Văn hóa

Gìn giữ điệu khèn Mông

Hải Thanh 23/12/2023 - 13:55

Có thể nói, cây khèn là một phần linh hồn của văn hóa dân tộc Mông. Chính vì vậy, mà trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, người Mông không chỉ gìn giữ tiếng khèn mà còn lưu truyền cách chế tác, để loại nhạc khí và cũng là đạo cụ trình diễn này có cơ hội sinh tồn mãi mãi.

Nét đẹp văn hóa người Mông

Cách thành phố Điện Biên Phủ gần 130km về phía Đông Bắc là cao nguyên đá Tủa Chùa và ấn tượng về vùng đất này đó chính là vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, cùng sức sống mãnh liệt, hài hòa của con người nơi đây. Đặc biệt, từ lâu, Tủa Chùa vẫn luôn gìn giữ cho mình nhiều bản sắc dân tộc hết sức độc đáo, trong đó tiêu biểu là văn hóa của người dân tộc Mông. Người Mông có nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: Khèn, nhị, sáo, đàn môi, khèn lá, trống và mỗi loại nhạc cụ lại biểu thị một dạng âm thanh rất đặc trưng, trong đó nổi trội, độc đáo, cũng như thể hiện rõ bản sắc tộc người hơn cả, đó chính là khèn.

Ngồi tỷ mẩn với những chi tiết để làm được một chiếc khèn, anh Chang A Vàng (Bản Sông Ún, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) chia sẻ: “Giữ tiếng khèn là giữ lấy bản sắc dân tộc mình. Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai. Thổi khèn hay, múa khèn dẻo luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người. Dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, dù có nhiều loại nhạc cụ hiện đại chi phối, nhưng chúng tôi vẫn không bỏ chiếc khèn của dân tộc mình”.

z5001726032788_5fb997e83acc8b12a266c2483e80f908.jpg
Anh Chang A Vàng hướng dẫn một bạn trẻ chế tác khèn.

Từ khi còn nhỏ, anh Vàng đã được đắm chìm trong những âm sắc của tiếng khèn vào những dịp bản làng có lễ hội hay ở những phiên chợ. Biết thổi khèn và đam mê chế tác khèn, Chang A Vàng là thế hệ trẻ hiếm hoi đang giữ gìn nghề làm khèn Mông.
Được cha truyền lại kỹ thuật làm khèn và với sự say mê, năm 10 tuổi Chang A Vàng đã học, làm thử và đến năm 16 tuổi, anh mới tự chế tác thành công một chiếc khèn hoàn chỉnh cho riêng mình. Đến nay, sau hơn 10 năm miệt mài duy trì việc chế tác khèn anh mới có thế chế tác ra những chiếc khèn phát ra được âm thanh chuẩn. Mỗi năm, từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của chàng trai người Mông này, đã có hàng trăm chiếc khèn Mông với đủ mọi kích cỡ được chế tác và đưa vào sử dụng.

“Phụ thuộc vào độ ngắn dài song mỗi cây khèn đều có giá dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Những chiếc khèn Mông bán được ở trong huyện, ngoài ra, tôi cũng làm theo đơn đặt hàng của các khách hàng ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La”, anh Vàng cho biết.

z5001723132982_b78da8f6d65962440e025553a6a0a75e.jpg
Ngoài chế tác khèn Mông giỏi, anh Vàng con thổi khèn rất hay.

Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm được một cây khèn có âm thanh hay, đạt chuẩn phải trải qua nhiều công đoạn hết sức phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ với những nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên và kim loại lấy trong đời sống.
Đặc biệt, với đôi bàn tay khéo léo trong chế tác của người thợ, mỗi khâu đều đòi hỏi sự tỷ mỷ, kiên trì và khéo léo của người làm, điều này quyết định đến chất lượng, hình dáng, độ bền, đẹp của khèn và nhu cầu của chính cộng đồng đã đưa chiếc khèn trở thành biểu tượng văn hóa.

Song, để làm được một cây khèn phát ra nhiều tầng âm, nhiều bè vang xa đòi hỏi người chế tác khèn phải "hội tụ" rất nhiều yêu cầu khắt khe và nhất là phải thực sự có tình yêu đối với cây khèn và phải có đôi tai thẩm âm chuẩn và phải nghiêm túc trong từng công đoạn.

Khèn được làm bằng chất liệu gỗ, trúc và gồm hai bộ phận: bầu khèn và ống khèn. Bầu khèn làm bằng gỗ, được khoan sáu lỗ, khèn có lưỡi gà bằng đồng mỏng để tạo ra âm thanh, trên bầu khèn được quấn 13 vòng tròn màu nâu. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm sáu ống trúc có độ lớn, nhỏ và dài, ngắn khác nhau xuyên qua bầu khèn, đồng thời mỗi ống có một lỗ để dùng ngón tay điều chỉnh âm điệu. Sáo ống trúc được cố định hai vòng tròn màu nâu và sáu đầu của sáu ống trúc được quấn vòng tròn màu nâu. Sáu ống trúc được xếp khéo léo, song song trên thân khèn.

Bảo tồn, phát huy di sản dân tộc

Người Mông khi vui, khi buồn đều mang khèn ra thổi như gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của mình trong tiếng khèn. Vào mùa xuân hay những dịp lễ, hội, tiếng khèn của người Mông vang vọng khắp núi rừng, đánh thức cả chim muông, cây cối nơi bản rẻo cao. Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, tiếng khèn thấm sâu vào máu thịt người Mông, âm thanh của tiếng khèn là cuộc sống, tâm hồn, cốt cách người Mông. Bởi vậy mà chàng trai Mông nào thổi khèn hay, múa khèn giỏi sẽ luôn nhận được sự quý mến, nể phục của nhiều người.

z5001718384267_5637b3d70fd5ac4718c104b26982239f.jpg
Anh Vừ A Lý thể hiện một động tác múa khèn Mông.

Với kinh nghiệm múa khèn Mông gần 20 năm, thuần thục nhiều động tác, anh Vừ A Lý (thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) cho biết: Tôi được thừa hưởng các kỹ năng thổi và múa khèn từ các thế hệ ông, cha đi trước. Người thổi được khèn và múa khèn đều phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, bởi khi vừa thổi vừa múa đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác rất phức tạp như: múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ nhanh, điêu luyện.

Ngoài việc phải tập luyện thành thạo các động tác, người múa khèn còn phải có sức khỏe, cơ thể dẻo dai để thực hiện các động tác, quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài, bời vì có nhiều cuộc biểu diễn, nghệ nhân phải trình diễn từ 15-30 phút, anh Lý chia sẻ.

z5001717190824_696f07b5d49e7b7a4a004dd36e29f06e.jpg
Các nghệ nhân thổi khèn Mông đến từ Tủa Chùa.

Những năm gần đây, trước tác động của đời sống và văn hóa hiện đại, nghề làm khèn của đồng bào dân tộc Mông đang dần bị mai một. Những người cao tuổi thì đã già yếu, còn thế hệ trẻ ít ai theo học và giữ nghề. Trước nguy cơ đó, trong những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều tổ hợp tác sản xuất khèn Mông ở Tủa Chùa ra đời, nhiều lớp truyền dạy làm khèn được mở ra, giữ gìn nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch đã thu hút nhiều người trẻ tuổi theo nghề.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa có khá nhiều nghệ nhân chế tác khèn Mông, đặc biệt là càng ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia chế tác khèn. Huyện cũng đã phối hợp với các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức truyền dạy nghề làm khèn cho thế hệ trẻ. Hiện nay, một số em học sinh đã có thể chế tác được khèn.

Thông qua các lớp, học viên tham gia sẽ được các nghệ nhân truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh. Từ đó phát huy vai trò của các nghệ nhân chế tác khèn, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, trực tiếp là các học viên trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, gìn giữ, phát huy được nghệ thuật trình diễn dân gian, các tập quán xã hội và tín ngưỡng gắn với cây khèn của dân tộc Mông.

Ông Đặng Tiến Công, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: “Với đồng bào người Mông, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình mà còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Trong các nghi lễ đời sống, không thể thiếu tiếng khèn. Bởi vậy, các dòng họ người Mông ở đây vẫn ý thức cao việc truyền dạy khèn cho thế hệ trẻ”.

truyen-day-nghe-thua.jpg
Một lớp học chế tác khèn Mông ở Tủa Chùa.

Hiện nay trên địa bàn đang khuyến khích và duy trì 2 cơ sở chế tác khèn Mông, phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người Mông trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông vào dịp lễ, tết và thực hiện các nghi lễ vòng đời được coi là một trong những phong tục truyền thống đặc trưng, để bảo tồn nét đẹp văn hóa.

Bên cạnh đó, hằng năm, các địa phương trong huyện Tủa Chùa vẫn đều đặn tổ chức nghệ thuật múa khèn trong các hội Xuân. Dịp tết Nguyên đán năm 2023, lần đầu tiên nghệ thuật này được lựa chọn đưa vào giao lưu với quy mô cấp huyện, góp phần để nghệ thuật chế tác khèn luôn được lưu truyền không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của người Mông mà còn lan tỏa, trở thành các sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO