Văn hóa

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch ở huyện Bình Liêu

Thúy Hạnh 18/10/2023 - 10:14

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có tỷ lệ dân tộc thiểu số trên 96% cao nhất tỉnh và trong nhóm cao của cả nước. Huyện có trên 3 vạn dân, với 3 dân tộc thiểu số chính là dân tộc Tày, Dao (gồm hai nhánh Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y) và dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay). Qua thời gian hình thành, xây dựng và phát triển, cộng đồng các dân tộc trong huyện luôn ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, triển khai Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 24/5/2013 của Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”, huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”.

18-10-binh-lieu-quang-ninh.png
Hoa Sở Bình Liêu

Huyện đã khôi phục, duy trì và phát triển các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội “Đình Lục Nà” của dân tộc Tày; Hội “Hát Tháng Ba” hay còn gọi là Hội “Sóong Cọ” của dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay); ngày hội “Kiêng gió” của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. Đặc biệt từ năm 2015, huyện đã tổ chức Hội “Hoa Sở” để xây dựng hình ảnh du lịch Bình Liêu gắn với một loại hoa đẹp chỉ nở vào mùa đông trên mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc, là dịp để giới thiệu với du khách gần xa về những nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Các lễ, hội được tổ chức đúng quy định, diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tạo được sức lan tỏa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, đời sống tín ngưỡng của người dân, thu hút được du khách tham gia.

Cùng với đó, việc bảo tồn, giữ gìn các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc cũng được coi trọng, dân tộc Sán Chỉ (Sán Chay) với làn điệu Soóng Cọ; dân tộc Dao với làn điệu Pả Dung; dân tộc Tày với hát Then, đàn Tính, nghi thức diễn xướng Then cổ của dân tộc Tày huyện Bình Liêu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đại diện cho dân tộc Tày ở Quảng Ninh.

Cuối năm 2019, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để có được kết quả trên, huyện Bình Liêu luôn tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc hàng ngày, khi tham dự các lễ hội, các sự kiện lớn.

18-10-binh-lieu-quang-ninh.jpg
Lễ hội hoa Sở Bình Liêu là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ trương kích cầu du lịch của tỉnh Quảng Ninh

Việc khôi phục và duy trì mặc trang phục dân tộc đã làm lan tỏa ý thức, hành động gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc ở huyện Bình Liêu, gây ấn tượng mạnh mẽ với khách du lịch.

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đồng thời tạo ra những không gian trải nghiệm cho khách du lịch, huyện xây dựng bản văn hóa dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn; bản văn hóa người Sán Chỉ (Sán Chay) tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động; bản văn hóa người dân tộc Dao Thanh Phán tại thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn.

Huyện đã quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối các điểm tuyến du lịch; phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, nhất là những dịch vụ có sự gắn kết giữa người dân địa phương và du khách như dịch vụ homestay với những địa chỉ như Homstay A Dào, Sông Moóc House, Homestay Hoàng Sằn... ; Tăng cường quảng bá, giới thiệu Bình Liêu giàu bản sắc thông qua các chương trình truyền hình trên các kênh VTV, VTC14, VTC16, VTV4, QTV, chương trình “Nụ cười Hạ Long”; các bài viết, phóng sự ảnh ở các báo của Trung ương, địa phương và chuyên trang du lịch uy tín của các doanh nghiệp như Vietravel, hãng hàng không Vietjet Air..., trên các trang mạng xã hội S-Vietnam, Du lịch Quảng Ninh, Du lịch Bình Liêu, DDCI Binh Lieu, Bình Liêu Travel...

Huyện cũng coi trọng việc giới thiệu với khách du lịch về miền đất, con người Bình Liêu gần gũi, thân thiện, mộc mạc, chân tình và hiếu khách. Đặc biệt, để tạo ấn tượng đẹp với du khách, mỗi người dân ở Bình Liêu đều là một hướng dẫn viên du lịch.

18-10-23-huyen-binh-lieu-qn.jpg
Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua trang phục thường ngày

Anh Tằng Vằn Dào, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn cho biết: “Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của vùng đất Bình Liêu và động viên của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã xây dựng homestay A Dào với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá với du khách những nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Bằng các vật liệu mang đậm màu sắc, giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao ở Homestay A Dào, các du khách đều thấy thích thú với những trải nghiệm mới”.

Để khai thác tốt các giá trị bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trở thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc theo hướng bền vững, mục tiêu khai thác tốt các giá trị đó để phục vụ du lịch cộng đồng.

Thời gian tới, chương trình khai mạc “Hội hoa sở” sẽ diễn ra trong tháng 12/2023 tại rừng sở ở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm). Tại thời gian này, chương trình sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn diễn ra như: “Giải đua xe đạp phong trào Hội hoa sở; công bố và trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Về miền hoa sở”, các hoạt động thi đấu giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian; trưng bày sản phẩm OCOP…

Với những giải pháp đồng bộ và cụ thể, huyện Bình Liêu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc. Du lịch thực sự đã có vai trò rất quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở huyện miền núi, biên giới Bình Liêu./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO