Giọt nước mắt của người vợ đầu độc chồng bằng lá ngón

27/08/2021 02:40

(DTTG) Trong một phút “cả giận mất khôn”, Tiên đã rắp tâm hạ độc người chồng “nát rượu” của mình bằng lá ngón. Chồng chết, Tiên đi tù, hai con trẻ bơ vơ. Đã có quá nhiều đớn đau và nước mắt trong vụ thảm án từng gây chấn động cả tỉnh Hà Giang này.

Bi kịch nảy sinh từ rượu

Tiên tên đầy đủ là Hoàng Thị Tiên, sinh năm 1981, dân tộc Tày, trú tại thôn 1, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang. Gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ đến lớn Tiên chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp cha mẹ việc ruộng nương. Rồi cũng như bao thiếu nữ vùng cao khác, 18 tuổi, Tiên lấy chồng. Chồng Tiên người cùng bản, tên Hoàng Văn Thuyên, sinh năm 1976. Ngay sau khi cưới xong, bố mẹ chồng cho hai vợ chồng Tiên ra ở riêng với vốn liếng ban đầu là vài mảnh nương cộng với ít đồ gia dụng.

“Vợ chồng mũi dãi”, lại sinh liền hai đứa con một gái, một trai nên dù Tiên có cố gắng lam lũ, lần hồi đến đâu thì vẫn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Tuổi xuân của Tiên không được êm đềm như những người khác, suốt ngày đầu tắt mặt tối, đi làm ruộng nương về, lại chăm sóc chồng và 2 đứa con. Hơn thế nữa, chồng Tiền lại là người nghiện rượu. Không chỉ bỏ bê, phó thác mọi việc trong gia đình cho vợ, mà mỗi lần rượu xong, Thuyên còn hay tìm cớ chửi bới, đánh đập Tiên.

Mặc dù đã được bố mẹ, gia đình, thôn xóm nhắc nhở nhiều lần, nhưng Thuyên đều bỏ ngoài tai, cứ rượu vào là lại chứng nào tật ấy. Những dồn nén vì người chồng nát rượu, lười làm lại hay đánh đập vợ đã khiến Tiên không còn sức chịu đựng. Rồi trong một lúc buồn chán, ý nghĩ muốn giải thoát cho mình bằng cái chết chợt lóe lên trong đầu Tiên.

Và suốt những ngày sau đó, Tiên luôn bị ý nghĩ đó ám ảnh và quấn bíu. Mấy hôm sau, trên đường đi làm nương về, Tiên thấy bụi ngọn cây lá ngón bên đường liền chặt một đoạn thân mang về nhà giấu trên sạp gỗ trong bếp.

Lá ngón, loài cây kịch độc ở vùng cao.
Lá ngón, loài cây kịch độc ở vùng cao.

Hôm sau, lúc mọi người trong nhà đã đi vắng hết, Tiên đem đoạn thân cây lá ngón đó ra chặt thành những mẩu nhỏ rồi cho vào một chai rượu. Sau đó, Tiên giấu chai rượu vào chân cột giữa gian bếp để chờ vài hôm cho chất kịch độc từ cây ngấm ra rượu thì dùng.

Mấy hôm sau, nghĩ thấy cuộc đời bi đát, Tiên định quyên sinh bằng cách uống hết số rượu độc. Thế nhưng đúng lúc đó, Tiên bỗng nghe tiếng đứa con thứ hai khóc gọi dưới chân cầu thang. Bản năng làm mẹ trỗi dậy đã ngăn Tiên tìm đến cái chết. Tiếng trẻ thơ nhắc Tiên nhớ đến tình mẫu tử, nhớ đến bổn phận làm mẹ của mình. Nếu Tiên chết, hai đứa trẻ sẽ bơ vơ, bố chúng suốt ngày uống rượu như thế, làm sao nuôi nổi các con. Muốn tự giải thoát cuộc đời nhưng lại thương con, Tiên cũng không đủ can đảm cho các con “đi” theo mình về thế giới khác, cô đành cất lại chai rượu vào chỗ cũ.

3 người chết thảm vì lá ngón

Sau lần định tự tử hụt ấy, Tiên chợt ngẫm thấy việc tự tìm đến cái chết thật vô lý bởi bản thân mình không có lỗi, mà người có lỗi là ông chồng bê tha, nát rượu. Những bí bách, dồn nén của sự hành hạ tích tụ lâu ngày khiến người đàn bà dân tộc ấy không còn nghĩ được điều gì hơn ngoài những uất hận và ham muốn trả thù. Người nào có lỗi, người đó phải chết, Tiên nghĩ như thế nên cô quyết định dùng rượu ngâm cây lá ngón để “xử” chồng. Nghĩ là làm, Tiên liền đổ nửa chai rượu độc vào hũ rượu hàng ngày chồng vẫn uống rồi bỏ đi làm.

Sáng ngày 29/12/2011, Thuyên – chồng Tiên, đến chơi nhà Giàng Seo Pao, sinh năm 1972, trú tại thôn 1 Lê Hồng Phong, xã Nam Sơn, huyện Hoàng Su Phì rồi ăn cơm trưa tại nhà anh Pao. Bữa cơm kết thúc khá muộn song Thuyên vẫn cảm thấy hơi men chưa đủ lượng nên rủ anh Pao và Giàng Seo Đề, sinh năm 1994, người cùng thôn với Pao về nhà mình uống tiếp.

Đến nhà Thuyên khoảng 15h30, ba người lại quây tròn uống rượu. Anh Thuyên mang chai rượu thuốc ra rót mời hai bạn nhậu mà không biết rằng trong đó có nửa lít rượu ngâm lá ngón do vợ rót vào. Trong lúc ba người đàn ông đang uống rượu tại nhà Thuyên thì Tiên đi chăn trâu ngoài bãi, đến 17h30 mới trở về nhà. Sau khi cột trâu vào chuồng, Tiên đi lên nhà, thấy Thuyên nằm ở gần bếp, chân tay liên tục đập xuống nền nhà. Tiên bảo chồng lên giường ngủ thì Thuyên quát lại: "Kệ tao, tao thích ngủ đâu thì ngủ".

Nghĩ chồng mỗi khi say rượu thường ăn nói cục cằn như vậy nên Tiên không nói lại, lẳng lặng lấy chăn đắp cho Thuyên. Nửa tiếng sau, Tiên đi qua, chợt nhìn thấy mặt chồng tím tái, vội vàng lay gọi nhưng Thuyên không nói được. Người đàn bà chợt nhớ tới chai rượu ngâm lá ngón mới hốt hoảng gọi mọi người đưa Thuyên đi cấp cứu.

Mặc dù được mọi người nhanh chóng đưa đến Phòng khám đa khoa Nậm Dịch, song Hoàng Văn Thuyên đã tử vong vì rượu độc đã ngấm vào máu. Còn hai thanh niên Giàng Seo Pao và Giàng Seo Đề, sau khi uống rượu tại nhà Thuyên, trên đường về nhà có biểu hiện bị hôn mê. Gia đình và hàng xóm đã đưa đi cấp cứu nhưng cả hai cũng đều không qua khỏi.

Ngày Tiên bị đưa ra xét xử.
Ngày Tiên bị đưa ra xét xử.

Cái giá phải trả và sự hối hận muộn màng

Ngày bị TAND tỉnh Hà Giang đưa ra xét xử, khi đứng trước vành móng ngựa, Tiên sụt sịt kể về nỗi khổ triền miên của mình khiến nhiều người dự khán chạnh lòng. Họ thương một người phụ nữ lành hiền, chân chất mà hẩm phận, và họ cũng tiếc cho cô chỉ vì một phút nông nổi, mù quáng để giờ phải vào vòng lao lý. "Bị cáo xin Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất, để bị cáo sớm trở về nuôi con. Con cũng xin bố mẹ và em chồng đừng nghĩ đến lỗi lầm của con để chăm chút hai đứa trẻ"... Đó là lời nói cuối cùng của Tiên, trước khi HĐXX bước vào phần nghị án.

Suốt phiên tòa xét xử Hoàng Thị Tiên, ông Hoàng Xuân V, bố đẻ của nạn nhân Hoàng Văn Thuyên lặng lẽ ngồi nghe. Cũng như bao người khác trong gia đình, ông V đau buồn vì con trai của mình mải chơi, không chịu thương chịu khó làm ăn, suốt ngày chỉ uống rượu nên đã dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay. Đã nhiều lần ông gọi con trai sang nhà, lựa lời khuyên bảo con tu tỉnh làm ăn nhưng Thuyên chỉ vâng dạ rồi đâu lại vào đấy.

“Nhiều lúc thấy con dâu mặt buồn rười rượi, lương tâm tôi áy náy lắm vì biết con trai mình sống không phải với vợ, muốn giúp con dâu và cháu nội nhưng sức khỏe không cho phép”, ông V chia sẻ.

Ông V cũng kể đã nhiều lần ông phải chạy sang nhà con trai, che chở cho con dâu, thậm chí còn dọa từ con trai, nhưng Thuyên vẫn không thay đổi. "Con dại cái mang, tôi xót con trai bao nhiêu thì cũng thương con dâu bấy nhiêu. Tại nó khổ quá nên nghĩ quẩn làm liều", ông V tâm sự.

Sau ngày Tiên bị bắt, ông V đã viết đơn xin các cơ quan pháp luật giảm nhẹ tội cho con dâu. Bởi ông nghĩ, chuyện đã xảy ra rồi, dù Tiên có vào tù, có đền tội giết người thì con trai ông cũng không sống lại được mà người thiệt nhất, khổ nhất chính là hai đứa trẻ.

Đến khi được nói trước tòa, ông V cũng xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho Tiên, mong muốn con dâu cải tạo tốt để sớm trở về với với hai con. Những trình bày của ông đã khiến người tham dự phiên tòa không khỏi cảm phục tấm lòng của một người cha. Sau khi xem xét một cách kỹ lưỡng các tình tiết của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Hoàng Thị Tiên 10 năm tù.

Từ ngày vào trại, Tiên khóc rất nhiều.
Từ ngày vào trại, Tiên khóc rất nhiều.

Kể từ ngày được đưa về cải tạo tại Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến, Bộ Công an, Tiên tỏ ra ân hận rất nhiều. Cô ân hận chỉ vì những suy nghĩ nông cạn của mình mà đẩy cả gia đình vào bi kịch không thể đớn đau hơn. Cô thương mẹ, thương mình và thương cả cho số phận nghiệt ngã của hai đứa con thơ. Cũng kiếp phận con người, thế nhưng hai đứa con cô vừa mới sinh ra đã không được hưởng một cuộc sống bình thường. Đã thế, chúng lại phải chịu thêm nhiều nỗi mất mát lớn lao. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ rơi vào lao lý, dường như trong mắt hai đứa trẻ luôn chất chứa nỗi buồn.

Tiên bảo, những ngày đầu vào trại, nếu không có có sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của Ban Giám thị trại giam thì cô đã không thể vững vàng vượt qua tâm lí mặc cảm, u uất về quá khứ cũng như không có cái nhìn tươi sáng về phía tương lai. Kể từ khi nhận thức được sai lầm, Tiên luôn răn mình phải cải tạo thật tốt, giữ gìn sức khỏe để còn có ngày về bên gia đình, về với hai con.

(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO