Đời sống xã hội

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học

Tuyết Mai 16/05/2024 - 06:18

Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học cơ sở (PTDTNT – THCS) huyện Krông Bông, Đắk Lắk đã chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh bằng nhiều hình thức, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Cô Lăng Thị Hoa, Hiệu phó nhà trường cho biết, hiện trường có 155 học sinh, với 5 thành phần dân tộc: Êđê, Mông, Mường, M’nông và Chứt. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm lo đời sống cho học sinh, nhà trường luôn tạo điều kiện để các em thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Để giúp học sinh thêm yêu quý và tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, nhiều năm qua, trường luôn duy trì việc học sinh mặc trang phục truyền thống hai ngày/tuần, vào những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn và đây được xem là tiêu chí đánh giá công tác thi đua giữa các lớp. Cùng với quy định mặc trang phục, từ năm học 2021 – 2022, trường đã thay thế những bài tập thể dục giữa giờ bằng bài múa dân vũ.

Hoạt động thể dục giữa giờ bằng bài đồng diễn “Múa xoang dân vũ” của học sinh Trường PTDTNT – THCS huyện Krông Bông.

Hằng ngày, sau tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, toàn bộ học sinh tập trung tại sân trường, xếp hàng ngay ngắn theo từng lớp để đồng diễn “Múa xoang dân vũ”. Khi nhạc được bật lên, các em tự tin thể hiện từng động tác múa một cách uyển chuyển, khỏe khoắn, tạo nên một bầu không khí sôi động và vui tươi. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự đoàn kết, tính tập thể, mà còn giáo dục cho học sinh về ý thức giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc tại địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh cũng được trang bị kiến thức về giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua chương trình giáo dục.

Từ năm 2018, trường đã bắt đầu đưa tiếng Êđê vào giảng dạy cho học sinh hai khối lớp 6 và 7. Đồng thời, định hướng cho giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu những nét đặc trưng về phong tục tập quán, trang phục, văn hóa ẩm thực, một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc tại địa phương để lồng ghép, tích hợp vào nội dung giảng dạy các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật...

Ngoài ra, tại Phòng Truyền thống của trường cũng trưng bày, lưu giữ những bản vẽ về trang phục truyền thống, vật dụng sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương để học sinh được tham quan, tìm hiểu thực tế.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa với nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa, trải nghiệm sáng tạo vui tươi, bổ ích, như: thiết kế, trình diễn trang phục truyền thống; thi văn nghệ, ẩm thực; chơi các trò chơi dân gian (đi cà kheo, bắn nỏ, múa sạp, thổi khèn lá…); tái hiện một số lễ cúng, lễ hội tiêu biểu của các dân tộc; tổ chức tham quan, tìm hiểu về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử tại địa phương… Qua đó, góp phần bồi đắp lòng tự hào, niềm yêu thích các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho học sinh.

Đội chiêng trẻ của Trường PTDTNT – THCS huyện Krông Bông hăng say tập luyện.

Em Hoàng Thị Hương (lớp 9) chia sẻ: "Mỗi lần được mang trên mình trang phục truyền thống của dân tộc Mông, em rất tự hào. Em cũng thích các hoạt động ngoại khóa của trường, bởi qua đó chúng em có cơ hội được giao lưu, học hỏi với nhau để thêm yêu mến, tự hào về bản sắc của dân tộc mình, cũng như hiểu và tôn trọng hơn những nét văn hóa đặc sắc khác của các dân tộc trên địa bàn".

Theo Báo Đắk Lắk
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO