Làng Tây Mỗ (Hà Nội) xưa kia được biết đến với những nghề như: Đan lưới, se chỉ, thêu tay. Mùa xuân năm nay, những người con của Tây Mỗ không chỉ được tìm về với tiên tổ, dòng tộc mà còn được gắn kết, làm giàu nét đẹp truyền thống thông qua việc phục dựng những nghề này. Đặc biệt, nghề thêu tay còn được gìn giữ thông qua dự án của thế hệ măng non của làng.
Làng Tây Mỗ (huyện Từ Liêm) nằm ở ven đô Hà Nội. Nơi từng được coi là vựa lúa lớn nhất của người Thăng Long xưa. Vì thế, mùa xuân, làng tổ chức lễ hội rước xôi để tôn vinh hạt gạo, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm êm; bày tỏ lòng thành kính đến hai vị Thành Hoàng làng. Đây cũng là dịp con cháu tìm về những giá trị truyền thống, nét đẹp của cha ông.
Làng Tây Mỗ đã phục dựng lại ba nghề truyền thống của người Thăng Long xưa là: Đan lưới, se chỉ và thêu tay. Đặc biệt, việc phục dựng nghề truyền thống trong dáng hình của lớp trẻ đã để lại đấu ấn khó phai với nhiều người tới thăm làng Tây Mỗ hôm nay.
Trong không gian phục dựng nghề truyền thống, cạnh những mái tóc pha sương là các bạn nhỏ trong tà áo dài bên khung thêu truyền thống. Được biết, đây là dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thêu tay làng Tây Mỗ” do chính những người con của làng sáng lập và truyền dạy.
Cô Đỗ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Emi, Chủ xưởng Mỹ thuật Lea Trường Maya (Hà Nội), một trong những thành viên sáng lập dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thêu tay làng Tây Mỗ” giới thiệu những bức tranh thêu: “Toàn bộ sản phẩm đều là của các con đang học cấp II. Đây không chỉ là sản phẩm thêu truyền thống mà còn là những tác phẩm nghệ thuật. Trong hành trình tìm hoa văn cho các sản phẩm thêu tay, các con tìm ra những chi tiết hoa văn xuất hiện nhiều trên chạm khắc đình làng, cổng nhà cổ. Các con đã phác họa những chi tiết đó và lấy làm cảm hứng sáng tác hoạ tiết thêu tay”.
“Những hoa văn trang trí mang hơi thở của làng, nét đặc trưng của văn hóa và mỹ thuật tạo hình làng quê đã gợi cảm hứng sáng tạo cho các con tìm về với giá trị cha ông để lại. Sản phẩm thêu tay các con chọn thêu tranh trên vải và tập thêu tranh lụa. Kết quả dự án được trưng bày tại không gian Giếng Xuân do Ban quản trị trang “Tây Mỗ quê hương tôi” kết hợp với Ban di tích của phường Tây Mỗ thực hiện”, cô Đỗ Hương nói.
Không chỉ giới thiệu với du khách thập phương về nghề thêu truyền thống của làng thông qua sản phẩm của chính mình, các em còn hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều em nhỏ tò mò với hoạt động thêu tay này. Các em trong dự án thêu tay cho biết, việc học này diễn ra một cách tự nhiên và đầy hứng thú. Điều đó các em được học từ các bà, các cô trong làng hay những sản phẩm thêu tay truyền thống của gia đình còn lại.
Em Nguyễn Phương Linh, lớp 6, Trường THCS Tây Mỗ (Hà Nội) chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui khi tham dự vào dự án ý nghĩa này. Em tự hào vì có thể bảo tồn nghề thêu truyền thống của làng Tây Mỗ”.
Phương Linh bày tỏ lòng biết ơn đến những bà giáo trong tổ thêu truyền thống của làng như bà Xuyến, bà Vân đã dạy em những mũi thêu đầu tiên. Em cũng biết ơn đến các bác trong trang “Tây Mỗ quê hương tôi” đã kết nối, tận tụy để em được tham gia lớp học này. Phương Linh mong muốn dự án còn kéo dài nữa và em sẵn lòng tham gia để phát triển nghề truyền thống của làng Tây Mỗ.
Còn em Nguyễn Hoàng Linh, lớp 8, Trường THCS Tây Mỗ (Hà Nội) cho biết: “Bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương là nghĩa vụ của mỗi người con Tây Mỗ. Vì lý do đó mà em tham gia dự án cộng đồng này. Lúc đầu em chỉ đến lớp học thêu để biết thêm về nghề thêu tay của làng. Nhưng khi vào học, em cảm thấy rất vui vì được quen thêm nhiều người bạn tốt, cùng nhau làm, học, trò chuyện và vui chơi”.
Là một người con của làng Tây Mỗ, cũng là một phụ huynh có con tham gia dự án thêu, chị Dương Thị Thu Hương nhớ lại: “Năm 2022, lần đầu tiên lớp học thêu miễn phí được tổ chức với cô giáo là các bà trong tổ thêu năm xưa. Học sinh là các cháu đang sinh sống tại Tây Mỗ hoặc các ông, các bà. Nối tiếp sự thành công của lớp học và với niềm mong mỏi lưu giữ nghề thêu xưa của làng Tây Mỗ, dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thêu tay làng Tây Mỗ được ra đời vào mùa hè năm 2023”.
Theo chân con từ những ngày đầu tham gia dự án, chị Dương Thị Thu Hương cho biết: “Đến lớp học là niềm vui, là thói quen của các con mỗi sáng chủ nhật hàng tuần. Ở đó các con ngoài học kỹ thuật thêu, vẽ mẫu, pha màu, rèn tính kiên trì cẩn thận, các con còn được chuyện trò tâm tình chuyện trường chuyện lớp chuyện gia đình bạn bè… được uốn nắn, khích lệ và trở thành những người bạn thân”.
Bà Trần Thị Khánh Vân, tổ trưởng tổ thêu làng Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thông qua lớp học để truyền lại cho lớp trẻ tinh thần của tổ thêu ngày xưa. Sau hơn 40 năm trở lại với nghề, tôi rất hồi hộp và xúc động khi chứng kiến từ buổi đầu vụng về không biết cái kim sợi chỉ là gì của các cháu nhỏ”.
Dự án thêu được hình thành và phát triển trong vòng tay của làng xã: “Mỗi người một tay”, những người có chung tình yêu với quê hương và mong muốn gìn giữ nghề truyền thống cho mai sau.
Chị Dương Thị Thu Hương cho biết: “Những cái tên rất thân thương với chúng tôi là bà Ngân, gia đình bác Giang - My gom chỉ thêu nhà có tặng cho các cháu. Cô Hương dành phòng học, bút vẽ, kim chỉ, vải thêu, khung miễn phí… để mỗi sáng chủ nhật các con thỏa sức thể hiện niềm đam mê với cây kim, sợi chỉ”.
Hồ sơ của dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thêu tay làng Tây Mỗ” đã được gửi tặng lại trang “Tây Mỗ quê hương tôi” - một trang facebook để người con trong làng giao lưu, chia sẻ.
Nhiều chia sẻ trên trang facebook “Tây Mỗ quê hương tôi” về nghề truyền thống được các bà, các thế hệ con cháu hưởng ứng. Bằng trí nhớ của mình, bà Nguyễn Thị Vĩnh viết lại trên trang: “Nghề xe chỉ tơ tằm gồm các công đoạn chính: Quay tơ, đẽo tơ và xe tơ. Dụng cụ của nghề gồm: Guồng, ống không, vay, giá đỡ, lồng, gàng, sào gai, sào rố, quả chỉ (được đúc bằng chì hoặc đất nung)…”.
Hay chia sẻ của chị Nguyễn Hải (một người con của Tây Mỗ) trong dịp được trở lại lễ hội mùa xuân của làng Tây Mỗ: "Cảm xúc của lần trở về làng nầy này là phục dựng nghề xe chỉ và đan lưới. Một nghề mà những thập niên 60, 70, 80 và đầu những năm 90 đã đem lại thu nhập không nhỏ cho làng Tây Mỗ và Đại Mỗ. Tôi không nhớ hai nghề này có từ bao giờ nhưng từ những năm 80, bà tôi và đồng niên của các cụ còn sống bây giờ cũng hơn trăm tuổi dạy chúng tôi biết đan lưới, se chỉ”.
“Tôi thấy mình cũng khá thành thạo và không quên được nghề. Tôi cũng thấy các bà các chị đang se chỉ, luồn tơ và hướng dẫn cho các cháu thanh niên chạy tơ, se chỉ mà thấy lòng vui thay”, chị Hải chia sẻ.
Có lẽ, phục dựng một nghề truyền thống theo cách trao truyền chỉ là một trong những hoạt động của những người con làng Tây Mỗ. Trước đó, một cuốn sách mang tên “Tây Mỗ Quê hương tôi” ra đời do một số nhà tri thức, các bạn trẻ ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thực hiện.
TS. Bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Khoa C9, Viện Tim mạch Việt Nam, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Cuốn sách tập hợp 77 bài viết được tuyển chọn trong vòng 3 năm, là tác phẩm của những người dành tâm huyết theo đuổi những giá trị xưa cũ”.
Là người con của làng Tây Mỗ, bác sĩ Trần Song Giang còn được biết đến với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Y dược Tây Mỗ, nơi tập hợp các y, bác sĩ là người con của làng Tây Mỗ. Nhiệm vụ của Câu lạc bộ là tổ chức các đợt khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch, Câu lạc bộ đã tổ chức thành các nhóm Zalo để tư vấn cho hơn 1.000 người dân Tây Mỗ bị COVID-19. Không chỉ dừng lại ở gặp gỡ, cách cống hiến với quê hương của mỗi người con Tây Mỗ đã mang lại hiệu quả bền chặt.
Bác sĩ Trần Song Giang cũng là người sáng lập hội nhóm facebook với tên “Tây Mỗ quê hương tôi”. Từ đây, rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm, nghề truyền thống được chia sẻ và phục hồi. Đây cũng chính là một trong những ngữ liệu để hình thành cuốn sách tựa đề “Tây Mỗ quê hương tôi”.
Giới thiệu về cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đây là cuốn sách đã khơi gợi ra một phương thức để chúng ta không chỉ ở Tây Mỗ mà ở nhiều địa phương khác có một cách làm để tự hào về quá khứ, tự hào về con người, cốt cách văn hóa của mảnh đất mà thế hệ hôm nay đang được trao truyền để sống và tiếp tục làm đẹp quê hương đất nước Việt Nam chúng ta”.
Sợi chỉ đỏ của quá khứ có được nối dài đến tương lai hay không có lẽ là chính những nỗ lực biết ơn của hiện tại. Những người con của làng Tây Mỗ đã và đang xây dựng nét truyền thống tốt đẹp và gìn giữ cho con cháu mai sau. Những “sứ giả” văn hóa này thực sự tạo một nét đẹp làng Việt trong thời 4.0 một cách giản dị nhưng cũng ăm ắp nghĩa tình quê hương.