Gieo mầm mê tín…thầy cúng “rởm” dính vòng lao lý!

24/08/2021 03:06

(DTTG) Không làm chủ được bản thân trước ma lực của đồng tiền, người phụ nữ dân tộc Châu Mạ đã đánh đổi sự tự do của mình bằng việc lợi dụng vào mê tín dị đoan để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác...

Một ngày cuối tháng 5, chiếc xe chở phạm đỗ trước sân Tòa án nhân dân Phan Thiết B. Người đàn bà trung niên với đôi mắt hoe đỏ, cúi gằm mặt, thẫn thờ bước chậm từng nhịp vào phòng xử án. Đó là bị cáo KLư (SN 1972, quê tỉnh Lâm Đồng, dân tộc Châu Mạ), ra tòa với tội danh “Lừa đảo chiếp đoạt tài sản”.

Bước vào chỗ ngồi, bị cáo KLư gục trên bàn khai báo, bàn tay che kín gương mặt sạm đen, khắc khổ. Chỉ mới chứa đầy 50 tuổi nhưng người phụ nữ này già hơn rất nhiều so với tuổi. Mái tóc lốm đốm sợi bạc, đuôi mắt hằn vết chân chim. Phiên tòa bắt đầu, bị cáo dùng hai tay tựa vào chiếc bàn, từ từ đứng dậy khi hội đồng xét xử (HĐXX) bước ra. Khi nghe công bố cáo trạng, bàn tay KLư run rẩy bấu chặt vào vạt áo nhăn nheo.

Trước tòa, bị cáo kể mình là người nghèo khổ, chỉ vì không làm chủ được bản thân trước cám dỗ của ma lực đồng tiền nên đã lợi dụng vào việc mê tín, dị đoan để lừa đảo. KLư nhớ lại, từ khi chào đời bà đã gắn liền với sự khốn khó, cha mẹ trầy trật mưu sinh cũng chỉ có thể cố gắng cho con học hết lớp một để biết chữ, biết số. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ cha và kinh tế kiệt quệ của gia đình, từ thuở nhỏ, KLư đã chăm chỉ lao động. Ai thuê làm gì thì KLư làm cái đó, không nề hà cực nhọc, vất vả. Nắng chói trên đầu, KLư cũng mặc; mưa chảy ướt vai, KLư cũng ráng. Vậy mà, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đã vậy, lớn lên lấy chồng và sinh được 2 đứa con nhưng vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên hạnh phúc cũng không trọn vẹn. Người chống đã sớm bỏ mẹ con KLư đi theo người vụ nữ khác khi 2 đứa con của KLư còn nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn.

Năm tháng trôi đi, khoảng cuối năm 2018 tình cờ KLư gặp người phụ nữ tên Mon cũng ở tỉnh Lâm Đồng. Sau khi nói chuyện KLư biết bà Mon là người mê tín dị đoan, tin vào việc cúng bái, do vậy KLư nói sẽ nhờ thầy cúng giải hạn cho gia đình, nghe vậy thì bà Mon tin tưởng nên đã xin số điện thoại và đưa cho KLư số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) để mua đồ cúng.

Nhận thấy bà Mon là người mê tín dị đoan, tin vào việc cũng bái giải hạn, trừ tà nên KLư nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của bà Mon. Để thực hiện ý định, KLư sử dụng số điện thoại lạ gọi cho bà Mon giả là bà thầy cúng để nói chuyện tâm sự với bà Mon nhằm mục đích để bà Mon tin tưởng, rồi sau đó yêu cầu bà Mon đưa tiền cho mình để làm lễ cúng giải hạn. Để thuận lợi cho việc giao nhận tiền, sau đó KLư tiếp tục sử dụng số điện thoại lạ khác để liên lạc, trao đổi với bà Mon về thời gian, địa điểm nhận tiền.

Ngoài những lần KLư trực tiếp nhận tiền từ bà Mon thì KLư còn nhờ người quen đi gặp bà Mon để nhận tiền về đưa lại cho KLư. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được các cơ quan chức năng xác định KLư đã lợi dụng vào sự mê tín dị đoan của bà Mon trong việc cúng bái, giải hạn sau đó dùng thủ đoạn gian dối yêu cầu bà Mon đưa tiền để mua đồ cúng giải hạn, KLư đã chiếm đoạt tiền của bà Mon nhiều lần với số tiền là 310.100.000 đồng.  

“Cuộc sống chật vật, ngặt nghèo quá nên bị cáo mới làm liều. Bị cáo sai rồi”, KLư rấm rức biện minh cho hành vi nông nổi của mình. Giờ nghị án, KLư lại áp mặt xuống bàn, bờ vai không ngừng rung lên. Thế nhưng, những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng không thể giúp KLư ngược về quá khứ để lựa chọn làm lại.

Tại phiên tòa HĐXX nhận định, bị cáo đã lợi dụng vào sự mê tín, dị đoan của bà Mon trong việc cúng bái, giải hạn để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác thể hiện thái độ coi thường pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Vì vậy, cần áp dụng cho bị cáo một hình phạt nghiêm khắc để giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại, vật chứng thu giữ được, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo KLư 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay tệ nạn mê tín, dị đoan vẫn có diễn biến phức tạp trong đời sống xã hội, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống của người dân còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế. Nhiều đối tượng phạm tội đã lợi dụng, biến những địa bàn này trở thành mảnh đất màu mỡ để chúng phát triển tệ nạn mê tín, dị đoan.

Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan tới bị cáo KLư chỉ là một ví dụ điển hình về hành vi lợi dụng mê tín, dị đoan để phạm tội của một số đối tượng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Để bài trừ tệ nạn mê tín, dị đoan và các hủ tục lạc hậu, rất cần có sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

(Tên nhân vật và địa điểm đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO