Hát kể sử thi trên đất Tây Nguyên

27/07/2022 06:54

(DTTG) Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người Ê Đê. Thế nhưng, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, hát kể sử thi đã và đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nghệ nhân Y Thiêm (người thứ 2, từ trái sang) hát kể sử thi
Nghệ nhân Y Thiêm (người thứ 2, từ trái sang) hát kể sử thi

Không gian sử thi đậm đặc

Tây Nguyên là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như Ba Na, Ê Đê, M’nông, Gia Rai… Đây cũng là vùng đất có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá, vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và đặc biệt là sử thi.

Theo một số nhà nghiên cứu về văn hóa, lượng sử thi Tây Nguyên khá đậm đặc. Chỉ tính riêng dân tộc Ê Đê đã có gần 80 sử thi. Trong đó nổi bật là các sử thi như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao – Đăm Rao… 

Người Ê Đê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Mỗi tác phẩm sử thi là một câu chuyện dài, có thể dài ba, bốn nghìn câu, cũng có tác phẩm dài đến hàng vạn câu. Nội dung cơ bản của sử thi Ê Đê chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí, tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, về chế độ nô lệ sơ khai, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Ngoài ra, sử thi Ê Đê còn miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người về một thế giới tốt đẹp hơn giữa người với người, giữa con người với thế giới tự nhiên và giữa con người với các đấng thần linh...

Sử thi Ê Đê được thể hiện bằng hình thức hát kể và kể lời. Nghệ nhân có thể dùng cả cử chỉ, vẻ mặt để diễn tả tính cách, hành động của nhân vật trong sử thi. Sự tài tình khéo léo của người kể, tạo nên sức lôi cuốn hấp dẫn đối với người nghe, đưa cả người kể lẫn người nghe hòa nhập vào cuộc sống ở thời đại của các nhân vật. 

Các nhân vật sử thi không chỉ xuất hiện trong lời kể của nghệ nhân, mà dường như đang sống cùng cộng đồng, hòa cùng với không gian của núi rừng, buôn làng, có lúc tưởng chừng như đối thoại cùng người nghe. 

Chính vì vậy sử thi Ê Đê có sức lôi cuốn, hấp dẫn người nghe đến kỳ lạ, sử thi như một bức tranh sống động làm cho người nghe quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống lao động thường ngày; đồng thời tiếp thêm nghị lực để họ vững tin vào tương lai, giúp con người tránh xa những điều tầm thường để vươn lên sống tốt đẹp hơn.

Sinh hoạt văn hóa quan trọng

Từ xa xưa, hát kể sử thi là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của cộng đồng người Ê Đê. Và nó được tồn tại cho đến ngày nay.Người nghệ nhân hát kể sử thi được gọi là pô khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc. Có nhiều nghệ nhân không hề biết chữ, nhưng họ lại có trí nhớ một cách kỳ lạ. Họ có thể nhớ nhiều sử thi, có người nhớ tới 9 - 10 tác phẩm và còn hơn thế nữa. Họ chính là những nhà tri thức dân gian, mặc dù không biết chữ vẫn có thể tập hợp cho mình một khối lượng khổng lồ những hiểu biết của dân tộc và của đồng bào mình. 

Những nghệ nhân hát kể sử thi phần lớn đều có giọng hát vang, khỏe, biết nhiều làn điệu của thể loại hát nói (lời nói vần - klei duê), để vận dụng cho phù hợp với các hoàn cảnh, các nhân vật trong tác phẩm, biết cách “diễn” bằng động tác, bằng nét mặt như diễn viên trên sân khấu.

Theo nghệ nhân Y Thiêm, người dân tộc Ê Đê ở buôn Tul, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, để diễn xướng được sử thi, ngoài năng khiếu bẩm sinh, nghệ nhân còn được tiếp nhận theo kiểu cha truyền, con nối hoặc trong một gia đình có ông, bà là những người biết diễn xướng sử thi. Ngoài ra, họ còn có ý thức học hỏi những sử thi khác từ những nghệ nhân giỏi trong buôn, trong vùng. 

Trong quá trình diễn xướng, các nghệ nhân có thể sáng tạo thêm những đoạn, những chương cho phù hợp với dân tộc mình, địa phương mình, nhất là phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng mình. Bởi vậy, những nghệ nhân diễn xướng sử thi giỏi là một nhà tri thức, một nhà văn hóa, một nghệ sỹ đáng trân trọng.

Ngôn ngữ diễn xướng của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Về phần lời, sử thi Ê đê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Trong khi diễn xướng người nghệ nhân còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ay ray, kưưt, mmuin… để tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu chữ như một móc xích nối các câu vần với nhau. Chính đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến nghệ nhân có thể thuộc được cả những tác phẩm dài hàng vạn câu.

Khi nghe hát sử thi, người nghe thường ngồi theo trật tự sau: Đàn ông (ông già, trung niên) ngồi trên ghế kpan, nam thanh niên, trẻ nhỏ ngồi xung quanh người kể; còn đàn bà, con gái ngồi ở phần cuối phía trong của gian khách. Vào những đêm lạnh, bếp lửa ở gian khách được đốt lên cho ấm cúng. Nghệ nhân hát kể sử thi nào thường là do nhu cầu của người nghe. Khi nghe khan, người nghe có thể tự do ngắt lời người hát kể để nhờ giải thích những chỗ khó hiểu.

Nghệ nhân Y Thiêm, chia sẻ: “Sử thi thường được diễn xướng trước đám đông. Càng nhiều người nghe, xem thì nghệ nhân càng có thêm sự hứng khởi. Thông thường sử thi được hát kể tại các địa điểm như trong chòi, ở trên rẫy, lễ bỏ mả và trong gian khách của ngôi nhà dài. Khi hát kể, nghệ nhân thường nằm, một tay gác lên trán, mắt như vô giác hoặc nhắm lại để tập trung trí nhớ nhằm thể hiện bài sử thi sao cho đầy đủ và sinh động nhất”.

Nghệ nhân Y Wang Hwing: “Giờ còn rất ít người biết hát kể sử thi”
Nghệ nhân Y Wang Hwing: “Giờ còn rất ít người biết hát kể sử thi”

Nan giải bài toán bảo tồn

Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác, sử thì của người Ê Đê đang đối diện với nguy cơ mai một khi môi trường diễn xướng mất dần, nghệ nhân hát kể ngày càng vắng bóng.

Những mùa rẫy gần đây, số đêm hát kể sử thi Ê Đê của nghệ nhân Y Wang Hwing, người dân tộc Ê Đê ở buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các lễ hội, lễ cúng trong buôn làng ngày càng ít đi, người làm cà phê bận rộn hơn trước, lớp trẻ chỉ thích các phương tiện nghe nhìn hiện đại… Đó là lý do khiến những dịp hát kể sử thi hiếm hoi của ông không còn nhiều người nghe.

Theo ông Y Wang Hwing, ngày trước hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân hát kể (gọi là pô khan), có buôn 2-3 người. Những người thuộc nhiều sử thi được cộng đồng hết sức tôn trọng, mến mộ. Vào những dịp lễ hội, lễ cúng của buôn làng, hoặc tang ma, hầu hết đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em đều có thể tụ họp tại nhà dài để nghe pô khan diễn xướng. 

Người thế hệ sau nghe lời kể khan của người lớp trước, sau đó tự nhớ, tự trau dồi kỹ năng của mình để có thể kể lại cho người khác. Chỉ những người có năng khiếu, có trí nhớ tốt mới có thể nhớ trọn vẹn một hoặc vài bộ sử thi đồ sộ như Đam San, Đam Di, Khinh Jú..., mỗi bộ dài đến vài chục ngàn câu.

“Nghe kể sử thi bây giờ chủ yếu là những người già, nhưng cũng ít dần vì họ lần lượt về với tổ tiên ông bà, tụi trẻ thì thích nghe nhạc trên điện thoại, chơi game máy tính. Hiếm người ở các buôn làng có thể ngồi nghe sử thi thâu đêm suốt sáng như trước kia nên mình không còn nhiều cảm hứng hát kể”, Y Wang Hwing trầm ngâm nói.

Lễ mời rượu và diễn tấu cồng chiêng trước khi hát kể sử thi
Lễ mời rượu và diễn tấu cồng chiêng trước khi hát kể sử thi

Ngoài ra, không gian trình diễn sử thi đã không còn như trước. Nhà dài của đồng bào đã được thay dần bằng nhà kiên cố bê tông cốt thép; chòi rẫy không còn vì phương thức canh tác đã thay đổi chuyển từ lúa rẫy sang trồng cây cà phê, cao su, hồ tiêu... Các nghi lễ, lễ hội như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ rước kpan, lễ mừng nhà mới… được đồng bào tổ chức đơn giản, thậm chí không làm, nên mất đi tính thiêng, tính hội của chúng.

Bên cạnh đó, những nghệ nhân biết kể Khan giờ còn lại không nhiều và phần lớn đã cao tuổi, trong khi đó đội ngũ kế cận lại quá ít. Ước tính trên toàn tỉnh Đắk Lắk, nơi tập trung đông đảo đồng bào Ê Đê sinh sống, thì số nghệ nhân biết hát kể sử thi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều nghệ nhân do cao tuổi nên không còn đủ sức khỏe để truyền dạy liên tục cho thế hệ trẻ. 

Người hát kể đã vậy, người nghe cũng không còn nhu cầu nhiều như trước đây. Thế nên các cuộc sinh hoạt văn hóa kể sử thi ởcác buôn làng cũng dần thưa vắng. Lớp trẻ hiện nay chưa thực sự yêu thích hay nói đúng hơn là họ không mấy quan tâm đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chỉ thích nhạc trẻ và các phương tiện truyền thông hiện đại khác như internet, phim, ảnh,…

Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Khan (Sử thi) của người Ê đê là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một niềm vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn và phát huy di sản này. 

Hiện nay, các cơ quan, ban ngành văn hóa ở Tây Nguyên, nhất là tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ sau bằng việc đưa sử thi vào giảng dạy ở các trường dân tộc nội trú, lập các Câu lạc bộ hát kể sử thi ở các buôn làng... Với những cố gắng đó, hy vọng rằng loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Tây Nguyên sẽ không bị mai một.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO