Dân làng Kroong Klah, xã Kroong, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) ai cũng yêu mến, kính trọng già làng A Lău và xem ông như một “thủ lĩnh” đi đầu gương mẫu, tuyên truyền, dẫn dắt bà con đi qua nhiều khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Già A Lău (76 tuổi, người Rơ Ngao, một nhánh của dân tộc Ba Na) sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà). Khi lớn lên, ông cùng nhiều thanh niên khác trong làng phải đi tản cư đến vùng lòng hồ thủy điện Plei Krông, xã Kroong lúc bấy giờ.
Tại đây, ông gặp bà Y Chưnh, một cô gái Tây Nguyên vừa có sắc vừa có tài nghệ dệt thổ cẩm, đã làm ông say mê rồi cưới làm vợ.
Điều đặc biệt là, cha của bà Y Chưnh là già A Phương, lúc ấy đang là già làng, một người có sức ảnh hưởng lớn đối với bà con trong làng. Sau này cũng chính già Phương là người đã dẫn dắt, chỉ bảo cho già A Lău rất nhiều trong cuộc sống.
“Bố A Phương là người Lào sang định cư tại vùng đất này, buôn bán vải vóc, thổ cẩm để sinh sống. Ông tài giỏi lại biết cái tình, cái lý nên dân làng ai cũng nghe theo. Ông đã truyền cảm hứng cho tôi gắn bó và cống hiến cho buôn làng của mình”, già A Lău thổ lộ.
Học hỏi từ già A Phương nhiều điều hay, già A Lău không ngừng cố gắng trong cuộc sống, tích cực giúp đỡ bà con, không nề hà bất cứ việc gì trong thôn. Từ khi còn trẻ, già A Lău đã sớm được bà con tin yêu và nghe theo.
Theo lời kể của gia A Lău, vào năm 1997 khi nhà nước vận động bà con từ lòng hồ Plei Krông di dân lên vùng đất mới để ổn định đời sống thì ông là một trong những người tiên phong đi cùng chính quyền tuyên truyền, vận động bà con dời đi, thay đổi tập quán sản xuất để thoát đói nghèo, nâng cao đời sống từng ngày.
“Ngày ấy khu vực lòng hồ Plei Krông nhiều tôm cá, thủy sản nhưng bà con đánh bắt thô sơ nên không được nhiều, đói lắm. Khi lên vùng đất mới, dù được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất đai để sản xuất nhưng với tập quán, suy nghĩ canh tác lạc hậu, bà con vẫn quanh quẩn bên đói nghèo.
Đến khi có cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất cây công nghiệp mới để đạt hiệu quả, bà con vẫn chưa tin đâu, chúng tôi phải kết hợp với chính quyền tuyên truyền mãi bà con mới theo, từ đó làm ra nhiều sản phẩm, có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học, biết cái chữ”, già Lău chia sẻ.
Nhận thấy sự tận tụy và uy tín của già A Lău, người dân đã bầu ông làm Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Kroong. Đến năm 2002, ông về làm Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn, rồi kiêm luôn vai trò là già làng vào năm 2010 cho đến nay.
Dù ở vai trò nào, già A Lău luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và bám làng, cơ sở để tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo già A Lău, trong thôn trước đây hay xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn của bà con về đất đai, đời sống vợ chồng và đặc biệt là tình hình an ninh chính trị còn nhiều bất ổn, thanh niên hay nhậu, quậy phá, đánh nhau. Lúc này ông luôn bằng cái tình, cái lý để giải quyết, đứng ra khuyên can, hòa giải… Nhờ vậy mà hầu hết mọi việc đều giải quyết êm xuôi trước khi báo cáo cho tổ chức, chính quyền.
“Trước đây, trong thôn khi có người nào chết thì phải mổ trâu, bò, gà để cúng, rồi phải đánh cồng chiêng trong đêm quanh xác chết sau đó mới được chôn. Nhận thấy lễ nghi đó gây tốn kém và ô nhiễm môi trường, không hợp tình hợp lý nên tôi quyết tâm vận động bà con xóa bỏ. Mặc dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự kiên trì của mình, hủ tục lạc hậu về cúng, viếng người chết đã dần được xóa bỏ, hiện nay đã không còn nữa”, già A Lău kể.
Ông Nguyễn Đình Nhiên – Chủ tịch UBND xã Kroong cho biết, với những đóng góp của già A Lău, đến nay đời sống người dân làng Kroong Klah đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống kinh tế, an ninh chính trị luôn được giữ vững. Già A Lău còn được nhận rất nhiều bằng khen của các cấp, ngành trong công tác mặt trận và xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, đạt danh hiệu là Già làng tiêu biểu xuất sắc trong đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum.