Qua những làn điệu dân ca, người Cao Lan ở Bắc Giang có thể gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh.
Sình ca Thsăn lèn (mừng năm mới): Là những bài hát để mừng năm mới, chúc tụng nhau đủ đầy, hạnh phúc, nhà nhà vui vẻ.
Sình ca Thsao bạo (đối giao duyên): Là những bài hát phổ biến nhất và được nhiều người Cao Lan ưa thích. Hát đối đáp, giao duyên có từ xa xưa và được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán.
Các điệu hát đối đáp, giao duyên này phần lớn được các thanh niên nam nữ hát với nhau và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nội dung những bài ca này thường là mượn cảnh thiên nhiên để trao đổi, tâm tình với nhau, hỏi thăm gia cảnh của nhau.
Họ mượn lời hát để gửi gắm yêu thương, nhớ nhung hay trách móc, giận hờn để sau cuộc hát lại gần nhau hơn.
Những cuộc hát giao duyên giữa thanh niên nam nữ có thể kéo dài nhiều đêm với đề tài tình yêu đôi lứa và ước vọng xây dựng một cuộc sống chung hạnh phúc.
Đối với hát làm quen, giao duyên, địa điểm hát thường là một nhà nào đó trong làng. Cả chủ và khách, họ bắt đầu từ những bài hát hỏi, chào mừng lẫn nhau. Khi quen hơn, họ hát đối đáp; khi đã hiểu về nhau, họ mượn những bài tả cảnh để nói với nhau về tình. Những cuộc hát như vậy thường từ chiều hôm trước tới lúc gà gáy hôm sau. Sáng hôm sau, họ tiếp tục ra đường hát và từ lúc này, người ta có thể sáng tạo thêm các bài để hát chơi, trêu ghẹo nhau, gọi là sình ca ý. Khi cuộc hát đã tàn, một bên nửa muốn về, nửa muốn ở lại; một bên lại muốn níu giữ nên cứ dùng dằng kẻ ở người về.
Sình ca Kên láu (hát đám cưới): Là thể loại hát vui nhộn và phong phú về số lượng bài. Người Cao Lan hát sình ca Kên láu trong suốt những ngày diễn ra lễ cưới. Thường khi đến nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai phải hát thì nhà gái mới cho vào nhà. Từ khi đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng, phải trải qua ít nhất hai đêm hát.
Sình ca Tò tan (hát đố): Thể loại này gồm những bài hát được truyền lại và một số bài mới do người Cao Lan sáng tạo ra hàng ngày để đố nhau rồi tự giải nghĩa. Đây cũng thuộc loại hát vui, đầy tính sáng tạo ngẫu hứng, đòi hỏi người hát phải thuộc những bài cổ để trên cơ sở đó sáng tạo những bài mới.
Dân ca Cao Lan được hát ở hầu khắp mọi nơi, như trong nhà, ngoài đường, ở chợ, trên đồi, trong rừng. Nếu như có bạn hát là người làng khác đến chơi thì bao giờ chủ cũng hát trước, khách hát sau.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản
Dân ca Cao Lan là sinh hoạt văn hóa đặc sắc được các thế hệ người Cao Lan kế thừa và lưu truyền từ nhiều đời nay. Trong tiềm thức của mỗi người dân Cao Lan đều có ý thức tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc mình, nên họ cùng nhau đoàn kết để gìn giữ và bảo vệ.
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, phát triển của cuộc sống hiện đại, đời sống văn hóa, xã hội và tinh thần của người Cao Lan cũng có nhiều biến đổi. Dân ca Cao Lan đang bị mai một do một bộ phận thế hệ trẻ không còn say mê như trước. Hơn nữa, đa số những bài sình ca được ghi chép bằng chữ Hán, nên chỉ có những người biết chữ Hán mới đọc được.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Cao Lan, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lục Ngạn tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho bà con nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là người dân tộc thiểu số để có cơ hội được trao đổi, học hỏi trong thể hiện tiếng nói, giọng hát cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn dân ca Cao Lan, như nghiên cứu, sưu tầm tài liệu các bài hát; công nhận nghệ nhân; tổ chức trưng bày di sản dân tộc Cao Lan tại các sự kiện, ngày hội văn hóa.
Bảo tàng Bắc Giang cũng đã tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, xuất bản một số bài dân ca Cao Lan.
Bảo tàng tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn cùng các nghệ nhân xã Đèo Gia tổ chức truyền dạy dân ca Cao Lan tại đây gần 2 tháng.
Bảo tàng tỉnh cũng đã giới thiệu mô hình dệt, giấy dó, trang phục người Cao Lan tại Hà Nội, đưa nghệ nhân giao lưu tại các tỉnh. Ngoài ra, ngành văn hóa xuất bản nhiều tập sách có giá trị như “Dân ca dân tộc Cao Lan tỉnh Bắc Giang;" “Phong tục tập quán tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang."
Ở một số địa phương như xã Lục Sơn (Lục Nam), An Lập (Sơn Động) hay Xuân Lương (Yên Thế), tuy không thành lập được câu lạc bộ song vào dịp Tết, lễ hội, các cụ cao niên vẫn duy trì hát sình ca để bảo tồn di sản.