Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, song già làng Thao Văn Sếnh (dân tộc Mông, bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn là người gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương. Ngoài ra, ông còn là người tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Theo đường chim bay từ bản Ché Lầu tới cột mốc 325 mà già làng Sếnh nhận trông coi dài hơn 4km. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh, những bước chân còn chắc chắn. Tay cầm dao phát những cành cây rừng chắn lối mòn con đường lên đường biên, cứ thế già làng Sếnh men theo khe suối đến cột mốc. Ông cần mẫn phát quang những cây cỏ xung quanh cột mốc, quét dọn sạch sẽ, kiểm tra tỉ mỉ, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trên đường biên, cột mốc và báo cáo ngay với BĐBP.
Già làng Sếnh cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại bản biên giới Pá Hộc, xã Pù Nhi; năm 1990, ông cùng các hộ dân chuyển về bản Ché Lầu sinh sống. Cả cuộc đời ông gắn liền với đất rừng, đường biên, cột mốc; bởi vậy, đoạn biên giới từ mốc G11 đến mốc G12 (tức từ cột mốc 322 đến cột mốc 325) và đoạn biên giới gần nhà giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), ông thuộc như trong lòng bàn tay. Cũng chính sự gắn bó đó mà theo dòng thời gian, già làng Sếnh xem vùng đất biên cương xa xôi này như máu thịt của mình. Ông luôn nhận thấy rằng, bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ sự nguyên vẹn của đường biên, mốc giới, tích cực giúp đỡ BĐBP bảo vệ biên giới để góp một phần nhỏ bé của mình giữ gìn và bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Để huy động nhiều người tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, già làng Sếnh đã tuyên truyền cho các hộ gia đình trong bản, nói cho từng người dân biết được ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, vượt biên trái phép, đốt nương làm rẫy...
Trong những lần cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP Thanh Hóa tổ chức tuyên truyền cho nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới, cũng như vận động người dân chuyển đổi hình thức canh tác, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, ông luôn tích cực tiếp thu và còn hăng hái tham gia làm tuyên truyền viên, đưa những thông tin hữu ích đến với đồng bào. Qua đó, ông lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những gì bà con chưa hiểu, ông giải thích để cho dân hiểu. Ðối với những vấn đề bà con bức xúc, ông kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương, với BĐBP để tìm cách giải quyết.
Ông Thao Văn Lâu, Bí thư Chi bộ bản Ché Lầu cho biết, già làng Thao Văn Sếnh là người rất gương mẫu và trách nhiệm trong công việc. Gia đình nào gặp khó khăn như bị thiệt hại do thiên tai, sửa chữa, làm mới nhà ở là ông đều đến động viên, giúp đỡ. Ông khuyên bảo các cháu học sinh chăm lo học hành để mai sau góp sức xây dựng quê hương; nhắc nhở thanh, thiếu niên phải tích cực lao động, tránh xa các tệ nạn xã hội, nhất là không tụ tập rượu chè làm mất an ninh trật tự. Bên cạnh đó, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn vệ sinh làng bản, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Mọi phong trào của bản phát động, triển khai đều được già làng Sếnh vận động họ hàng, con cháu hưởng ứng, thực hiện tốt. Năm 2006, khi có chủ trương của cấp trên về tăng dày và tôn tạo các mốc quốc giới, ông Sếnh đã vận động cả gia đình và bà con dân bản tham gia cùng lực lượng BĐBP vận chuyển vật liệu, làm đường để xây dựng cột mốc.
Trung tá Trương Văn Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết, ông Thao Văn Sếnh là người sống rất tình cảm, luôn gần gũi và gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn. Nhiều năm liền có sự tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc của già làng Sếnh, khu vực mốc 325 chưa xảy ra vấn đề bị xâm hại. Để giúp đồng bào các dân tộc nơi đây từng bước ổn định đời sống cũng như động viên người dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, thời gian qua, đơn vị đã có nhiều hoạt động thiết thực, chung tay hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Với những người trực tiếp trông coi cột mốc như già làng Sếnh, hằng năm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn dành nhiều sự quan tâm như tặng mũ, quần áo, dép, giày để người dân có điều kiện tốt hơn khi làm công việc ý nghĩa này.
Hơn 30 năm âm thầm tuần tra biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc và tích cực hoạt động các phong trào tại địa phương, già làng Thao Văn Sếnh đã nhận được hàng chục tấm Bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng. Nhưng có lẽ với ông, phần thưởng lớn hơn chính là tình cảm yêu thương, ủng hộ của nhân dân trong bản và sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo.