lồng ghép tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu.

“Cởi trói” từ nhận thức, ân cần nói để đồng bào hiểu

Ông Lê Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Đăk Plô nhận định, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trên địa bàn xã là việc làm khó cần nhiều thời gian, đòi hỏi chính quyền phải có sự phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là lực lượng nòng cốt là cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Blô để tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tư duy, nhận thức.

Theo ông Vinh, hủ tục lạc hậu là nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, UBND xã đã thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình thông qua nhiều hình thức như truyền miệng, phát trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, phát băng đĩa hình, các bảng hiệu, khẩu hiệu…Từ đó, đồng bào đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm sao vừa phù hợp với sự tiến bộ phát triển nhưng vẫn phải giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong thời gian tới, UBND xã Đăk Plô sẽ chú trọng triển khai các nội dung nhiệm vụ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tối ưu hóa nguồn lực đa dạng sinh kế cho đồng bào vươn lên thoát nghèo. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân có cách làm mới, hiệu quả xóa bỏ hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Trung tá Võ Văn Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đăk Blô lại cho rằng, muốn giải quyết bài toán xóa đói giảm nghèo thì nhất định phải “cởi trói” từ nhận thức của đồng bào về những hủ tục lạc hậu, muốn làm được điều đó thì phải xây dựng bằng những mô hình gần gũi nhất, thiết thực nhất với đời sống của đồng bào, để họ dễ nhớ, dễ hiểu, đi sâu vào tiềm thức.

Do đó, để nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc thực hiện nếp sống văn minh sẽ rất cần những người “đi tiên phong” bám dân, bám bản, trực tiếp làm công tác vận động, tuyên truyền; bám sát vào Tiểu dự án 3, Dự án 3 về Phát triển kinh tế-xã hội mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồn Biên phòng Đăk Blô đã triển khai thực hiện kế hoạch phân công 19 đảng viên phụ trách 76 hộ gia đình trên địa bàn xã Đăk Plô; 4 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 4 chi bộ thôn; 4 đồng chí đảng viên người dân tộc thiểu số tham gia kết nghĩa với 4 hộ gia đình người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND xã tổ chức 32 đợt lưu động với 327 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, ăn chín uống sôi, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và phong tục không còn phù hợp trên địa bàn; tuyên truyền pháp luật cho nhân dân được 12 buổi với 524 lượt người nghe; tham gia lao động giúp dân được 147 ngày công…

Theo Theo QĐND
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO