Văn hóa

Hát canh Quan họ, hẹn đến mùa hội sau…

Minh Hường 05/03/2024 - 07:42

Những ngày đầu xuân, Bắc Ninh rộn ràng lễ hội khắp các làng trên, xóm dưới, chúng tôi tìm về làng Quan họ Lũng Giang (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) thưởng thức nghệ thuật hát canh Quan họ, để thấy được sự đắm say của các nghệ nhân, liền anh, liền chị nơi đây khi chơi Quan họ thì “Ca cho tàn canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày”.

398-202403042208131.jpg
Hát canh Quan họ tại tư gia liền anh Nguyễn Hữu Biển, CLB Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (Tiên Du).

Hát canh Quan họ truyền thống là hình thức diễn xướng độc đáo nhất của sinh hoạt văn hóa Quan họ, hội tụ những giá trị tinh túy của “Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”. Đêm 12 tháng Giêng, làng Lũng Giang có 4 điểm hát ở gia đình nghệ nhân, trong đó có nhà liền anh Nguyễn Hữu Biển. Với kinh nghiệm hơn 20 năm tổ chức hát canh Quan họ, ngay từ đầu giờ tối, gia đình anh đã đón tiếp nhiều du khách đến thưởng thức. Theo truyền thống, hát canh vào ban đêm tổ chức từ 19h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau chia làm các canh: Canh Một, canh Hai, canh Ba, canh Tư, canh Năm. Một canh hát diễn ra trong khoảng 2 tiếng, thường có 3-5 cặp nam và nữ ngồi hát đối đáp nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm của mình cho bạn hát. Các cặp hát ngồi đối diện nhau để ca như vậy mới hát được cùng một hơi, cùng lên, cùng xuống, cùng ngân, nghỉ, ngắt, buông câu, nhả chữ khiến người nghe như thấy chỉ một giọng. Hát canh tưởng chừng như một cuộc đua tài đua sức giữa các cặp liền anh, liền chị nhưng thực chất lại là nơi thể hiện tình cảm con người gắn bó thiết tha, mặn nồng qua từng lời ca.

Theo trình tự canh hát, mở đầu Quan họ chủ nhà cặp liền anh Nguyễn Hữu Biển, Nguyễn Văn Thảo ca câu mời nước: “Khách đến í đến chơi hự hừ nhà là chơi hự hừ nhà/Đốt than ớ ơ dậu mà quạt í nước mấy pha trà mời người xơi i là chén có a trà này…”. Tiếp đến Quan họ bạn liền chị là nghệ nhân Ưu tú Quan họ Vũ Thị Dự, khu Niềm Xá, phường Kinh Bắc và nghệ nhân Quan họ Nguyễn Thị Ly, khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh) cùng ca câu mời trầu đáp lại: “Nghỉ tay í ơ em nâng cái cơi có đựng í a trầu/Mắt í em nhìn, nhìn em liếc, liếc em trông cái cơi có đựng í a trầu…”. Sau khi ca câu mời nước, mời trầu, hát canh Quan họ bắt đầu vào các chặng: Lề lối, giọng vặt giọng lẻ, giọng giã bạn. Ở chặng thứ nhất hát giọng lề lối: Hừ la, la rằng, kim lan, tình tang, cây gạo, gió mát giăng thanh, cái hời cái ả… giọng này được coi là khó nhất của hát canh Quan họ, bởi đều là những câu cổ khó hát, phải ca thật chậm, nhả cho hết âm mới ra đúng chất “vang, rền, nền, nảy” của Quan họ cổ.

Hát canh tại nhà anh Hai Biển đa phần là các cặp hát gạo cội có nhiều vốn liếng, nên canh hát ca đủ lối, đủ câu, càng về khuya, giọng ca càng trầm bổng, thiết tha, không gian yên lặng, du khách chăm chú lắng nghe các cặp hát. Khi cặp liền chị Vũ Thị Dự, Nguyễn Thị Ly cất lên câu: “Hôm nay tứ hải giao tình/Tuy rằng bốn bể như sinh một nhà/Hôm nay họp mặt giao hòa/Nguyện xin Nguyệt lão giăng già xe duyên”... Ngay khi hát hết câu, cặp liền anh Lũng Giang liền ca đối lại câu: “Mong người như cá mong mưa/Mong người như bữa cơm trưa đói lòng/Mong người ba bảy tháng ròng/Hôm nay người lại có lòng sang chơi/Thật là quý vậy người ơi...”. Cứ như vậy, canh hát ngày càng da diết, mặn nồng.

398-202403042208132.jpg
Cặp liền chị trong đêm hát canh.

‎Là du khách đến từ Hà Nội để thưởng thức hát canh Quan họ, bà Lưu Linh Tâm, 70 tuổi cho biết: Quê ngoại của tôi ở Hòa Đình (thành phố Bắc Ninh), vì vậy năm nào tôi cũng về dự hội Lim rồi nghe hát canh. Những làn điệu Quan họ cổ với ca từ mộc mạc, giản dị khiến tôi như được trở về quê ngoại thân yêu thuở thơ bé, tình yêu quê hương lại trỗi dậy da diết.

Sau chặng lề lối, đến chặng giữa là hát những bài giọng vặt, người ca không phải tuân theo trình tự bắt buộc như chặng đầu nên các cặp đôi liền anh, liền chị càng ca càng say, càng về khuya giọng càng da diết, kể về nỗi nhớ, niềm thương về tình bạn, tình người khiến canh hát đẩy tới cao trào của tình cảm giữa con người với con người trong cuộc sống. Chặng cuối, Quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, Quan họ chủ hát đối những lời ca giữ khách. Cả 2 bên cùng trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, khôn nguôi: “Nhạn nam chắp cánh bay xuôi/Trăm thương ngàn nhớ cho lòng em đau/Ai làm cho chim lìa tổ, cho tằm xa tơ, cho bướm lìa hoa… trăm thương ngàn nhớ/Bao giờ cho nguôi”…

398-202403042208133.jpg
Trầu têm cánh phượng là nét văn hóa không thể thiếu trong buổi hát canh.

‎Liền anh Nguyễn Hữu Biển, chủ nhà tổ chức hát canh Quan họ chia sẻ: Mấy chục năm nay, đều đặn đêm 12 tháng Giêng, gia đình tôi tổ chức hát canh đón bạn Quan họ về dự hội Lim rồi ca đôi ba câu cho thỏa nỗi lòng. Cuộc hát canh năm nay bắt đầu từ 19h30 đến 3h sáng hôm sau mới tàn canh, liền anh, liền chị chia tay nhau ra về trong sự bịn rịn, nhớ nhung.

Trong mưa xuân giăng mắc, càng về khuya tiếng hát canh Quan họ vang vọng tại tư gia của các liền anh, liền chị thôn Lũng Giang khiến du khách càng thêm lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn ra về để rồi câu Quan họ cứ vang mãi, hẹn đến mùa hội sau.

Theo http://www.baobacninh.com.vn
coplink
Copy Link
coplink
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO