Nhiều bạn trẻ là người dân tộc Hrê, ở huyện Ba Tơ không ngừng học hỏi, tìm hiểu văn hóa dân tộc mình. Từ đó, họ nỗ lực giữ gìn, đưa nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê đến với mọi người.
Nhắc đến văn hóa của đồng bào Hrê là nhắc đến các loại nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, đàn Brook, đàn ống Vin vút, Ta lía, khèn Ra ngói... cùng các làn điệu hát múa Ta lêu, Ca choi... Những năm gần đây, việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc được nhiều chàng trai, cô gái Hrê chung tay.
Trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Đội văn nghệ cồng chiêng xã Ba Thành, gồm 14 người, đã biểu diễn nhiều tiết mục hát múa, diễn tấu chiêng ba phục vụ hàng nghìn du khách đến tham quan tại Khu du lịch sinh thái Suối Chí (Nghĩa Hành). Tại đây, du khách được các nghệ nhân hướng dẫn, trải nghiệm kỹ thuật đánh chiêng ba, cùng tham gia vui chơi múa hát dân ca của đồng bào Hrê. Trong đó, gây ấn tượng với nhiều du khách là sự tham gia biểu diễn của những cô gái ở độ tuổi 14 - 15, nhưng đã thành thục những điệu hát múa Ta lêu, Ca choi mượt mà, sâu lắng.
“Em sinh ra và lớn lên ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành. Từ những kiến thức được học ở nhà trường và các nghệ nhân trong làng, em tham gia đội văn nghệ với các bạn có cùng đam mê hát múa những làn điệu dân ca của đồng bào Hrê”, em Phạm Thị Thanh Nga (15 tuổi), một trong những bạn trẻ tham gia biểu diễn, chia sẻ.
Thời gian qua, Nga cùng các bạn thường tham gia biểu diễn ở các hội thi, liên hoan và phục vụ du khách tại các điểm du lịch trong tỉnh.
Bằng tình yêu và lòng say mê với chiêng ba của dân tộc mình, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây đã cùng với các bạn trẻ trong Đội văn nghệ cồng chiêng xã Ba Thành góp sức trẻ vào việc giới thiệu, truyền bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trên truyền hình, qua Internet, mạng xã hội, du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch, tham quan tại huyện Ba Tơ.
Ông Sây cho biết, việc tham gia biểu diễn tại các điểm du lịch trong tỉnh là một trong những cách để có thể giới thiệu đến công chúng, du khách giá trị độc đáo di sản văn hóa của đồng bào Hrê. Từ đó quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, văn hóa của Quảng Ngãi nói chung và huyện Ba Tơ nói riêng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ, hầu hết các xã đều có đội cồng chiêng. Trong Đội văn nghệ cồng chiêng xã Ba Thành, các thành viên phần lớn đều ở độ tuổi còn rất trẻ, nhưng dưới sự dẫn dắt, truyền dạy của thế hệ cha ông, họ đã cùng nhau góp sức để lan tỏa các giá trị của văn hóa dân tộc mình.
“Các bạn trẻ trong làng thường xuyên tập luyện tại Nhà văn hóa thôn Làng Teng. Thỉnh thoảng có những đoàn khách du lịch, bà con lại tham gia biểu diễn, du khách có hỏi gì, bà con trả lời nấy. Đây là cơ hội để bà con giới thiệu nét đặc trưng về đời sống văn hóa cũng như phong tục tập quán của dân tộc mình”, Trưởng đội văn nghệ cồng chiêng xã Ba Thành Phạm Thị Sanh chia sẻ.
Theo chị Sanh, không ai hiểu được đặc trưng văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, nhiều người con của đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ đã và đang ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình.
Cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các huyện miền núi trong tỉnh còn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hy vọng, những trợ lực từ các chính sách này sẽ giúp du lịch miền núi Quảng Ngãi có cơ hội “chuyển mình” vươn lên trong thời gian tới. |