Đời sống xã hội

Giải phóng Thủ đô – Mốc son vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Lập Nguyễn 10/10/2023 - 07:04

Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là sự kiện có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với nhân dân Hà Nội mà còn là ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Đây cũng là mốc lịch sử chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và cả nước.

Cột cờ Hà Nội, nơi tổ chức lễ thượng cờ lịch sử vào chiều 10/10/1954.

Mốc son lịch sử hào hùng

Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử. Quân, dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước kiên cường tranh đấu, bền bỉ lao động, sáng tạo nền văn hiến rực rỡ, lập nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.

Trong tiến trình lịch sử phát triển Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954 là một mốc son lịch sử, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển. Nhưng thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.

Trước đó, sau khi thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ. Chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam.

Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơnevơ.

Ý nghĩa lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10

Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.

Hà Nội luôn xứng đáng là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hàng chục vạn người con Thủ đô lên đường tòng quân chiến đấu khắp các chiến trường. Nơi hậu phương, Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tự hào hơn nữa, Hà Nội đã cùng các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972), buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Đây là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân. Nhờ đó, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.

Ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Hơn 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng ở mức khá. Hiện Hà Nội là một trong những trung tâm thương mại, tài chính-tiền tệ của cả nước. Công nghiệp có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.

Lĩnh vực kết cấu hạ tầng được ưu tiên đầu tư phát triển, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, như: cầu Nhật Tân cùng đường Võ Nguyên Giáp; Đường Vành đai 1; đường 5 kéo dài; đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy; đường Vành đai 3… Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, quy trình, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Hà Nội luôn quan tâm phát triển văn hóa-xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; đã xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử... Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Y tế có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực.

Có thể khẳng định, trải qua bao thăng trầm lịch sử, lòng quả cảm chiến đấu vì độc lập, tự do, khát vọng hòa bình và dựng xây quê hương của quân và dân Thủ đô không chỉ được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước ghi nhận, mà còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, luôn xứng đáng với vị thế là Thủ đô, trái tim cả nước – thành phố vì hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO