(DTTG) Trải qua 40 năm (1981-2021) hình thành và phát triển, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa truyền thống hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Giáo hội đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như công tác từ thiện xã hội.
Tích cực trong công tác từ thiện xã hội
Là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo Tăng Ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng hoa chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Giáo hội hiện có trên 160 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 1 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.
Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiễn sĩ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… kết quả công tác từ thiện xã hội mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, số liệu tổng kết trong 40 năm qua ước tính khoảng gần 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội đã tổ chức thực hiện cứu trợ nhân đạo quốc tế trước các thảm họa thiên tai động đất, sóng thần tại Nhật Bản, Nepal, Indonesia…và gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch Covid-19, Giáo hội đã ủng hộ lương thực, trang thiết bị vật tư y tế cho nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal…trong công tác phòng chống dịch.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ TP Hồ Chí Minh nguồn lực chống dịch. Ảnh: Công Minh |
Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công tác phúc lợi xã hội như xây dựng các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội. Xây nhiều cây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, siêu thị không đồng, chương trình “Sóng và máy tính cho em” v.v… đều được các thành viên Ban Từ thiện xã hội Trung ương, các tỉnh thành, các cơ sở tự viện, Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia.
Hoạt động từ thiện xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của Phật giáo, mà còn là một hành động quan trọng có chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo |
Trong đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, Tăng Ni, Phật tử các Tự viện tích cực tham gia phòng chống dịch bằng nhiều hình thức như ủng hộ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, v.v… cho đồng bào vùng phong tỏa, cách ly và những người tuyến đầu phòng chống dịch hoặc lấy cơ sở tự viện làm điểm cách ly tập trung cho bệnh nhân Covid; Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào tuyến đầu, chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid tại các bệnh viện dã chiến. Hưởng ứng vận động của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành đã ủng hộ vào quỹ Vaccine, máy thở, máy tạo oxy, thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trị giá hàng chục tỷ đồng.
Luôn vì sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật, đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Các tình nguyện viên Phật giáo sẵn sàng lên đường tới các bệnh viện dã chiến của TP.HCM |
Tham gia góp ý dự thảo xây dựng các dự án luật, trong đó đặc biệt là dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo; Tham dự Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; Tham gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Liên kết với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia trong việc vận động Tăng Ni, Phật tử thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo trong các lễ hội tôn giáo tại địa phương.
Với trách nhiệm và bổn phận của công dân đất nước, Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành đã giới thiệu Tăng Ni, Phật tử tiêu biểu ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp qua các kỳ.
Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các đại diện thành viên của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương đều tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành, Trung ương Giáo hội và GHPGVN các cấp, Tăng Ni, Phật tử trong toàn Giáo hội đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch như: Tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, đóng góp vào quỹ Vaccine, hỗ trợ đồng bào vùng dịch, phong tỏa, cách ly, v.v…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Nhìn chung, Tăng Ni và Phật tử luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh.
Sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận và được Đảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà nước đã công nhận 257 chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia, hàng trăm chùa, tự viện được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thành và có nhiều đường phố được mang tên các vị cao tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, Sư Liễu Quán, Sư Thiện Chiếu, Thích Quảng Đức...
Đảng và Nhà nước cũng đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho nhiều vị cao tăng của Giáo hội như: Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Hoà thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hoà thượng Thích Thanh Tứ... đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều các vị cao tăng khác đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương cao quý vì đã có nhiều thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.