Tiêu điểm

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam

Nguyễn Trung Kiên 28/09/2023 14:23

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề về văn hoá luôn có một vị trí quan trọng. Những quan điểm của Người về văn hoá đã góp phần vào sự tiến bộ và phát triển nền văn minh của nhân loại, đồng thời là kim chỉ nam để Đảng ta hoạch định đường lối, chính sách phát triển văn hoá qua các giai đoạn xây dựng đất nước.

Văn hóa là tinh hoa của dân tộc

Ngay từ khi còn hoạt động ở Pháp, nhìn thấy ánh sáng văn hoá mới của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh kịch liệt lên án chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc thuộc địa, vạch trần tâm địa xấu xa, bỉ ổi của cái gọi là “khai hóa văn minh”. Để thay thế văn hoá nô dịch của chủ nghĩa thực dân bằng một nền văn hoá mới cách mạng, ngay sau khi vừa giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở ngay chiến dịch chống “giặc dốt”. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem đói nghèo cũng như những tập tục lạc hậu cũng là một loại kẻ thù và một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Người khẳng định văn hoá là tinh hoa của dân tộc, văn hoá phải góp phần khẳng định vị thế của một dân tộc.
Người cho rằng càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng những giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu. Người đòi hỏi phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh trong đó ghi rõ: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”.

anh-bai-van-hoa-dan-toc-1.jpg
Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc.

Sắc lệnh được ban hành đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản, bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên trong khôi phục vốn cũ, Người căn dặn kỹ lưỡng: ''nói là khôi phục vốn cũ thì nên khơi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra'', ''cần xây dựng và phát triển thuần phong mĩ tục''.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: ''mỗi dân tộc phải chăm lo đặc tính của mình trong nghệ thuật'', phải ''chú ý phát huy cốt cách dân tộc''. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc, không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với việc phát triển kinh tế xã hội của nước nhà.

Tư tưởng về bảo tồn văn hoá dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá các dân tộc mà ngược lại, khẳng định sự giao hoà giữa các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển văn hoá của mỗi dân tộc, làm cho nó hoàn thiện hơn, phong phú hơn.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của sự kết tinh văn hóa hóa nhân loại, đúc kết trong kho tàng tri thức của mình tinh hoa văn hoá đông, tây, kim, cổ. Người đề ra chủ trương kế thừa, bảo tồn truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Nội dung tiếp thu nền văn hóa nhân loại là rất toàn diện. Trước hết là tiếp thu cả đông, tây, kim, cổ, tìm mẫu số chung của nền văn hóa trên thế giới. Tính toàn diện còn thể hiện ở việc tiếp thu nhiều mặt: tư tưởng Khổng giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, văn hóa châu âu, tư tưởng Tôn Trung Sơn, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin, ngoài ra còn tiếp thu nền nghệ thuật, âm nhạc, hội họa…

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Tiêu chí tiếp thu là tiếp thu cái hay, cái tốt, tiếp thu có chọn lọc, tiếp nhận những cái phù hợp với thuần phong mỹ tục đất nước, loại bỏ sự ảnh hưởng của những thứ phản văn hóa. Chính vì thế phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lấy văn hóa dân tộc làm gốc, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc và coi nó như một tấm lá chắn vững chắc để đi tới tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại.

Đứng vững trên cái nền dân tộc để chiếm lĩnh, tiếp thu những giá trị văn hóa bên ngoài, bản lĩnh đó của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm qua. Ngoài ra, trong quá trình tiếp thu, học tập kinh nghiệm, phải chú ý đến đặc điểm của dân tộc mình, nếu không sẽ phạm phải sai lầm, giáo điều. Do đó, Người chỉ rõ những người làm văn hóa - văn nghệ phải có kiến thức, phải chịu khó học hỏi, trau dồi, mở rộng kiến thức, am hiểu văn hóa thế giới, có như thế mới có thể tiếp thu của người ta và quảng bá văn hóa của mình.

Như vậy có thể thấy, trong việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác Người quan tâm chống nguy cơ bảo thủ, khép kín, tức là Người đã nhìn thấy phép biện chứng giữa tính dân tộc và tính nhân loại như là một quy luật trong xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam.

"Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"!

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hoá ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các nghị quyết của Đảng tiếp tục đề cao nhiệm vụ văn hóa với những phương châm, giải pháp cụ thể.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ;… Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Phát triển, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật; khẳng định và biểu dương các giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán những cái lỗi thời, thấp kém, đấu tranh chống những biểu hiện phản văn hoá...”.

Nghị quyết trung ương 9, khóa XI của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh nhiệm vụ: Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Kế thừa, phát triển quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng và tình hình phát triển văn hóa Việt Nam thời gian qua, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phát triển văn hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hoá và con người Việt Nam,... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"!

Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, đó là: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của tất cả người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền...

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trải qua các kỳ đại hội của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định xây dựng nên văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin - truyền thông, con người và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam ít nhiều đã bị tác động và biến đổi. Bên cạnh những nhân tố tích cực thúc đẩy nền văn hóa phát triển hiện đại, tạo ra những công cụ, phương tiện để giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thì cũng tồn tại nhiều nhân tố tác động xấu khiến cho giá trị văn hóa truyền thống trở nên lạc hậu hoặc bị mai một, bị biến dạng.

anh-bai-van-hoa-dan-toc-2.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ nhiều nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc

Trước hoàn cảnh đó, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, xây dựng được một nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Đó là nền văn hóa bao gồm sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, của các vùng, các địa phương trong nước; tính phong phú đa dạng đó được nhân lên gấp nhiều lần do được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, biểu hiện cụ thể ở những giá trị văn hóa bền vững, là tổng hợp các giá trị tinh thần tiêu biểu của dân tộc, như: Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tính cộng đồng gắn kết giữa cá nhân, gia đình, quê hương, tổ quốc, tinh thần nhân nghĩa, nhân ái thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tinh thần lao động cần cù sáng tạo, lối sống tinh tế, khiêm tốn, giản dị và trung thực...

Chúng ta đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới, xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến của nhân loại phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ tạo nên sức mạnh tinh thần của cả dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO