Trong những năm gần đây, ngành du lịch của Hà Giang đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, bên cạnh các chính sách đầu tư và thu hút đầu tư, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách phát triển các sản phẩm OCOP đặc thù phục vụ cho công tác du lịch. Bên cạnh đó, ngành Du lịch của tỉnh cũng góp phần phát triển bền vững các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương.
Trên địa bàn Hà Giang các sản phẩm OCOP là những món quà hấp dẫn đối với du khách và người tiêu dùng như Mật ong Bạc hà trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, cá chép ruộng Hoàng Su Phì, chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ, gạo tẻ Già Dui và Mận Hậu huyện Xín Mần, gạo nếp Râu huyện Yên Minh, gà xương đen và rượu ngô men lá Thanh Vân huyện Quản Bạ, thịt bò khô trên cao nguyên đá Đồng Văn, dê núi đá vùng cao, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, rượu đặc sản được làm từ hạt Tam giác mạch.....
Tính đến thời điểm tháng 8. 2023, Hà Giang đã có 34 sản phẩm OCOP đặc thù được cấp chứng nhận Chỉ đẫn địa lý, đó là: Cam sành Hà Giang, chè Shan tuyết và chè Shan tuyết cổ thụ tại các huyện vùng cao, Mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, Hồng không hạt Na Khê huyện Yên Minh, Gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, bò vàng tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn...
Trong những năm qua, các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang đã được du khách trong và ngoài nước đón nhận và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Nhờ đó, trong các mùa lễ hội đã tạo điều kiện cho các địa phương trong tỉnh của Hà Giang quảng bá và tiêu thụ được phần lớn các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh.
Điều đó đã giúp cho các địa phương của Hà Giang mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng của các sản phẩm OCOP nói chung và các sản phẩm OCOP đặc thù nói riêng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp người dân Hà Giang nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Vàng Sửa Chúa, dân tộc Mông, một hộ nuôi ong mật bạc hà tại xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc cho biết: "Trong những năm qua, nhờ có chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh nên sản phẩm mật ong bạc hà của bà con nông dân chúng tôi được khách du lịch trong nước và khách nước ngoài tiêu thụ mạnh. Nhờ đó đã giúp người nuôi ong mở rộng qui mô để nâng cao thu nhập".
Trong những năm qua, các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang đều phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng được thị trường và du khách đón nhận, bước đầu tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang cũng chỉ mới phát triển với số lượng còn hạn chế, chưa có sự kết nối giữa các tour du lịch với các vùng sản xuất....
Vì vậy, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc thù phục vụ cho công tác du lịch, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP đặc thù như đầu tư khoa học kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX mở rộng qui mô sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng đề ra chủ trương mở rộng hình thức phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, gắn các tour du lịch với việc tham quan của khách du lịch đối với các làng nghề truyền thống và các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh. Điều đó, ngoài tạo nên sự hấp dẫn thu hút đối với khách du lịch còn là nền tảng để giúp các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, các sản phẩm OCOP đặc thù đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng góp phần phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa. Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phục vụ cho du lịch thì các sản phẩm OCOP phải đảm bảo an toàn, có thương hiệu và nhãn mác.
Bên cạnh đó, cần gắn việc phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề với công tác đào tạo của các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, các huyện thành phố cũng cần xây dựng kế hoạch nhằm phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương mình nhằm phục vụ cho công tác du lịch...