Đời sống xã hội

Giữ gìn tiếng nói, chữ viết trong đồng bào DTTS

Khánh Vy 09/11/2023 21:18

Sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay đã giúp các DTTS dần hòa nhập, bắt kịp với thời đại, nhưng lại đứng trước nguy cơ mai một về ngôn ngữ dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS là việc quan trọng, góp phần gìn giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.

Bảo tồn chữ mẹ đẻ

Đã ở tuổi ngoài 80 nhưng cụ Bàn Văn Thân ở xã Vầy Nưa (Đà Bắc, Hòa Bình) vẫn rong ruổi khắp các bản làng người Dao để truyền dạy chữ. Cụ bảo, chữ nôm Dao chính là sợi dây gắn kết cộng đồng, kết nối tâm linh, trong đó chứa đựng những giá trị văn hoá, đạo đức.

Nguyên là cán bộ xã, trăn trở khi chữ của dân tộc Dao ngày càng ít người biết và có nguy cơ mai một, cụ đã nhờ vào sự trợ giúp của các thành viên mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa của tỉnh lập tờ trình chính quyền xã cho dạy phổ biến chữ Nôm Dao cho cán bộ, nhân dân.

Hơn 10 năm qua, cụ đều đặn duy trì mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Dao. Bằng tâm huyết của người thầy cao tuổi, hàng trăm cán bộ và người dân trong xã đã đọc, viết cơ bản và nhận biết được mặt chữ.

obinh2.png
Nhiều người tìm đến nghệ nhân Sầm Văn Bình (Quỳ Hợp, Nghệ An) để nhờ ông chỉ dạy thêm về chữ Thái.

Cũng giống như cụ Thân, chứng kiến chữ Thái đang dần bị mai một, nhiều người dân tộc Thái không biết đọc, biết viết chữ của chính dân tộc mình, nghệ nhân Sầm Văn Bình (bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bắt đầu ấp ủ ước mơ “đánh thức” con chữ Thái.

Ông dành hầu hết thời gian miệt mài biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay, sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái, xuất bản gần một chục đầu sách có giá trị; nghiên cứu thành công 5 phông chữ Thái để cài đặt vào máy vi tính được sử dụng rộng rãi trong các nhóm Thái ở Nghệ An.

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những lớp truyền dạy như thế. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều dân tộc đã quên tiếng nói, chữ viết, gọi chung là tiếng dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các DTTS là việc cấp thiết nhưng cũng đang dứng trước nhiều thách thức lớn.

PGS, TS Tạ Văn Thông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng nhận định: “Xu hướng hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ suy giảm các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, ngôn ngữ không chỉ là một phần của của văn hóa mà còn là phương tiện để thống nhất ý chí và củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc. Không những vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số còn thể hiện vị thế bình đẳng giữa các dân tộc, thể hiện sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam”.

Ông Hoàng Tương Lai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, Yên Bái chia sẻ: “Chúng tôi rất lo lắng, dần dần ngôn ngữ tiếng Tày cho đến các làn điệu hát, tiếng nói các con trẻ bây giờ rất ít nói, chủ yếu là người cao tuổi, các nghệ nhân”.

dtts01-094429.jpg
Người có uy tín, già làng, trưởng bản, nghệ nhân là những người rất tích cực trong việc truyền dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ.

Hiện nay, số người nói được các ngôn ngữ DTTS hiện nay chủ yếu thuộc lứa tuổi già và trung niên, số thanh niên ít hơn, và số trẻ em ít hơn nữa, thậm chí nhiều trẻ em không biết (chuyển sang nói ngôn ngữ khác) hoặc nói ngôn ngữ khác nhiều hơn, thạo hơn so với tiếng mẹ đẻ của mình… Ngôn ngữ các DTTS có xu hướng sử dụng giảm dần ở các thế hệ.

Không chỉ chữ viết, hiện nay, nhiều dân tộc cũng không còn nói tiếng của đồng bào dân tộc mình. Đơn cử, người Bố Y có 2 nhóm địa phương là Tu Dí (Lào Cai) và Bố Y (Hà Giang). Hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày.

Hay như người Phù Lá, có 2 ngành là Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ, nhưng người Pu Là đã không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa.

Một số dân tộc thiểu số như Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70 - 80% là tiếng Thái. Dân tộc Ơ Đu, cư trú đông nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày…

Đa dạng các giải pháp

Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em, trong đó nhiều dân tộc thiểu số có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Chăm, Mnông... Việc bảo vệ sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ các dân tộc hiện đang trở thành vấn đề cần quan tâm.

Cùng với định hướng, chủ trương phát triển văn hoá dân tộc, những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, trong đó có bảo tồn tiếng nói, chữ viết...

chu-nom-dao-6e123bd6895b.jpg
Việc học chữ “mẹ đẻ" còn giúp các em hiểu hơn về phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Một trong những giải pháp được thực hiện khá hiệu quả hiện nay là tổ chức học song đồng ngôn ngữ Kinh và ngôn ngữ dân tộc ít người.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tại cả nước có 6 tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức dạy học chính thức trong trường học tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Tiếng Mông, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm và Khmer. Hằng năm, có khoảng 600 trường học với 4.500 lớp học và hơn 110.000 học sinh được học tiếng dân tộc thiểu số.

Đơn cử, tại tỉnh Bình Thuận, mỗi năm có khoảng từ 3-4 nghìn học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỷ lệ 90% học sinh dân tộc Chăm toàn tỉnh... Tỉnh Sóc Trăng, tỉ lệ người dân tộc Khmer chiếm khoảng 31% dân số, thời gian qua đã có 159 trường tổ chức dạy tiếng Khmer, tỉ lệ học sinh dân tộc học chữ Khmer chiếm 30,93%; có trên 80% giáo viên dạy tiếng Khmer đạt chuẩn quy định.

Bên cạnh dạy tiếng dân tộc, việc khuyến khích, động viên các nghệ nhân, nghệ sĩ sáng tác thơ, văn, nhạc bằng tiếng dân tộc cũng là một trong những phương thức bảo tồn tốt nhất.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có những cách thức bảo tồn hiệu quả di sản tiếng nói, chữ viết. Tỉnh Khánh Hòa mở lớp học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Raglai cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh Phú Thọ bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian… Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đầu tư công trình nghiên cứu biên soạn bộ chữ viết tiếng Bhnong; huyện Nam Trà My sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn sách dạy và học tiếng dân tộc Cadong để đưa vào giảng dạy tại các trường học. Tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách chữ Chăm, tiến hành giao nhận Thư tịch cổ Chăm và được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh tu bổ, bồi nền, số hóa…

Ngoài ra, nhiều địa phương đã khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách theo tiếng dân tộc như: Khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ; biên soạn, xuất bản sách bằng tiếng dân tộc; Lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: "Chữ Nôm của người Dao", "Chữ Nôm của người Tày", "Chữ viết cổ của người Thái", "Nói lý, hát lý của người Cơ Tu" đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

157263a3-1698629327462-16986293279641138393891.jpg
Để bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các DTTS, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện.

Và hiện nay, đã có 27/53 DTTS có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình, chẳng hạn như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, H'mông, Gia-rai, Ê- đê, Ba-na, Xơ-đăng, Chăm, Cơ-ho, Mnông...

Một số ngôn ngữ được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương như Khmer, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Chăm, H'mông, Thái, Xơ-đăng, Tày, Hà Nhì, Cơ tu...

Trong xu thế công nghệ 4.0, ngoài các giải pháp trên thì số hóa ngôn ngữ DTTS cũng là một giải pháp cần được quan tâm, triển khai thực hiện. Việc số hóa ngôn ngữ DTTS sẽ tiến hành thu thập, lưu trữ để xây dựng ngân hàng dữ liệu số không chỉ giúp đồng bào DTTS có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ, mà còn hình thành một kho tài nguyên thông tin đầy đủ, chân thực về ngôn ngữ DTTS; góp phần bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS.

Tính đa dạng trong ngôn ngữ là nét riêng độc đáo, là tài sản quý giá làm nên kho tàng văn hóa Việt Nam, tạo ra bản sắc văn hóa Việt Nam. Những giá trị ngôn ngữ, văn hoá bao đời được lưu giữ và phục dựng của các DTTS đã dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá đa sắc màu của đất nước.

Những nỗ lực trong lĩnh vực văn hóa đã tạo điều kiện để tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được sử dụng nhiều hơn, rộng rãi hơn trong đời sống xã hội. Theo đó, các chính sách, chủ trương của Đảng bảo đảm vừa bám sát đời sống của người dân, vừa định hướng, nâng cao nhận thức cho người dân để họ có thể tham gia trực tiếp, đông đảo vào sự nghiệp bảo vệ, phát huy trị ngôn ngữ dân tộc mình, từ đó đóng góp tích cực vào công cuộc gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO