Đời sống xã hội

Giữ lửa đam mê nghề truyền thống

Lê Thanh Cường 14/12/2023 - 17:32

Với tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích, những người cao tuổi tại các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lào Cai vẫn miệt mài đôi tay chẻ từng sợi nan, chuốt từng cọng rơm sau mỗi mùa vụ để vừa tiếp nối nghề cha ông để lại, vừa mang sứ mệnh trao truyền lại cho thế hệ mai sau.

Chúng tôi đến Nậm Rịa - bản định cư của đồng bào Dao tuyển ở xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên vào một ngày cuối tuần, khi bà Trương Thị Gạo, ngoài 75 tuổi, đang hướng dẫn con gái và con dâu bện ghế rơm. Vừa thoăn thoắt bện từng bó rơm nhỏ thành hình một cách khéo léo, bà Gạo vừa giảng giải cho các con làm chiếc ghế vừa đẹp, vừa bền.

Bà Trương Thị Gạo chia sẻ: Rơm để làm ghế phải là rơm cây lúa nương và phải lên nương tuốt bằng tay để có những sợi rơm dài và đủ độ dai khi bện; ghế rơm dùng lâu cũng sẽ bền hơn. Nếu dùng máy tuốt lúa sẽ gãy rơm và không thể bện ghế được...

Không chỉ có bện ghế rơm, bà Gạo là người đan lát có tiếng ở vùng này. Bà Gạo vẫn thường xuyên đan gùi cho bà con trong vùng mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch nông sản.

28595701amt9.jpg
Bà Trương Thị Gạo vẫn cần mẫn giữ nghề truyền thống của dân tộc Dao tuyển.

Bà Gạo học đan từ bố của mình khi còn tấm bé. Vì yêu thích đan lát nên nghề này đã theo bà lớn lên cho đến tận bây giờ, khi đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Bà Gạo kể, ngày bé, hằng ngày, nhìn bố làm, bà cứ thế học lỏm và ghi nhớ trong đầu cách vót nan, cách đan bện gùi. Thế rồi, lớn lên, bà tự tay đan gùi, qua những năm tháng miệt mài, đôi tay giờ đã nhiều nếp nhăn theo tuổi tác nhưng bà vẫn cần mẫn với nghề.

Những nan tre mai đan gùi thường cứng và sắc, không ít lần uốn nan đan gùi, tay bà bật máu, đau cả tuần liền, tiền công mỗi chiếc gùi lại không đáng là bao.

Thế nhưng vì đam mê, tay khỏi đau, bà lại tìm đến những nan tre mai để đan, để uốn. Trung bình mỗi ngày, bà đan xong một chiếc gùi, nếu làm tích cực thì 2 ngày bà cũng đan xong 3 chiếc gùi.
Không chỉ có đan chiếc gùi truyền thống, bà Gạo còn đan những chiếc gùi có kích thước nhỏ để mọi người dùng đựng các đồ vật trong nhà, dùng để trang trí, cắm hoa...

Cũng là người khéo tay lại đam mê nghề truyền thống, bà Vàng Thị Quyên ở xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, dù đã 86 tuổi, nhưng đôi tay vẫn dẻo dai, đôi mắt vẫn tinh tường. Hằng ngày, bà vẫn cần mẫn ngồi bện ghế rơm và chiếc chiếu rơm, vừa để dùng trong gia đình, vừa để bán cho khách đặt.
Gần đây, Bản Liền trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng ở Bắc Hà thì việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch cũng được cộng đồng Tày nơi đây chú trọng, phát huy.

Nhiều du khách tới Bản Liền đã biết đến sản phẩm ghế rơm, đệm rơm do những phụ nữ dân tộc Tày ở đây làm ra. Các sản phẩm truyền thống này còn có thể ứng dụng để trang trí không gian sống trong đời sống hiện đại, đã thôi thúc bà con người Tày ở đây khôi phục, bảo tồn và duy trì nghề truyền thống. Ngoài bện ghế rơm, bà Quyên còn đan nón lá cọ, may túi vải - đây là các sản phẩm truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

Ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, bà Quyên vẫn cần mẫn bện ghế rơm cho khách đặt. Một số nơi có nhu cầu trang trí không gian nhà ở thiết kế không gian check-in tại điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh, ở các tỉnh lân cận đã đặt bà Quyên đan chiếu rơm, ghế rơm. Mỗi chiếc chiếu có kích thước dài 2m, rộng 1,6m, dày 5cm..., bà Quyên cũng phải mất cả tuần mới bện xong.
Để bện được chiếu rơm, bà Quyên phải sử dụng kỹ thuật truyền thống của người Tày, dùng những viên đá treo thăng bằng để bện rơm cho đến khi thành phẩm, công đoạn này đòi hỏi phải biết làm và khéo tay mới làm được. Quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu để đan, bởi nếu không lựa kỹ thì không có sợi rơm đẹp, vừa khó đan, vừa không bền.
Dù rất nhiều khách đặt, bà Quyên cũng không làm kịp, nhưng khi có nguyên liệu đạt chất lượng, bà mới nhận làm cho khách, chứ không chạy theo số lượng.

Bà Vàng Thị Quyên tâm sự: “Giờ đây cũng ít người thích làm và biết làm nghề truyền thống, nhất là lớp trẻ bây giờ, thế nên tôi làm để giữ nghề cha ông, cũng là để giáo dục cho con cháu trong gia đình, dòng họ biết về nghề truyền thống. Mong rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện để đồng bào Tày ở Bản Liền phát huy gìn giữ các nghề truyền thống”.

Năm nay 76 tuổi, nhưng bà Vàng Thị Mão, dân tộc Mông xanh – một trong những dân tộc rất ít người ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn vẫn duy trì nghề dệt vải, may trang phục và thêu thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông. Bởi theo phong tục của đồng bào nơi đây, khi con gái về nhà chồng đều phải làm sẵn chăn, quần áo và đồ dùng để mang theo trong ngày cưới. Phong tục đó vẫn duy trì cho đến ngày nay. Mặc dù không ít gia đình dùng đồ mua sẵn từ vải dệt công nghiệp, nhưng hầu hết bà con vùng cao nơi đây vẫn duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Cũng vì trăn trở điều này nên bà Vàng Thị Mão vẫn hằng ngày cần mẫn duy trì nghề truyền thống, một phần vì yêu thích, một phần lo lắng thế hệ sau này ít biết về văn hóa dân tộc...

Không chỉ có vậy, bà Vàng Thị Mão còn tham gia truyền dạy may thêu thổ cẩm, trang phục truyền thống của dân tộc Mông tại các buổi tập huấn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Xé tổ chức cho hội viên tại địa phương.
Bà Mão cho biết: “Mặc dù không còn nhanh nhẹn như ngày trước, nhưng tôi vẫn mong muốn duy trì nghề truyền thống để con cháu trong gia đình, bà con trong bản biết và cùng gìn giữ. Theo nghề này khá vất vả, nhưng mình không nhen nhóm ý thức bảo tồn và lan tỏa thì ngọn lửa văn hóa sẽ tắt nay mai...”.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại với những thiết bị thông minh đã dần choán chỗ của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ dùng truyền thống... Tuy nhiên, ở những bản làng đồng bào thiểu số tại Lào Cai, vẫn có không ít người đam mê bảo tồn và giữ lửa nghề truyền thống như bà Gạo, bà Quyên, bà Mão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO