Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là một trong ba lễ chính của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ được tổ chức định kỳ hằng năm. Tết cổ truyền năm nay đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang có thêm nhiều niềm vui mới, bởi vì đời sống vật chất, tinh thần của họ được nâng lên rõ nét. Riêng đối với các hộ Khmer nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, niềm vui được nhân lên gấp bội.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương trình MTQG 1719) giai đoạn I: 2021 – 2025; đến cuối năm 2023, Kiên Giang triển khai thực hiện hỗ trợ đất ở cho 31 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ; triển khai hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 236 hộ; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 472 hộ; nâng cấp, mở rộng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí thực hiện trên 74 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...
Những ngày cận Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 có dịp về xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang mới thấy hết sự đổi thay của nơi đây. Dọc theo những con đường trải nhựa, đường bê tông nông thôn là những ngôi nhà mới được xây dựng kịp thời giúp đồng bào Khmer không còn lo nhà dột khi vào mùa mưa bão. Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình ông Danh Thắng ngụ ấp Hòa Hưng, xã Minh Hòa vui mừng khi căn nhà mới của gia đình đã hoàn thiện hơn 3 tháng nay. Là Cựu chiến binh tuổi đã cao, sức yếu, nhiều năm qua, ông Thắng cùng gia đình chung sống trong căn nhà đã cũ, xuống cấp nặng. Khi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình ông góp thêm hơn 20 triệu đồng để xây nhà mới.
Ông Danh Thắng chia sẻ niềm vui: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng nhà mới, tôi và gia đình rất cảm động và biết ơn. Bây giờ gia đình tôi không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà. Đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay gia đình tôi sẽ rất vui”.
Còn tại ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nơi có gần 50% người dân là đồng bào Khmer, một thời thuộc diện ấp nghèo nhất xã và huyện, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự kiên trì giúp đỡ của các cấp, giờ đây, ấp Thạnh Trung đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu ngày một tăng lên. Với những gia đình mới thoát nghèo sẽ được bảo lãnh vay tín chấp vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh để không tái nghèo.
Từ khi được hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, gia đình anh Danh Ngoan, ở ấp Thạnh Trung yên tâm lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Anh Danh Ngoan nói: “Không đất sản xuất nên vợ chồng tôi phải đi làm thuê kiếm sống. Vì đi làm xa, nên phải bỏ 2 đứa con lại nhà mấy ngày mới về thăm một lần. Nhà thì dột nát, nhiều đêm mưa giông không dám ngủ. Rồi mấy anh cán bộ trong ấp báo tin là gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, gia đình tôi vui lắm. Khi nhận được tiền hỗ trợ, tôi bắt tay ngay vào việc chọn thợ, mua vật tư về làm nhà. Được sự giúp sức nhiệt tình của xóm giềng, căn nhà của tôi xây rất nhanh. Hôm dọn vào nhà mới, mọi người đến chia vui mà vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt”. Từ khi có cửa nhà ổn định, anh Ngoan cũng kiếm được ít vốn mướn thêm mấy công đất để làm ruộng, nhờ vậy cuộc sống gia đình anh đã khá hơn nhiều so với trước đây.
Đến Thạnh Hòa 3, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) ấp có tới 80% là đồng bào Khmer sinh sống, đã một thời, Thạnh Hòa 3 thuộc diện ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Được thụ hưởng từ Chương trình MTQG 1719, anh Danh Khenl ở ấp Thạnh Hòa 3, có căn nhà mới kiên cố được xây dựng thay căn nhà dột trước đây. Phấn khởi trước sự hỗ trợ kịp thời này, anh Danh Khenl nói: “Mặc dù cố gắng lao động, tích cóp nhiều năm nhưng gia đình tôi vẫn không xây được căn nhà lành lặn để ở. Nhờ địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình góp thêm tiền để xây căn nhà mới. Đây được xem là căn nhà “mơ ước” của gia đình tôi từ bấy lâu nay. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước cũng như các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ. Bây giờ, gia đình không còn chịu cảnh nhà dột nát, xiêu vẹo như trước nên an tâm lao động, sản xuất”.
Ông Danh Bạch, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa 3 chia sẻ: “Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giúp đồng bào phát triển kinh tế nên đến nay, cuộc sống người dân ấp Thạnh Hòa 3 phát triển hơn trước rất nhiều. Từ sự đóng góp của nhân dân, các con đường giao thông được bê tông hóa, ấp không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 12 hộ (chiếm 4,2%); 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...”.
Là một trong những hộ dân tộc Khmer được địa phương hỗ trợ nhà ở, chị Danh Thị Hêng, ở ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Cuộc sống gia đình khó khăn, nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng từ làm công nhân, làm thuê. Gia đình phải sống trong ngôi nhà cấp 4 dột nát, song cũng không có điều kiện để sửa chữa, cải tạo. Đúng lúc khó khăn nhất, gia đình được được chính quyền tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719), để xây nhà ở. Từ số tiền này, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới với diện tích 32m2. Giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống”.
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng). Tiến tới đạt 90% hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 1.679 hộ đồng bào DTTS (chiếm 2,40%); trong đó có 1.631 hộ nghèo là đồng bào Khmer, giảm 854 hộ so năm 2022; hộ cận nghèo DTTS có 2.548 hộ (chiếm 3,64%)”.
Kết quả này, là nhờ quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác dân tộc, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chính sách dân tộc. Đặc biệt, các cấp lãnh đạo rất chú trọng lắng nghe và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong đời sống của đồng bào. Qua đó, đồng bào các DTTS luôn tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động.