Hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Bắc Kạn lại cùng nhau mổ lợn mời anh em họ hàng, bà con hàng xóm về gặp mặt, ăn Tết.
Theo thông lệ, bắt đầu từ 20 đến 28 tháng Chạp, hầu hết các gia đình lần lượt mổ lợn Tết mời anh em họ hàng, bạn bè và bà con hàng xóm đến ăn bữa cơm cuối năm. Đây là dịp để mọi người gặp mặt, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm làm ăn trong năm, chúc tụng những điều may mắn trong năm mới, giao lưu văn hóa thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.
Trước Tết vài tháng, các gia đình đã đi tìm mua lợn đen - giống lợn bản địa của bà con để mang về nuôi và thịt trong dịp Tết. Đây là những con lợn vừa được nuôi nhốt vừa thả rông, không dùng cám tăng trọng, nên thịt lợn sạch, săn chắc, thơm ngon. Với những hộ không nuôi được thì sẽ tìm mua lợn sạch tại các thôn, bản vùng cao để về thịt, phục vụ nhu cầu ngày Tết.
Ông Nông Xuân Tuyến, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến, gia đình tôi lại tổ chức thịt lợn Tết, làm mâm cơm tất niên và mời anh em họ hàng về gặp mặt quây quần ăn bữa cơm đoàn viên. Phong tục này đã được gia đình duy trì từ rất lâu, vừa chế biến nhiều món ăn dâng lên bàn thờ tổ tiên tiễn năm cũ và đón năm mới, cũng vừa gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, dòng tộc với nhau sau một năm lao động sản xuất”.
Thông thường nếu thịt con lợn nhỏ thì hai gia đình sẽ chung nhau, đối với những con to thì ba đến bốn gia đình cùng chung để ăn Tết. Truyền thống này người dân vùng cao còn gọi là “đụng” lợn Tết. Lợn được mổ xong, một phần xương thịt để làm tiệc đãi khách. Phần thịt ngon còn lại được dùng để gói bánh chưng và được bảo quản để ngày Tết mang ra chế biến các món ăn. Nhiều gia đình còn để dành một phần thịt treo gác bếp làm món thịt lợn hun khói, đặc sản của người dân vùng cao. Ngày thịt lợn, các gia đình quây quần cùng nhau pha thịt, nấu nướng, ăn bữa cơm đoàn kết, gặp nhau tâm sự, chia sẻ về cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Hoạt, người dân thôn Bản Cào, xã Côn Minh (Na Rì) phấn khởi: Việc thịt lợn ăn Tết không chỉ giúp gia đình chủ động được nguồn thực phẩm để chế biến món ăn trong dịp Tết mà còn giúp tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa anh em họ hàng, bà con xóm giềng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón mừng năm mới.
Các món ăn trong những ngày Tết cũng phong phú hơn ngày thường. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món, trên mâm cỗ được bày biện những món ngon, hấp dẫn mang đậm hương vị truyền thống của đồng bào vùng cao như thịt nướng, thịt lợn xào gừng, thịt lợn nhồi măng…Ngày xưa, khi chưa có tủ lạnh tích trữ, người dân chế biến thịt lợn thành nhiều món như thịt chua, thịt treo gác bếp, lạp sườn để dành ăn mấy tháng sau Tết. Mỡ được rán, cất vào hũ sành ăn vài tháng. Ngày nay đời sống của người dân được nâng cao, nhà nào cũng có tủ lạnh nên việc bảo quản thức ăn đã thuận tiện hơn trước.
Không khí đón Tết Nguyên đán đang gõ cửa từng nhà, mang theo hương sắc núi rừng và tình cảm của người dân vùng cao Bắc Kạn. Những phong tục tập quán đặc sắc ngày Tết của cha ông từ xa xưa vẫn được các thế hệ đời sau gìn giữ, phát huy trong niềm vui và ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và bình an…