Gia Lai củng cố nội lực của làng nghề truyền thống

19/09/2022 09:40

(DTTG) Theo thời gian, nhiều làng nghề truyền thống hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và bảo tồn, củng cố nội lực của các làng nghề truyền thống tại địa phương.

Từ vai trò to lớn của các làng nghề truyền thống, ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Quan điểm chung của chương trình là bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn; bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch.

Người dân làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) sống khỏe nhờ nghề đan lát
Người dân làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) sống khỏe nhờ nghề đan lát

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch. Ngoài ra, phấn đấu có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Chương trình cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD…

Để củng cố nội lực của làng nghề truyền thống, tỉnh Gia Lai đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, trong đó, tập trung hỗ trợ rà soát, lập danh mục nghề, làng nghề cần bảo tồn lâu dài, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển văn hóa, du lịch; bảo tồn sản phẩm nghề, bảo tồn quan hệ xã hội làng nghề, không gian làm nghề truyền thống và các giá trị di sản văn hóa nghề...

Trước nguy cơ mai một, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn nhờ chủ động nguồn nguyên liệu cũng như kết nối được với thị trường tiêu thụ nên có khả năng duy trì như: Hợp tác xã Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, Làng nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa); Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng xã Ia Ka, Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh); Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang)… Từ sự khởi sắc của các làng nghề, ngành du lịch cũng được hưởng lợi.

Du khách có thể tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua trang phục truyền thống-một sản phẩm tiêu biểu của nghề dệt
Du khách có thể tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua trang phục truyền thống-một sản phẩm tiêu biểu của nghề dệt

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh”; hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề, sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 214 sản phẩm đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh; trong đó, có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã đăng ký 111 sản phẩm OCOP; trong đó, có 99 sản phẩm đăng ký mới và 12 sản phẩm đăng ký nâng hạng với trên 22 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong năm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại nghề, làng nghề; tổ chức hoạt động tôn vinh các sản phẩm và nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền… Các sở, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiêu biểu của làng nghề tham gia các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với sản phẩm làng nghề.

Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) hiện đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm
Nghề đan lát ở xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) hiện đang gặp khó khi nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm

Trên thực tế, bằng tinh thần tự tôn và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân ở Gia Lai đã tích cực truyền nghề, dìu dắt thế hệ sau. Mặt khác, với lợi thế năng động, giỏi kết nối, một số người trẻ ở buôn làng cũng nhanh nhạy trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, Văn phòng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và UBND TP. Pleiku đã phối hợp thực hiện đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu và xây dựng câu lạc bộ nghề truyền thống nhằm đảm bảo phát triển sinh kế bền vững của đồng bào DTTS tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”. Hai câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ dân gian được thành lập tại các làng trên địa bàn TP. Pleiku.

Việc hình thành các CLB nghề dệt và tạc tượng gỗ dân gian cùng các mô hình trưng bày sản phẩm được kỳ vọng tạo điểm nhấn trong hành trình khám phá, nghiên cứu văn hóa-lịch sử của phố núi Pleiku, mở ra cơ hội để cộng đồng khai thác di sản văn hóa, phát triển sinh kế. Dù vậy, không phải làng nghề nào cũng có thể “tự lực cánh sinh” mà rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan, đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Phòng trưng bày các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku
Phòng trưng bày các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku

Có thể thấy tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và bảo tồn, củng cố nội lực của các làng nghề truyền thống tại địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, cần phải sát sao, đến nơi đến chốn, nếu không sẽ rơi vào tình trạng hô hào suông. Giống như năm 2005, đề án “Mỗi làng một nghề” đã từng được đề xuất triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm khôi phục và phát triển làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, qua đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống. Nhưng sau đó là sự im ắng, không mang lại hiệu quả cao.

Vì vậy, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của tỉnh, cần thêm Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế để phát triển ổn định, bền vững các làng nghề truyền thống. Đồng thời, rất cần sự hỗ trợ về đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho các làng nghề; hỗ trợ máy, thiết bị sản xuất cho các làng nghề; hỗ trợ công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm từ các cơ quan đơn vị chức năng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trước cơn lốc “đô thị hóa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO