Mô hình chăn nuôi đã mở ra cơ hội để bà con ở xã miền núi La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thuận lợi phát triển trồng trọt chăn nuôi
La Hiên là một xã miền núi, nằm ở phía Tây của huyện Võ Nhai, xã có tổng số hộ là 2242hộ, 8625 khẩu. Số hộ nghèo là 84 hộ chiếm 3,74%, hộ cận nghèo là 50 hộ chiếm 2,23%.Toàn xã chia làm 16 xóm và có 8 dân tộc cùng sinh sống. Năm 2022 xã La Hiên đạt chuẩn Quốc gia về nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 48,61 triệu đồng/người/năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định và giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện và nâng cao.
Địa hình xã La Hiên đa phần là đồi núi thấp xen kẽ là những cánh đồng cùng với hệ thống kênh mương cơ bản được xây dựng hoàn thiện thuận tiện cho việc cung cấp nguồn nước tưới cho các cánh đồng, cùng với điều kiện khí hậu phân chia làm 4 mùa rõ rệt,nguồn lao động trong độ tuổi lao động của xã tương đối dồi dào, người dân có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sinh sản, xã có quỹ đất rộng, khí hậu mát mẻ đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Trong những năm qua, để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xã La Hiên đã triển khai các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, hỗ trợ các loại vaccine tiêm phòng khi dịch bệnh xảy ra…
Tại xóm Hiên Minh, xã La Hiên, thông qua việc triển khai, xây dựng các mô hình chăn nuôi, đã từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo.
Anh Phạm Huy Cường (SN: 1985) xóm Hiên Minh, xã La Hiên cho biết: Gia đình tôi đang chăn nuôi gà và lợn trên quy mô 1,5ha, với diện tích 2 chuồng gà số lượng 1,5 vạn con và 2 chuồng lợn 400 con.
Theo anh Cường, trong khi những trang trại chăn thả gà thông thường phải chịu nhiều tác động từ môi trường bên ngoài thì với mô hình nuôi gà khép kín, bà con hoàn toàn chủ động tạo ra điều kiện lý tưởng cho gà phát triển tốt nhất. Mô hình này có chuồng trại kín gió, có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… giúp gà có sức đề kháng cao, tránh được các yếu tố bất lợi từ ngoại cảnh ảnh hưởng đến sức khỏe của gà.
Một trang trại nuôi gà khép kín luôn trang bị đầy đủ hệ thống kiểm soát nhiệt, cho bạn tuỳ chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng loại gà. Dù mùa đông hay mùa hè, nhiệt độ trong trại gà luôn lý tưởng, giúp gà phát triển tốt nhất.
Trong mô hình trang trại nuôi gà khép kín, toàn bộ chất thải của gà được thu gom sạch và xử lý tập trung theo quy trình chuẩn. Lượng chất thải này là nguyên liệu để làm phân hữu cơ – nguồn dinh dưỡng đặc biệt cho cây trồng.
Bên cạnh đó, quá trình ủ – xử lý chất thải của gà trong hầm biogas sẽ tạo khí gas làm nhiên liệu đốt. Điều đặc biệt là nhiều chủ trang trại gà đã áp dụng thành công mô hình biến khí gas thành nguồn điện phục vụ cho việc chăn nuôi và vận hành hệ thống tự động trong trại gà.
Mô hình trang trại khép kín tạo ra lợi ích cộng hưởng
Nhờ vậy, việc xử lý chất thải theo mô hình trang trại nuôi gà khép kín không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế cộng hưởng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, mô hình trang trại nuôi gà khép kín đã tích hợp nhiều hệ thống dây chuyền tự động như máng ăn tự động, hệ thống đường uống tự động và thu gom trứng tự động. Những công nghệ này đem đến nhiều tiện lợi.
Còn đối với chăn nuôi lợn, việc kiểm soát chất lượng con giống, nhất là an toàn dịch bệnh được coi trọng, số lượng con giống, địa chỉ nhập ở đâu lợn giống được tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, người chăn nuôi ra-vào trang trại được khử trùng đầy đủ, tránh lây lan dịch bệnh từ bên ngoài về trang trại, hệ thống xử lý chất thải được xử lý không gây ô nhiễm môi trường.
Theo anh Cường, nhờ chăn nuôi đảm bảo theo đúng quy trình nên trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi từ 600 – 700 triệu đồng/ năm.
Ngoài ra, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Cường không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn giúp giải quyết lao động cho địa phương.
Anh Ngân Bá Đặng, công nhân làm trong trang trại chăn nuôi của anh Cường cho biết: Hàng ngày tôi làm công việc như vệ sinh chuồng trại, khởi động hệ thống cho gà ăn tự động, ngoài ra khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra tôi sẽ báo lại cho chủ trang trại biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Như vậy, thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong chăn nuôi đã giúp người dân đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Nhờ đó từng bước xoá đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.