(DTTG) Với những người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhà rông luôn là hồn cốt, là văn hóa đã được tổ tiên, ông bà từ hàng ngàn năm để lại. Để xây dựng một căn nhà rông cần rất nhiều công sức và trí tuệ, vậy nhưng người thiết kế nhà rông làng Kon Sơ Lăl lại là người không biết chữ…
Nhà rông làng Kon Sơ Lăl được mệnh danh là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên. |
Từ TP.Pleiku, PV chạy xe máy khoảng 60km để về với làng Kon Sơ Lăl của xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai), đây là ngôi làng chủ yếu người dân tộc Ba Na sinh sống nên vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống cốt lõi của người dân tộc này.
Theo lời của già làng Sôn, trước đây người dân trong làng đã phải chứng kiến cảnh nhà rông bị cháy. Thời đó, nhà rông ở làng Kon Sơ Lăl cũ cách làng mới khoảng chừng 4km. Thấy cuộc sống ở đây khó phát triển kinh tế nên chính quyền đã vận động chuyển đến khu tái định cư gần trung tâm xã. Về làng mới, người làng tiếp tục dựng một nhà rông mới.
Vậy nhưng, nhà rông mới dựng lên được một thời gian thì không may lại cháy tiếp. Lần này, một cơn mưa giông, sấm sét vào chiều tháng 4/2015 đã đánh trúng vào ngôi nhà rông sừng sững khiến nó cháy đỏ rực trước sự bất lực của dân làng. Nhà rông là hồn cốt, là văn hóa gắn liền với cuộc đời của mỗi con người và là niềm tự hào dân tộc Ba Na một lần nữa chỉ còn lại tàn tích. Mọi người, từ già đến trẻ, ai nấy đều thở dài ngậm ngùi.
Buồn…đau là vậy, nhưng nhà rông là nơi chất chứa những đêm hội, tiếng chiêng và hương rượu cần nồng nàn của làng, vậy nên, bắt buộc phải xây dựng lại một cái khác để còn sinh hoạt cộng đồng. Nghĩ là làm, già làng Sôn đã lập tức lên kế hoạch và bàn bạc với các cụ lớn tuổi trong làng để thống nhất ý kiến. Sau đó, họ thông báo với người dân, rồi nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận.
Già Sôn (thứ hai từ trái qua), chính là người không biết chữ nhưng lại là người thiết kế bản vẽ trong trí óc của mình để dân làng dựng lên. |
Điều đặc biệt ở ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên chuẩn bị xây dựng này, đó là người thiết kế bản vẽ lại là già làng Sôn không biết chữ, thước dùng để đo là dây thừng. “Tôi không vẽ bản thiết kế nào cả, vì tôi không biết chữ, tất cả tôi chỉ nghĩ trong đầu. Tôi nói với bà con, nhà rông mới sẽ được dựng giống nhà rông ở làng cũ để bà con dễ hiểu. Bà con góp ý lại rằng muốn làm nhà rông to hơn để chứa hết cả làng. Khi bắt tay vào thực hiện, những người có uy tín trong làng sẽ cùng tôi dùng giám sát các quy trình để đưa ra những phán đoán chuẩn xác nhất để dân làng mình thực hiện”, già Sôn nhấn mạnh.
Lý giải về việc dùng dây thừng để làm thước đo nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật cũng như độ an toàn của ngôi nhà, già Sôn nói thêm, người dân làm nhà sàn để ở quen rồi, cứ thế mà làm theo tuần tự. Đầu tiên là dựng cột, sau là đóng khung, đặt đà, lợp mái. “Khó nhất là đặt đà ngang, nhìn không kĩ là sẽ làm nhà rông bị méo mó. Chúng tôi nhiều lần phải cùng nhau đứng xem và chỉnh sửa mới được như thế này”.
Được biết, công tác chuẩn bị nguyên, vật liệu phải mất một năm trời. Các trụ gỗ của nhà rông cũ được bán đi để lấy tiền xây dựng, cùng với việc huy động tổng lực công sức của toàn dân trong làng lại. 6 tổ trong làng được chia ra, số trai tráng thì lên rừng lấy trụ gỗ, đà (xà), mây, tre nứa. Số còn lại là phụ nữ thì lên rừng lấy tranh về lợp mái.
Thiết kế phía trong của ngôi nhà rông. |
Cứ thế, sau khi nguyên, vật liệu được tập kết đầy đủ, người dân bỏ ra 4.000 ngày công để thực hiện ngôi nhà với chiều dài là 23m, cao 20m, rộng chính giữa là 12m, rộng 2 bên mỗi bên 10m. Xây dựng trong vòng 4 tháng bắt đầu từ tháng 4/2017 và hoàn chỉnh vào tháng 8 cùng năm. Khi tổ chức lễ mừng nhà rông mới, nhà rông này được xác định là ngôi nhà rông lớn nhất trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên từ trước đến nay.
Đây là ngôi nhà rông được dựng lên theo đúng ý nghĩa và truyền thống nhà rông của người Bahnar. Vậy nhưng, khi du khách đến chiêm ngưỡng và nghe về quá trình xây dựng và hoàn chỉnh, ai nấy đều ngạc nhiên bởi đây là kiệt tác của một già làng uy tín lại không biết chữ cùng với sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của dân làng.