Gương sáng

Già làng, người có uy tín chung tay gìn giữ văn hóa dân tộc

Văn Hà 06/10/2023 - 15:40

Không chỉ là cầu nối tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân tộc thiểu số, những già làng, người có uy tín trên địa bàn huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) còn làm tốt vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh.

Xã Đăk Tơ Lung hiện có 9 người có uy tín. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín có nhiều đóng góp trong các mặt đời sống, kinh tế-xã hội địa phương, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Ông A Ngõa - Người có uy tín ở thôn 5, xã Đăk Tơ Lung, là một trong những người có uy tín tiêu biểu của huyện Kon Rẫy. Với gần hơn 20 năm làm trưởng thôn, ông Ngõa vẫn miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Không những vậy, ông Ngõa còn có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong năm 2022, nhà rông của thôn 5 hư hỏng, người dân mong muốn xây mới bằng vật liệu hiện đại. Tuy nhiên, ông Ngõa đã phản đối và tích cực tuyên truyền người dân xây dựng bằng vật liệu tự nhiên để giữ được bản sắc dân tộc vốn có của ông cha.

Để bà con giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng nhà rông theo cách của cha ông ngày xưa, ông đã đến từng nhà dân tuyên truyền và vận động dân góp tiền xây dựng mới nhà rông văn hóa.

“Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân thôn 5 đều đồng thuận đóng tiền làm nhà rông truyền thống. Ngay cả các hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm nhưng vẫn đóng góp 200.000 đồng/người như các gia đình khác. Đến cuối tháng 3/2023, nhà rông đã hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng gần 425 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2.500 ngày công lao động và trên 40 triệu đồng”, ông A Ngõa cho biết.

a1.jpeg
Ông A Ngõa (bên trái) luôn là người tiên phong, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con xây dựng nhà rông, giũ gìn văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó, ông A Ngõa vận động các hộ gia đình giữ gìn cồng chiêng, trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó, đến nay thôn 5 còn duy trì một đội cồng chiêng và có 4 bộ chiêng. Trong thôn có 20 nghệ nhân đánh chiêng, 3 nghệ nhân biết sử dụng các loại nhạc cụ dân gian, 20 người biết dệt thổ cẩm và 2 nghệ nhân biết kể, hát dân ca,…

Tương tự, làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập có đến hơn 95% người Jơ Lâng (một nhánh của dân tộc Ba Na) sinh sống. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong làng luôn nêu cao ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Với vai trò là người có uy tín làng Kon Brăp Ju, ông A Jring Đeng, đã nỗ lực vận động bà con trong làng quan tâm bảo tồn giá trị truyền thống.

anh-2(2).jpg
Ông A Jring Đeng người có uy tín ở làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập luôn miệt mài tuyên truyền người dân bảo vệ văn hóa truyền thống.

Trao đổi với phóng viên, ông Đeng cho biết, đã từng có thời gian, thế hệ trẻ trong làng không còn mặn mà với văn hóa truyền thống, nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống dần mai một. Ông đã cùng các nghệ nhân trong làng đến từng nhà tuyên truyền người dân giữ gìn văn hóa, vận động các cháu thiếu niên chơi nhạc cụ truyền thống và học chế tác nhạc cụ.

“Chúng tôi cứ kiên trì vận động bằng những câu chuyện truyền thống cha ông để khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ, nghe nhiều các cháu hiểu hơn về truyền thống dân tộc mình và dần thích thú văn hóa dân tộc. Ông mong rằng thế hệ trẻ sẽ ý thức được giá trị, tầm quan trọng của văn hóa của cha ông để lại và từ đó cố gắng gìn giữ và phát huy, không để mai một”, ông Đeng tâm sự.

a3....jpg
Những trẻ em trong thôn rất thích nghe những câu chuyện, sự tích văn hóa do ông A Jring Đeng kể.

Ngoài ra, ông Đeng còn đặc biệt quan tâm đến việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ thông qua việc lồng ghép các chương trình, nguồn lực của tỉnh, của địa phương trong hỗ trợ tập luyện. Các em nhỏ tại làng được học 2 buổi/tuần do ông Đeng cùng các nghệ nhân cồng chiêng của làng chỉ dạy thông qua mô hình hỗ trợ tự giúp nhau truyền dạy cồng chiêng tại làng

Đến nay, làng còn lưu giữ được 17 bộ cồng chiêng, có đội cồng chiêng và đội múa xoang. Đội cồng chiêng là ba thế hệ (trung niên, thanh niên và thiếu nhi) thường xuyên có gần 25 thành viên, cùng đội xoang cũng khoảng chừng ấy thanh nữ và bé gái được hình thành và duy trì hoạt động. Đặc biệt, thế hệ trẻ trong làng đã được các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy kỹ thuật chiêng xoang rất bài bản và các em rất thích thú được học.

Theo ông Nay Y Khánh - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kon Rẫy, huyện hiện có 57 người có uy tín. Đội ngũ người có uy tín trên đại bàn huyện có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào.

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của những người có uy tín mà đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng ý thức hơn về giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người dân đã biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đồng bào. Tích cực tham gia khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phục dựng các nghi lễ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong thôn, làng”, ông Khánh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO